Cả hai bên đều có cáo buộc quan hệ kinh tế bất hợp pháp với Triều Tiên
Trong cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra tại vùng Vịnh giữa Qatar và nhóm các nước Ả Rập do Saudi Arabia dẫn đầu, diễn biến đang có xu hướng đảo chiều bởi vai trò của một đất nước cách xa đó hàng ngàn dặm: Triều Tiên.
Trong những ngày gần đây, cả hai bên trong cuộc khủng hoảng đều bị cáo buộc có quan hệ kinh tế bất hợp pháp với quốc gia bị cô lập ở Đông Bắc Á - một vấn đề rất nhạy cảm ở Washington, khi chương trình vũ khí hạt nhân đang tiến triển của Bình Nhưỡng đang được cho là đe dọa đến Mỹ.
Tuần trước, các báo cáo chi tiết về thỏa thuận vũ khí trị giá 100 triệu USD giữa Triều Tiên và một công ty ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã gây xôn xao. Hồi đầu tuần này, UAE cũng bị cáo buộc có mối quan hệ "nguy hiểm" với Triều Tiên trong một bài báo trên tạp chí The Hill của Mỹ.
Dù chưa có kết luận chính thức, vẫn có một số chi tiết trong cả hai cáo buộc trên là sự thật. Thông tin về giao dịch vũ khí giữa Triều Tiên với một công ty của UAE đã được tiết lộ trong một email của Chính phủ nước này từ hồi năm 2015 do tờ New York Times công bố.
Các email cho thấy, Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef al-Otaiba, đã được triệu tập tới cuộc họp với bộ Ngoại giao Mỹ để làm rõ thỏa thuận này.
Trong khi đó, Qatar được cho là một trong số các quốc gia có sử dụng lao động nhập cư nhiều nhất đến từ Triều Tiên. Ước tính có khoảng 3.000 công nhân đến từ quốc gia Đông Bắc Á đang làm việc trên khắp Qatar cho kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất hướng tới World Cup 2022.
Trong khi các nước Ả Rập nói Doha hậu thuẫn cho tổ chức khủng bố Anh em Hồi giáo, thì ngược lại, các quốc gia này cũng đối mặt với những nghi ngờ liên quan đến vũ khí Triều Tiên.
Với chính quyền Trump, những cáo buộc trên trở thành yếu tố “khó nghĩ”, tác động đến giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài ở vùng Vịnh, khi Washington không biết sẽ phải bênh vực bên nào.
Khủng hoảng Qatar đảo chiều
Theo Washington Post, ở thời điểm hiện tại, Triều Tiên là vấn đề được Mỹ coi trọng đặc biệt hơn tất cả các mối đe dọa khủng bố khác.
Đầu tuần này, các quan chức Washington cảnh báo Bình Nhưỡng có thể phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân trong năm tới - một khả năng sẽ trở thành mối đe dọa trực tiếp đến lục địa nước Mỹ.
Mối liên hệ giữa cuộc xung đột ở vùng Vịnh và vũ khí Triều Tiên không phải là bây giờ mới có, các chuyên gia cho biết. “Những cáo buộc này cần phải được đặt trong bối cảnh hai bên đang muốn thắng trong cuộc chiến tranh thông tin để giành được sự ủng hộ quốc tế”, Theodore Karasik, một cố vấn cấp cao tại trung tâm Phân tích vùng Vịnh có trụ sở tại Washington nói.
Mặc dù vậy, chính quyền Trump gần đây đã mạnh tay với các nước vẫn giấu giếm mối quan hệ kinh tế với Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt trực tiếp.
Trong đó bao gồm cả các công ty của Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của Triều Tiên vốn chưa từng bị sờ gáy trước đây cũng bị cho vào tầm ngắm.
Trong một thông báo gần đây về lệnh trừng phạt đối với Sudan, bộ Ngoại giao Mỹ đề cập một cách rõ ràng việc quốc gia châu Phi đã không hoàn toàn cam kết thực hiện các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Điều này ám chỉ đến hiệp định thương mại quốc phòng giữa Khartoum và Bình Nhưỡng.
Andrea Berger, một nhà nghiên cứu cao cấp tại viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury nói rằng, rất có thể UAE hay Qatar có thể phải đối mặt với một phản ứng tương tự đến từ Mỹ, nếu chính quyền Trump nghiêm túc điều tra các cáo buộc này.
“Mỹ có thể nổ súng cảnh báo bằng cách xử phạt các cá nhân, hoặc các công ty trong khu vực đang vi phạm việc tuân thủ các chế tài của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên”, Berger nói. “Đằng sau hậu trường, Washington cũng có thể đe dọa phạt nặng hơn nếu như các nước không có lời hứa tuân thủ”.
Mối quan hệ kinh tế gần gũi nhất đối với Triều Tiên trong nhóm các quốc gia vùng Vịnh không phải ai khác lại chính là Kuwait, một quốc gia đã cố gắng tránh xa các tranh chấp và là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực.
Hai cuộc khủng hoảng cách nửa vòng trái đất đang lồng vào nhau có thể buộc chính quyền Trump phải xem xét một cách tiếp cận khác. Trong đó, Qatar dường như sẽ lấy lại thế cân bằng trong cuộc chiến ngoại giao, khi họ có thêm lý lẽ để từ chối các yêu cầu từ Saudi Arabia.
Đọc thêm>>> Vì sao sau 64 năm, Triều Tiên vẫn thù ghét người Mỹ ?
Quốc Vinh