Xã Yang Tao (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) có hàng trăm hòn đá có hình thù kỳ lạ, đặc biệt là hai tảng đá voi. Đây là quần thể đá cổ độc nhất ở xứ này. Do nhiều biến động của địa chất có nhiều hòn đá bỗng nhiên chuyển từ chỗ này sang chỗ khác hoặc bỗng nhiên đổi màu.
Thế nhưng nhiều phương tiện thông tin và người dân loan tin quần thể đá này đã được “thánh nhập”, biết báo mộng cho kho báu và chữa nhiều bệnh lạ nếu kêu cầu hòn đá. Thế nên nhiều người đã tin theo đồn đại này, bỏ làm lặn lội đến đây để cầu vận may. Chúng tôi đã có cuộc lý giải dưới góc độ khoa học nhất từ những người am hiểu về sự biến đổi địa chất.
Huyền tích và những lời truyền miệng
Quần thể đá cổ này cùng với những tảng đá lớn quanh khu vực vườn quốc gia Chư Yang Sin từ lâu đã tạo nên sự cuốn hút và níu chân nhiều khách vãng lai khi đi qua khu vực này. Bên cạnh những tảng đá này cũng được truyền tụng nhiều huyền tích đầy vẻ kỳ bí khác nhau, đặc biệt là hai tảng đá voi.
Ông Ka Nham, một già làng tiêu biểu ở vùng đất này thổ lộ: “Sự thật về những tảng đá cổ này thì chưa có ai giải thích rõ ràng. Tuy nhiên về lai lịch hình thành thì tôi nắm rất rõ. Cách đây chừng gần một thế kỷ quần thể đá cổ này đã có rồi. Sau một trận cuồng phong và giông gió làm cho cả buôn làng khiếp hãi thì trơ lại những khối đá này. Đặc biệt, hai khối đá hình dáng y hệt con voi, người dân dùng bao nhiêu sức lực hay các dụng cụ đập cũng không hề hấn gì, cứ chắc như là sắt thép vậy”.
Hai hòn đá hình hai con voi khổng lồ này không nằm sát nhau mà cách nhau 2 cánh đồng. Người dân truyền nhau rằng đá voi đực ở đầu Tây và đá voi cái ở đầu Đông. Cả hai “thần voi” này ngự trị để bảo vệ cho buôn làng, bởi đây là xứ sở của triệu voi.
Cả đá voi bố và đá voi mà có sự xê dịch chỉ là do biến đổi địa chất.
Ông A Ma Long, một trong những người từng có 4 năm đi săn voi rừng bảo: “Buôn Đôn đi vào huyền thoại là nơi còn hội tụ nhiều voi Tây Nguyên, nhưng thực ra vùng đất giáp ranh giữa huyện Lắk và huyện Krông Bông này mới là nơi xuất hiện những chú voi dũng mãnh đầu tiên. Đặc biệt, con “voi chúa” mà vua săn voi bắt được cũng là ở ngay trên mảnh đất này. Bởi vậy nên những người dân tin hai tảng đá này là hiện thân của cặp voi đầu đàn ranh mãnh nhưng lại thích giúp người dân năm xưa”.
Huyền tích này cứ thế được truyền đi từ thế hệ này đến thế hệ khác với nhiều dị bản khác nhau. Đến nay, nhiều người còn khẳng định hai tảng đá voi đó còn là vật thiêng được Yàng (trời) phái xuống để bảo vệ và ban cuộc sống sung túc cho buôn làng, kể cả những sự sinh xôi nảy nở. Ông Ni Ê H’Lăm kể: “Câu chuyện này đã ăn sâu và tiềm thức của những người dân vùng đất này rồi.
Ai cũng tin vào sự linh thiêng của hai tảng đá voi đó. Thường, những người đàn ông khi sức khỏe yếu ớt hoặc không thể sinh con đẻ cái thường chọn những đêm trăng đến nằm bên cạnh tảng đá voi cha và cầu nguyện ban cho sức khỏe và khả năng sinh con đàn cháu đống.
Rất nhiều người đàn ông đã cầu được ước thấy. Lại có những sơn nữ, muốn bắt được chồng khỏe như trâu mộng và biết lo lắng nương rẫy đã mang theo bó hoa rừng tươi nguyên đến bên tảng đá voi mẹ để cầu khẩn”. Không biết những lời cầu khẩn này hiệu nghiệm được bao nhiêu nhưng người dân ở đây cứ xem đây là niềm tín ngưỡng thiêng liêng để họ bấu víu vào.
Ông Y Nam khẳng định: “Trước kia cháu trai tôi lấy vợ mấy năm trời nhưng cứ ốm mãi lại chẳng thể sinh con. Sau hai tuần lễ đến nằm bên đá voi cha thế là về một thời gian sau vợ nó có con đấy. Có lẽ đá voi cha đã thấu hiểu tấm lòng và khát vọng của nó nên đã phù hộ”.
Vái lạy sì sụp và rước khổ vào thân
Sự tôn kính của những người dân tộc thiểu số bản địa dành cho quần thể đá cổ cũng như hai tảng đá voi là có thật. Rồi, có bao nhiêu người đến cầu khẩn mà không thành hiện thực thì dường như họ cũng không bao giờ nhắc đến. Cách đây không lâu, bỗng nhiên cả hai tảng đá voi di chuyển một quãng dài.
Từ sự xê dịch này bỗng nhiên người dân ào ào đồn rằng hai tảng đá biết chạy và báo mộng cho biết nơi có kho báu, từ đó nhiều phương tiện cũng loan tin theo. Ông Y Mút bộc bạch: “Là một người dân địa phương nhưng tôi chưa biết gì, chỉ thấy hàng chục người là khách thập phương túa về vái lạy sì sụp suốt ngày bên hai tảng đá này. Sự dịch chuyển của nó từ vị trí này sang vị trí khác là có thật, mà thời điểm dịch chuyển đó lại không hề xảy ra mưa bão nên càng khiến người ta tin đó là do thánh nhập.
Tôi tin vào sự huyền bí của hòn đá nhưng bảo thánh nhập khiến hai tảng đá đó biết chạy thì mơ hồ quá”. Bà Nguyễn Thu Huệ, một khách thập phương từ tận Đồng Tháp lên cho biết: “Tôi đọc được trên một số tờ báo kêu hai tảng đá này có “bề trên” nhập vào. Biết chạy như người thật và còn có khả năng chữa nhiều bệnh tật cho những người thành tâm, thành ý đến kêu cầu.
Gia đình tôi có chồng và con trai đều bị bệnh gan nặng mà có bệnh thì vái tứ phương, kể cả những phương pháp tâm linh. Nghĩ vậy lại tin vào các phương tiện thông tin kia nên tôi đã phải cùng với người nhà bỏ việc vội vã lên đây, mang theo nhiều lễ vật để cầu sự phù hộ từ hai hòn đá.
Cũng đã lấy nước suối dội lên tảng đá rồi hứng lấy mang về cho người nhà uống như nhiều người nói nhưng mãi mà bệnh tật chồng con tôi cũng chẳng thể giảm được, bác sỹ kêu ngày càng nặng hơn. Mà kỳ thực tôi đến đây bằng tất cả lòng thành kính chứ không hề báng bổ gì”.
Cũng như bà Huệ, bà Trần Thị Thuận cũng chỉ vì đọc được thông tin trên một tờ báo nói hai tảng đá biết chạy này có khả năng chữa bách bệnh nên đã bỏ bê hết công việc mà lặn lội từ Quảng Trị vào để kêu cầu. Nhưng kêu cầu mãi cũng chẳng thấy ăn thua gì.
Bà Thuận ngao ngán bảo: “Người ta nói hay quá, bảo đá thánh kêu là được, cầu là thấy. Nhất là những người có bệnh hoặc người nhà mình có bệnh thì sẽ có tác dụng ngay. Bài báo tôi đọc được còn khẳng định cứ uống nước sau khi hứng được từ việc dội lên hai tảng đá đó là khỏi bệnh nhanh thôi. Nhà đã có bệnh, lại khó khăn nhưng cũng phải lặn lội lên đây cả tuần để cầu.
Nhưng giờ thấy khổ quá vì chẳng hề linh nghiệm gì cả”. Ông Trần Văn Bảo cũng chỉ vì nghe được thông tin những tảng đá này biết cử động như người và chữa được bệnh nên cũng hộc tốc từ Nam Định vào để cầu may. Ông bảo: “Đầu tháng 9 tôi đã đọc những thông tin này, lúc đi vay thêm tiền nữa bởi dự định có thể sẽ phải ở lại lâu ngày.
Suốt 10 ngày, bữa nào cũng ra vái lạy hai tảng đá voi đó. Rồi đêm xuống cũng ra nằm bên tảng đá như những lời đồn thổi. Nhưng khi tiền tiêu hết, trong người lại thấy mệt hơn. Căn bệnh u sơ gan lại lên cơn nên tôi phải khăn gói về thôi, vái lạy mãi rồi giờ lại rước thêm khổ vào thân”.
Hoang đường và thiếu thuyết phục
Không chỉ đồn đoán hai tảng đá voi biết chạy và chữa bệnh, nhiều người còn đồn thổi hai tảng “đá thánh” đó còn về báo mộng cho những người nghèo có thể tìm được kho báu. Ông Ka Lin cho hay: “Dân địa phương biết ít thì dân tứ xứ biết nhiều.
Thực hư chẳng ai thấu tỏ nhưng cứ hiếu kỳ thì túa cả ra đó để xem và nghe thôi. Họ bảo rằng những hoàn cảnh bi đát mà một lòng kêu cầu thì đêm về sẽ được hai hòn đá thánh này báo mộng cho, kiểu gì rồi ngày mai ra được cũng nhặt được của nả hoặc là sẽ đào được vàng ngay trên nương rẫy nhà mình. Người ta cứ kháo nhau thế nhưng tôi cũng chưa thấy ai đào được của cả. Từ ngày có luồng thông tin này làm náo loạn cả địa phương lên, có người bán tín bán nghi cũng cố đến cho bằng được”.
Ông Huỳnh Bảo Toàn, cán bộ địa chất Sở TN&MT Đắk Lắk khẳng định: “Đá mà biết chạy với chữa bách bệnh như người ta nói và nhiều phương tiện đưa tin thì quả là hoang đường. Tôi quyết đinh xuống đây khảo sát cũng bởi đọc được nguồn thông tin đó từ một số phương tiện chứ không riêng gì lời đồn đại của người dân.
Qua khảo sát khoa học thì thấy rõ ràng hai tảng đá voi đó có có sự dịch chuyển là thật nhưng đó chỉ là sự tác động từ sự biến đổi địa chất mà thôi. Vùng đất này trước kia vốn dĩ có hệ thống đá ngầm rất nhiều, các tảng đá ngầm lại không xếp khít vào nhau. Bởi thế nên khi xảy ra xáo trộn tất yếu gây nên rung chuyển nhẹ.
Có thể vì thế mà hai tảng đá voi đã dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Còn chuyện đá biết đổi màu hay chảy nước chỉ đơn giản là do tác động của thời tiết mà thôi. Những tảng đá cổ, tồn tại qua hàng trăm năm khi thời tiết quá nóng hoặc có sự thay đổi đột ngột nó có thể chuyển màu là chuyện bình thường. Những người dân nên nắm rõ những nguyên lí này mà tránh lặn lội đến đây để rồi công mất tật mang”.
Theo Pháp luật & Cuộc sống