Tuy nhiên, không ít chuyên gia tỏ ra lo ngại, VAMC sẽ xử lý khối nợ xấu khủng đó như thế nào. Hơn nữa, sau khi Agribank được "giải cứu", liệu có xảy ra cuộc "đại cuồng phong" bán nợ xấu từ các ngân hàng?
Các tổ chức tín dụng xếp hàng "cầu cứu"
Theo người đại diện của VAMC, sau khi mua lại 1.723 tỷ đồng nợ xấu của Agribank, VAMC sẽ tiếp tục ký các hợp đồng với ngân hàng Sài Gòn (SCB), ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Dự kiến riêng tháng 10 này, công ty sẽ mua lại khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu. Xa hơn, từ nay đến cuối năm mục tiêu đề ra của VAMC là từ 30.000 - 35.000 tỷ đồng. Được biết, tính đến ngày 1/10/2013, đã có 10 tổ chức tín dụng đăng ký và gửi hồ sơ bán nợ xấu cho VAMC. Trong đó có 4 tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, một tổ chức tín dụng là ngân hàng quốc doanh. VAMC đang tiến hành thẩm định để xem xét về việc mua lại nợ xấu của các tổ chức trên.
TS. Ngô Trí Long
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC cho biết, để mua nợ được ngay từ tháng 10, công ty và các tổ chức tín dụng đã có quá trình làm việc từ trước. Sau các buổi làm việc, 5 tổ chức tín dụng tại TP.HCM đã đặt vấn đề và đăng ký bán lại nợ xấu. miền Bắc cũng có rất nhiều tổ chức tín dụng đến đặt vấn đề bán nợ xấu nhưng VAMC chưa quyết định. Được biết, các khách hàng khi bán nợ xấu cũng được xem xét vay vốn tiếp, lãi suất được giảm, tài sản đảm bảo của họ không phải bán rẻ, tốt cho họ và cho cả thị trường... Không có chuyện tài sản bị thâu tóm với giá rẻ mạt.
Được biết, việc mua bán nợ chỉ là bước khởi đầu trong quá trình hợp tác nhiều năm giữa VAMC và các tổ chức tín dụng. Mục tiêu chung mà họ hướng tới ở những giai đoạn sau là hoạt động cơ cấu lại nợ để lành mạnh hóa tài chính tại các tổ chức tín dụng và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
VAMC sẽ xử lý nợ xấu như thế nào?
Trao đổi với PV, TS. Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, việc Nhà nước thành lập công ty Quản lý và khai thác tài sản với mục đích giải quyết nợ xấu và lành mạnh hoá tài chính trong các tổ chức tín dụng. Thực chất đây là cách làm đã thành công ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc VAMC có thể giải quyết được khoản nợ này hay không chưa ai có thể chắc chắn.
Ông Long phân tích thêm, khi nợ xấu đã chuyển về VAMC, việc xử lý như thế nào mới là điều quan trọng. Liệu có ai mua lại khoản nợ này? Nếu chuyển từ tổ chức tín dụng sang VAMC (một đại diện của ngân hàng Nhà nước) mà không xem xét đến đầu ra, cách thức xử lý tài sản, nguồn vốn hoạt động, thị trường mua bán thì tất cả mới chỉ dừng lại ở hình thức. Trước mắt, việc một số đơn vị khác đang xếp hàng được bán nợ khiến nhiều người cho thấy việc mua nợ của VAMC rất hấp dẫn. Nhiều tổ chức bán nợ xấu vì muốn bảng cân đối tài chính tương đối đẹp lên và nhanh được tái cấp vốn.
Nhiều chuyên gia tỏ ra băn khoăn về việc VAMC sẽ xử lý nợ xấu như thế nào?
Tuy nhiên, theo ông Long, bản chất cốt lõi của vấn đề chưa được giải quyết khi việc xử lý khoản nợ ấy ra sao chưa được làm rõ. Hiện nay nguồn lực tài chính của nước ta rất eo hẹp. Việc chỉ có vốn pháp định 500 tỷ đồng, ít ai tin VAMC có thể đạt được mục tiêu của mình. Có ý kiến cho rằng, nhiều đơn vị nước ngoài ngỏ lời muốn mua lại nợ xấu. Nhưng việc bán nợ cho nước ngoài cũng có nhiều điều cần phải bàn lại. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức nước ngoài chỉ dừng lại ở mức độ thăm dò. Nếu muốn các tổ chức nước ngoài vào mua phải tạo sự hấp dẫn về lãi với họ. Tuy nhiên, chưa tính đến phần lãi vội, hiện nay, chính những quy định pháp lý để mở cửa cho những tổ chức nước ngoài vào mua nợ xấu chưa hoàn thiện.
Ông Long cho rằng, hiện nay, tình trạng tồn kho không chỉ diễn ra ở mặt hàng hoá mà còn xảy ra đối với vốn của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng huy động vào nhưng không cho vay được. Nhiều nơi, nợ xấu còn lớn hơn vốn điều lệ. Chính vì thế, hướng xử lý về lý thuyết rất trơn tru nhưng trong thực tế còn nhiều rào cản, trở ngại.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiệu quả hoạt động của VAMC còn tuỳ thuộc nhiều vào sự tự giác của các ngân hàng thương mại. Nếu các ngân hàng chuyển sang những món nợ không giải quyết được thì cũng không hiệu quả. Nói chung, mục tiêu xử lý 40.000- 70.000 tỷ nợ xấu hết năm nay khó khả quan. Với một lượng nợ xấu lớn như hiện nay thì bán cho ai trong bối cảnh khó khăn chung này? Các tổ chức nước ngoài cũng không mặn mà vì họ cũng đang khó khăn.
Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, trước tình hình trên, thời gian tới thị trường có thể bùng nổ cuộc đua bán nợ xấu cho VAMC để né hạn chót (ngày 30/6/2014) thực hiện Thông tư 02. Theo thông tư này, ngân hàng thương mại phải hoàn thiện quy định về phân loại nợ, mức trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động. Tuy nhiên, TS. Ngô Trí Long nhận định, đối với những ngân hàng có khoản nợ xấu quá nghiêm trọng, họ buộc phải trình ra để lấy trái phiếu đặc biệt để được tái cấp vốn thực hiện sản xuất kinh doanh, song cũng có không ít ngân hàng dè dặt. "Chắc chắn sẽ không xảy ra cuộc "đại cuồng phong" từ khác ngân hàng "cầu cứu" VAMC. Bởi vì, nếu các tổ chức tín dụng bán nợ xấu, họ rất sợ bị phanh phui nhiều khoản nợ "khó lý giải" và những đại gia chống lưng của các khoản nợ đó. Khi bán, ngân hàng phải giải trình rõ khoản nợ đó do đâu mà có, của ai, sử dụng như thế nào? Tất cả bản chất của nợ xấu sẽ lộ ra", TS. Long nhấn mạnh.
Theo ông Long, trước tình trạng ngày càng nhiều ngân hàng bộc lộ các khoản nợ xấu, Nhà nước nên tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức. Chắc chắn sẽ có nhiều đơn vị lo ngại bởi quá trình thanh tra sẽ làm lộ các "sân sau" của mình. "Sân sau" ở đây chính là các thành viên trong hội đồng quản trị lập công ty riêng để dùng chính công ty đó vay ngân hàng. Đây chính là một nguyên nhân gây nên nợ xấu.
VAMC lại mua thêm gần 1.000 tỷ nợ xấu Mới đây, VAMC đã hoàn tất hợp đồng ký kết mua nợ xấu của 3 ngân hàng là Sài Gòn Hà Nội (SHB), Xăng dầu (PGBank) và Sài Gòn (SCB). Ông Nguyễn Quốc Hùng - phó chủ tịch thường trực hội đồng thành viên VAMC cho biết, những khoản nợ xấu này có giá trị sổ sách 1.159 tỷ đồng nhưng được VAMC mua lại với giá 846 tỷ. Đây đều là các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao trên hệ thống như SHB là 9%, PGBank là 8%. Đại diện VAMC cũng cho biết, SHB dự kiến bán hơn 1.000 tỷ nợ xấu (chủ yếu là nợ của Habubank trước đây) nhưng công ty tạm thời chỉ đồng ý mua một phần. Dù SHB rất tích cực nhưng do chưa hoàn thiện hồ sơ theo quy định nên VAMC chưa thể mua toàn bộ số họ đề xuất. |
Vương Chân - Hồng Dương