Trong 5 năm nắm quyền, từ 1994 – 1999, Tổng thống Nelson Mandela hay còn được gọi thân mật là Madiba, đã dẫn dắt kinh tế Nam Phi tới một sự tăng trưởng mạnh mẽ dù xuất phát điểm rất thấp - Nền kinh tế Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc gặp vô vàn khó khăn do các lệnh cấm vận thương mại của quốc tế.
Tổng thống Mandela đã đặt nền móng cho 20 năm phát triển ngoạn mục của Nam Phi
“Bước vào năm 1994, có những lo ngại vô cùng lớn rằng liệu chúng tôi sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp ra sao khi một nền kinh tế đã loại ra ngoài 84% dân số của nó. Madiba đã rất giỏi trong việc tăng cường hoạt động thương mại thời hậu cấm vận”, Gina Schoeman - nhà kinh tế học tại ngân hàng Citibank ở Johannesburg khẳng định với kênh tin tài chính CNBC.
“Điều này đã cho phép chúng tôi có thể hàn gắn các mối quan hệ thương mại, đặc biệt với Mỹ và châu Âu. Những phẩm chất mềm mại mà ông đem đến thông qua khả năng hàn gắn và giao tiếp thực sự giúp ích”.
Một trong những lí do chính khiến Nam Phi gia nhập nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi quan trọng nhất, cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, đó là những thể chế được chính phủ của ông Mandela triển khai thời hậu chủ nghĩa apartheid, cũng như sự nhất quyết không áp dụng chính sách quốc hữu hóa nền kinh tế giống như quốc gia láng giềng Zimbabwe.
“Mandela là người thực tế về vấn đề kinh tế. Ông phản đối quốc hữu hóa cho dù nó là chính sách chính thức của Đại hội dân tộc phi (ANC)”, Peter Attard Montalto, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi tại công ty chứng khoán Nomura khẳng định. “Một trong những lí do khiến quốc gia này vẫn giữ được xếp hạng tín nhiệm ở mức đầu tư đó là những thể chế ông đã đặt ra”.
Trong một nghiên cứu về kinh tế Nam Phi 20 năm thời hậu apartheid, từ 1994 – 2013, được ngân hàng Mỹ Goldman Sachs công bố hồi tháng trước, một trong những thành công của kinh tế Nam Phi đó là quy mô GDP tăng từ mức 136 tỷ USD lên 400 tỷ USD. Số hộ gia đình được sử dụng điện tăng từ gần 60% lên 85%.
“Khi bạn nhìn lại những gì Nelson Mandela đã tiếp quản vào tháng 5 khi ông trở thành Tổng thống, đó thực sự là một liều thuốc đắng, bởi ông phải quản lý một quốc gia ngập trong nợ và rỗng túi”, Colin Coleman, giám đốc điều hành Goldman Sachs khu vực cận Sahara khẳng định.
“Tốc độ tăng trưởng thấp hơn cả tăng trưởng dân số trong khi lượng người thất nghiệp khổng lồ, bất bình đẳng xã hội gay gắt cùng một môi trường chính trị xã hội rất mong manh. Vậy nhưng chính nó lại mở đường cho một giai đoạn tăng trưởng, lạm phát thấp, giảm nợ và tốc độ tăng trưởng ngoạn mục cho đến khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra”.
Nam Phi giờ là nền kinh tế mới nổi quan trọng hàng đầu thế giới
Trong số những thay đổi ngoạn mục có thể thấy đó là doanh thu thuế đã tăng hơn 7 lần, từ 114 tỷ USD lên 814 tỷ USD. Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Johannesburg từ mức 3 tỷ USD đã bùng nổ lên 50 tỷ USD.
“Thường có rất nhiều bàn luận trái chiều về Nam Phi, nhưng bản báo cáo đã thực sự chỉ ra một số thành quả khá đáng kể trong 20 năm qua”, Joanne Yawitch, giám đốc điều hành của Sáng kiến kinh doanh quốc gia, một tổ chức gồm các doanh nghiệp và tập đoàn xúc tiến các sáng kiến trên phạm vi toàn Nam Phi, khẳng định.
“Đặc biệt là đã có sự gia tăng về năng suất, việc làm, và số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu cũng tăng rất mạnh. Chất lượng sống của rất nhiều người cũng được cải thiện mạnh mẽ cũng như nhiều vấn đề lớn khác”.
Tuy nhiên, nền kinh tế khá mạnh của Nam Phi vẫn có những vết nứt, khi tăng trưởng trong năm nay chậm lại, một phần do giá vàng thế giới giảm mạnh.
Các nhà kinh tế cũng đang lo ngại về tỉ lệ thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai cao của Nam Phi, vốn đang ở mức 6,8% GDP trong quý 3. Đồng nội tệ rand của nước này vẫn được xem như một trong 5 đồng tiền mong manh nhất của các thị trường mới nổi. Trong năm nay giá trị của nó đã sụt 18% so với USD.
Trong khi đó doanh thu xuất khẩu lại không tăng tương ứng, một phần do cơ sở hạ tầng vẫn là vấn đề lớn, nhất là hệ thống cung cấp điện, cũng như mức đầu tư từ các công ty toàn cầu giảm sút, bà Schoeman nhận xét.
Theo bản báo cáo trên của Goldman Sachs, những thách thức chính của kinh tế Nam Phi là hệ thống giáo dục gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao, dao động quanh mức 24%, với 70% người thất nghiệp dưới 34 tuổi. Bên cạnh đó, sự bất bình đẳng về thu nhập theo cũng lớn, khi 85% người da đen là người nghèo, trong khi 87% người da trắng thuộc tầng lớp trung và thượng lưu.
Theo Fica.vn