Những ngày qua, vụ việc cô giáo đánh học sinh lớp 2 ở Hải Phòng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Mới đây, cô giáo đánh hàng loạt học sinh trong giờ kiểm tra ở Hải Phòng đã bị buộc thôi việc. Giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh bị đánh và ban giám hiệu cũng bị xem xét kiểm điểm.
Từ việc xử lý này, không ít ý kiến của các giáo viên tại các diễn đàn cũng đã bày tỏ quan điểm của mình, thậm chí họ cho rằng cách xử lý cô giáo bằng cách bị buộc thôi việc phải chăng quá nặng so với các nơi khác. Bởi, một số vụ việc giáo viên đánh, tát học sinh ở địa phương khác cũng chưa bị xử lý. Vậy phải chăng cần có một cơ chế đồng bộ trong việc xử lý giáo viên vi phạm tại các địa phương?
Xoay quanh vấn đề nhận được sự quan tâm, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến của một số ĐBQH bên hành lang Quốc hội.
Nghe audio: ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ
Không công bằng giữa các địa phương
Bàn về vấn đề xử lý giáo viên vi phạm ở các địa phương, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) thừa nhận: “Đúng là việc xử lý giáo viên dùng bạo lực với học sinh không có sự công bằng giữa các địa phương. Vì thế, đòi hỏi vai trò chỉ đạo và điều phối của bộ GD&ĐT chứ không để mỗi địa phương tự quyết.
Cần có một barem cho rõ ràng. Hành vi bạo lực với học sinh như thế nào là không chấp nhận được. Tôi không ủng hộ việc giáo viên dùng bạo lực với học sinh. Hành vi bạo lực không nên được ủng hộ trong học đường. Tuy nhiên, chúng ta phải xét trên nhiều khía cạnh”.
Trước ý kiến cho rằng ngày xưa vẫn dạy con bằng phương pháp “thương cho roi cho vọt”, đại biểu Phong Lan phân tích: “Dạy có nhiều biện pháp, nếu như đánh để giáo dục nó khác. Đánh theo kiểu thú tính, thích bạo lực làm đau học sinh nó khác. Đòi hỏi việc phổ biến, giáo dục… làm sao giáo viên phải thấm nhuần việc đó. Điều này bộ GD&ĐT phải có chỉ đạo, chứ chúng ta cũng không nên để tình trạng tát học sinh, địa phương này thì đuổi ngay, địa phương khác thì ầu ơ cho qua cũng không hay”.
Bên cạnh đó, đại biểu Phong Lan cũng bày tỏ việc cần phải công bằng về mặt thông tin, một số vụ việc xảy ra so với hàng ngàn ngôi trường, hàng triệu học sinh là thiểu số. “Chúng ta cũng phải thận trọng tuyên truyền để tránh việc học sinh tưởng mình là “ông trời con”, giáo viên không được động vào, muốn làm gì thì làm. Cùng với đó, những vụ việc giáo viên vi phạm cũng cần được giám sát đưa tin xem việc xử lý đến đâu, ở mức độ nào”.
Nghe Audio: ĐBQH Dương Minh Tuấn nói về việc xử lý giáo viên vi phạm tại các địa phương
Hạn chế giáo viên phạt học sinh bằng đòn roi
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, học sinh có những cái nghịch ngợm, giáo viên có quyền nhắc nhở, đôi khi có xử lý bằng hành động. Tuy nhiên, điều này cần hết sức hạn chế, không được xâm phạm đến thân thể học sinh.
Cũng theo ĐBQH Dương Minh Tuấn: “Hành vi của cô giáo ở Hải Phòng vừa qua, theo thẩm quyền, UBND Tỉnh có quyền xử lý. Còn ở địa phương khác, tùy theo trường hợp cụ thể, mỗi tỉnh sẽ cân nhắc nên so sánh rất là khó. Luật Giáo dục (sửa đổi) sắp được thông qua, một số các cơ quan khác như bộ GD&ĐT cũng đang hoàn thiện cơ sở pháp lý".
"Tôi đề nghị các tỉnh cần sát sao hơn nữa trong công tác làm sao bồi dưỡng giáo viên, để hạn chế đến mức thấp nhất giáo viên phạt học sinh bằng đòn roi. Bộ trưởng bộ GD&ĐT cần “vi hành” nhiều hơn nữa để có chủ trương sát hơn trong vấn đề giáo viên khi dạy học với học sinh”, đại biểu Tuấn nói.