Khi trào lưu “cấy phấn lên da” giúp chị em phụ nữ trắng hồng chỉ sau một thời gian siêu ngắn ra mắt vẫn đang là đề tài gây nhiều tranh cãi, chúng tôi đã liên hệ với chị Vũ Lê Mai – Giám đốc Spa Adama, Hà Nội.
Chị Mai cho biết thời gian gần đây chị gặp nhiều nạn nhân của hình thức cấy phấn làm đẹp này. Theo chị Mai, không có biện pháp nào là cấy phấn vì hiện nay người dùng đang bị nhiều nơi đánh lừa, họ cứ nghĩ như là xăm phấn lên cho da đẹp.
Theo chị Mai, “Các loại phấn bình thường mình sử dụng cho da đã không tốt nếu cấy phấn cho da thì thực sự là điều “tồi tệ” cho da của mỗi người”.
Chị tiết lộ, thực ra đây là công nghệ chăm sóc da mặt bằng một loại serum. Phương pháp này là làm trắng da bằng mesotherapy kết hợp với serum, làm trắng da khiến da có màu trắng như phấn.
Giống như tiêm filer làm đẹp, phương pháp này cũng có nhiều vấn đề đáng quan tâm nhất là chất lượng serum và khả năng của kỹ thuật viên thực hiện.
Nói về các serum này, chị Mai cho biết có rất nhiều loại serum khác nhau và chất lượng khác nhau.
Đặc biệt, chị Mai t đã gặp khá nhiều người là nạn nhân của các loại serum hàng fake với những nhãn hàng chuyên về serum này. "Hàng nhái nhiều khi người sử dụng cũng không nhận ra bởi nó rất giống hàng thật. Nếu không có kinh nghiệm thì rất khó để có thể nhận ra được nó". Chính vì thế, để đảm bảo, những phụ nữ làm đẹp cần cẩn trọng các địa chỉ tin cậy.
Hiện nay để thực hiện biện pháp này, các kỹ thuật viên phải được đào tạo qua khóa đào tạo của doanh nghiệp nhưng con số này ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nếu không có kỹ thuật khi lăn kim chỉ cần lăn sâu qua tác động tới biểu bì da có thể gây dị ứng, viêm da… hoặc nếu chọn không đúng mẫu kim, chất lượng kim thì hậu quả cũng chưa biết thế nào.
Để có cái nhìn khách quan nhất giữa hàng chính hãng và hàng fake, chị Mai đã thử làm trắng da trên gương mặt mình bằng 2 sản phẩm. Kết quả cho thấy, bên mặt sử dụng hàng fake nổi mẩn đỏ như hầu hết các trường hợp đang bị ảnh hưởng của dịch vụ này.
Theo TS. Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Da Liễu Trung ương cho biết, thời gian gần đây bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tới điều trị do “tác dụng phụ” khi sử dụng sản phẩm để làm đẹp theo phương pháp được gọi là “cấy phấn”.
TS. Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, hiện nay kỹ thuật cấy phấn này đang được quảng cáo rầm rộ. Về mặt chuyên môn, bác sĩ Doanh khuyên chị em nên cân nhắc bởi bất cứ loại mỹ phẩm nào khi sử dụng cũng có thể gây ra dị ứng bởi cơ địa mỗi người.
Việc dùng kim châm dù nhỏ cỡ nào cũng gây tổn hại nhất định đối với làn da, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn, viêm da, thoái hóa da...
Nguyễn Huệ