Xe không nộp phạt nguội vẫn bị “treo” đăng kiểm mặc dù trước đó bộ Tư pháp đã có văn bản “tuýt còi” và đề nghị phía bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét lại việc thực hiện nội dung này. Dư luận còn nhiều băn khoăn về những văn bản thiếu rõ ràng, có sự “vênh” giữa nhiều Bộ, ngành khiến người dân gặp khó khăn.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, quan trọng nhất là công khai thông tin cho người dân, có hệ thống công nghệ đảm bảo kiểm soát được tất cả các hành vi vi phạm pháp luật. Cần làm sao để người dân bị phạt mà vẫn tâm phục khẩu phục.
“Tôi nghĩ phải thông báo kịp thời cho người dân khi họ bị phạt nguội, không để tồn tích đến tận khi đi đăng kiểm mới giật mình vì số tiền phạt quá lớn. Việc thông báo kịp thời cũng để người dân không rơi vào tình trạng vi phạm chồng vi phạm”, ông Sinh nói.
Cũng theo ông Sinh, có những khi, bản thân người dân cũng không biết mình vi phạm thời điểm nào để nộp phạt. “Nhưng tôi nghĩ, phạt chỉ là giải pháp cuối cùng. Quan trọng nhất là chấn chỉnh, ngăn ngừa chứ không phải đè ra để phạt. Dần dần tiến tới việc, người dân tự giác chấp hành và tự nhận thấy hành vi của mình là vi phạm, gây hậu quả khó lường để không vi phạm pháp luật”, ĐBQH Đỗ Văn Sinh nêu quan điểm.
Còn theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, quy định pháp luật đưa ra phải tốt và đi vào đời sống. Những trường hợp gửi thông báo mà chây ì không đến nộp phạt thì phải có biện pháp, hoặc gửi thông báo không đến nơi được cũng phải xem cách gửi như thế nào.
“Các Bộ phải xem lại vì “nguội” cũng không thể để hàng năm sau mới biết bị phạt. Kéo dài thời gian, người dân khó nhớ, cự cãi sẽ không hay. Các Bộ, ngành cần thấy rõ vấn đề để trong phối hợp cũng như đề xuất các giải pháp về thể chế và triển khai thực hiện vừa hoàn thành nghĩa vụ quản lý Nhà nước, vừa đảm bảo tốt cho đời sống xã hội và người tham gia giao thông”, ông Hòa nêu ý kiến.
“Nếu không, chính người dân sẽ “lãnh đủ” vì các quy định “vênh” nhau như thế này. Khi đã có bất cập, bộ GTVT cần xem xét, điều chỉnh, không nên giải thích bằng một quy định khác để tiếp tục thực hiện dừng đăng kiểm với xe chưa nộp phạt nguội, như thế là đẩy cái khó cho dân”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Còn theo đại diện cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (bộ Tư pháp), Cục đã gửi văn bản sang bộ GTVT đề nghị xem lại về khoản 6 Điều 4, Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT, quy định hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới: “Kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định”. Tuy nhiên đến nay, Cục chưa nhận được phản hồi chính thức bằng văn bản của bộ GTVT.
Trong khi đó, mới đây khi trả lời báo chí, đại diện cục Đăng kiểm Việt Nam lại cho rằng, nếu thay đổi quy định dừng đăng kiểm với xe chưa nộp phạt nguội sẽ gây ra tác dụng ngược. Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam (bộ GTVT), sau khi làm việc với cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục khẳng định quy định trên không phải áp dụng theo Thông tư 70 của bộ GTVT mà áp dụng theo khoản g, điểm 6, Điều 27 NĐ 63/2016 của Chính phủ.
Đại diện cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Cục đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 1.582 văn bản (gồm 197 văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; 1.385 văn bản của địa phương); qua đó phát hiện và kiến nghị xử lý đối với 39 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền (gồm 12 văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; 27 văn bản của địa phương). Ngoài ra, Cục còn phát hiện 418 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật trình bày.