Cướp của những người nghèo khổ
Chiều muộn ngày 22/5, ông Trần Văn L. (81 tuổi, ngụ phường 2, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vẫn cầm trên tay xấp vé số dày cộm và luôn miệng mời khách mua giúp. Nhiều người cảm thông nỗi vất vả, khổ cực của ông L. nên đã không ngần ngại mua ủng hộ đôi ba tờ vé số. Cứ như vậy, chẳng mấy chốc, xấp vé số trên tay của ông L. cũng đã vơi dần.
Bắt gặp ánh mắt đồng cảm của chúng tôi, ông L. không ngần ngại chia sẻ những khó khăn, rủi ro mà người bán vé số dạo phải đối diện. Ông L. cho biết, đa phần người bán vé số dạo đều có cuộc sống đặc biệt khó khăn, không có đất sản xuất.
Việc bán vé số dạo được xem là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình. Hằng ngày, những người bán vé số dạo phải ngược xuôi hàng chục km để bán vé số kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Trong suốt gần 20 năm đi bán vé số dạo, ông L. không ít lần bị kẻ xấu cướp giật vé số. Do ông từng bị cướp giật vé số và nghe nhiều đồng nghiệp gặp nạn thuật lại nên ông đã đúc kết được kinh nghiệm để phòng ngừa.
Theo ông L., bọn chúng luôn chọn người già, người tàn tật để ra tay cướp giật vì họ không có sức chống cự, phản kháng. Thường thì sau khi hỏi mua một vài tờ, chúng sẽ giả vờ tội nghiệp người bán rồi hỏi còn bao nhiêu để mua hết. Hoặc chúng giả vờ đổi tiền lẻ để xem bên người bán vé số có nhiều tiền hay không.
Tiếp đó, bọn chúng làm nhiều cách để người bán vé số phân tâm, mất tập trung rồi ra tay cướp giật, tẩu thoát. Các đối tượng này thường đi hai người, nếu đi trên đường mà có người gọi lại mua vé số thì phải cảnh giác.
Người thì hỏi mua và xem lựa vé số, người mượn giấy dò số. Đồng thời chúng vờ hỏi đường làm người bán không để ý rồi ra tay cướp giật.
Ông L. cũng cho biết, thời điểm mà bọn cướp giật hay ra tay là vào lúc xế chiều, trên những tuyến đường vắng, ít người qua lại. Vì vậy, người bán vé số dạo phải tự bảo vệ mình và luôn đề cao cảnh giác. Theo ông L., những tờ vé số giật được, bọn chúng sẽ tìm cách bán lại với giá thấp chứ không để dò cầu may.
Tương tự, bà Lê Thị M. (vợ của ông Võ Văn T., 77 tuổi, ngụ phường 2, TP.Sa Đéc, một nạn nhân từng bị kẻ xấu cướp giật vé số) cho biết: “Chồng tôi bán vé số đã mười mấy năm qua và rất nhiều lần bị giật vé số, thậm chí có lúc bị giật tiền. Những lúc bị cướp giật vé số, ông ấy không kể lại với gia đình nên không ai biết. Mãi đến khi công an bắt được cặp vợ chồng chuyên giật vé số, ông ấy mới kể lại”.
Theo bà M., nhiều đối tượng có những thủ đoạn khéo léo và tinh vi khiến chồng bà cũng không thể ngờ.
Bà M. kể, trước khi giật vé số của ông T., một nam thanh niên dàn cảnh đứng trước một căn nhà khá khang trang và vờ nhìn căn nhà này gọi vợ mang tiền ra mua vé số. Lợi dụng lúc ông T. mất cảnh giác, nam thanh niên giật xấp vé số cùng số tiền đang cầm trên tay rồi lên xe của đồng bọn chờ sẵn tẩu thoát.
Trước những trải lòng của những người bán vé số dạo, ngày 23/5, trao đổi với PV Người Đưa Tin, Đại tá Nguyễn Chí Công, Trưởng Công an TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết, cơ quan điều tra đã bắt 2 đối tượng cướp giật vé số trên địa bàn. Hiện, cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng.
"Người dân nên nêu cao tinh thần cảnh giác trước những thủ đoạn cướp giật vé số của kẻ xấu. Đồng thời, khi phát hiện những đối tượng có biểu hiện bất thường, khả nghi, người dân cần báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất", Đại tá Công khuyến cáo.