Sáng 11/1, đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã bắt quả tang bà Châu Thị Loan (50 tuổi), trú tổ dân phố 3, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn đang tổ chức sản xuất, chế biến bán nước dấm trái phép, tờ Công an Nhân dân đưa tin.
Theo đó, cơ sở bà Loan không có giấy phép sản xuất, hoạt động kinh doanh, an toàn vệ sinh. Cơ sở chế biến dấm nằm phía sau căn nhà trong hẻm tổ dân phố 3. Tại đây, có hàng trăm lọ chai đã qua sử dụng cùng nhiều thùng axit axetic công nghiệp không rõ nguồn gốc và hết hạn sử dụng.
Các dụng cụ dùng để đổ trộn nước lã và chất axit axetic sau đó đóng vào các chai nhựa đã qua sử dụng mất vệ sinh.
Tờ Công an Nhân dân dẫn lời bà Loan: "Nghe người ta nói chất axit kia không hại sức khỏe nên tôi vào TP.Quảng Ngãi mua mấy thùng đó về dùng pha. Công thức sản xuất dấm là dùng axit pha với nước lã rồi đóng vào chai (loại 500ml). Cứ 1 lít axit pha với 100 lít nước giếng bơm máy sẽ cho ra khoảng 101 lít nước dấm".
Được biết, mỗi ngày cơ sở Lan tiêu thụ trên 200 chai dấm thành phẩm với giá khoảng 2.000 đồng/chai.
Mở rộng điều tra, Công an huyện Bình Sơn kiểm tra quầy hàng của bà Loan cạnh chợ Châu Ổ, phát hiện trên 50 chai dấm đang bán ra thị trường. Theo một số tiểu thương bán hàng la - gim tại chợ Châu Ổ cho biết, bà Loan mở quầy bán dấm vài năm gần đây. Mỗi ngày bà Loan bỏ dấm sỉ cho nhiều nơi.
Theo ông Huỳnh Công Thư, Trưởng phòng Y tế huyện Bình Sơn cho biết, bước đầu kiểm tra thấy việc cơ sở sản xuất dấm này không đảm bảo vệ sinh môi trường. "Hoạt động sản xuất, chế biến dấm thời gian dài nhưng không có bất cứ giấy phép, chứng nhận gì. Điều đáng lo nhất nếu sử dụng axit axetic công nghiệp thì sẽ gây nguy hại sức khỏe. Người dân ăn loại dấm làm từ axit axetic công nghiệp hay những loại axit đậm đặc, không rõ tên, nguồn gốc, xuất xứ có thể gây tổn hại lớn cho sức khỏe. Nơi tiếp nhận đầu tiên và bị ảnh hưởng lớn nhất chính là dạ dày, hệ thống tiêu hóa. Một khi hệ thống tiêu hóa, đường ruột gặp vấn đề thì sẽ có rất nhiều nguy cơ mắc các bệnh mãn tính mà bạn không thể lường trước được", ông Thư chia sẻ trên tờ Công an Nhân dân.
Hiện, toàn bộ số dấm trên được Công an huyện Bình Sơn tiến hành niêm phong, tạm giữ và lấy mẫu xét nghiệm để xử lý nghiêm trước pháp luật.
Được biết, hiện, chất axit acetic thường sử dụng trong công nghiệp cao su. Nếu sử dụng axit này pha dấm ăn thì cực kỳ nguy hại, người dùng không khác gì ăn chất độc. Bên cạnh đó việc pha chế với nước lã là cách để nhân đôi nguy hại. Vì các vi sinh vật có trong nước lã có thể kết hợp với dấm để lên men thành các vi khuẩn sinh ra chất độc.
Theo một số người khuyến cáo, người pha chế có thể sơ suất hoặc không hiểu biết về hóa học, pha chế lượng axit axetic vượt ngưỡng cho phép sẽ gây viêm loét dạ dày, có nguy cơ bị ngộ độc thần kinh, ung thư, thậm chí là tử vong.
Bích Ngọc (Tổng hợp)