Chỉ mấy ngày sau khi ban hành Thông tư 04/2013/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải chính thức nhận sai, đồng thời thay vào đó là Thông tư 06. Thế nhưng từ ngày hủy bỏ quy định đến nay vẫn chưa có ai ra đứng chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Câu chuyện trách nhiệm của việc ban hành văn bản sai, trách nhiệm của người tham mưu dẫn đến ban hành văn bản “trái luật” dường như đã bị chìm xuống.
Có vẻ Bộ GD&ĐT chỉ hủy văn bản trái pháp luật, đối phó với nhà chức trách và báo chí, thế là xong.
Văn bản, quy định về việc xử lý những trường hợp này được TS Lê Hồng Sơn - cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp khẳng định với báo chí là có, tuy nhiên chưa được làm đến nơi đến chốn.
Công chức, người tham mưu ban hành văn bản sai không đạt chuẩn, gây hậu quả thì tùy theo mức độ có thể áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách cảnh cáo hoặc là buộc thôi việc. Thậm chí, cố ý làm trái thì có thể xem xét về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật hình sự.
Việc ban hành văn bản sai, quy định không phù hợp thực tiễn như quy định cấm phát tán thông tin tiêu cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một thực tế không hiếm thế nhưng không hiểu vì sao vẫn chưa có ai bị xử lý.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam: TT 04 vi phạm quyền tố cáo của công dân. Ảnh: VnExpress
Ngay sau khi Thông tư 04 ra đời, trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: "Quả thật việc này không đúng quy định pháp luật, vi phạm quyền tố cáo của công dân. Tôi đã trao đổi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chỉ đạo rà soát lại và trên tinh thần trái như vậy thì phải sửa theo đúng quy định pháp luật".
Cục Khảo thí tham mưu soạn thảo Thông tư 04 Được biết có nhà báo hỏi thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Vinh Hiển là 'đã xử lý người tham mưu cho Bộ khi ra thông này chưa' nhưng không có câu trả lời. Một tin tức cho hay đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo ra thông tư 04 là Cục khảo thí. |
Hiện tượng này, cứ ban hành sai rồi thì sửa, vừa tốn kém tiền của Nhà nước vừa gây hoang mang cho người dân. Đặc biệt việc ban hành văn bản sai còn dẫn đến một hệ lụy: công chúng “nhờn” về hiệu lực của pháp luật.
Nếu không có một chế tài nghiêm khắc hơn, việc xử lý trách nhiệm ban hành văn bản sai, bất hợp lý không được tiến hành triệt để, kịp thời thì hiện tượng “cẩu thả” trong việc tham mưu, ban hành văn bản sẽ còn tái diễn.
Kịp thời sửa sai, ban hành Thông tư 06 sửa đổi, thay thế thông tư 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là việc làm có ý nghĩa nhưng nó sẽ còn có ý nghĩa hơn rất nhiều nếu như ngay sau việc sửa sai, Bộ này công khai, minh bạch và thẳng thắn xử lý trách nhiệm của những người có liên quan dẫn đễn việc ban hành một văn bản gây ra những phản ứng mạnh mẽ, bức xúc từ phía dư luận như thời gian vừa qua.
Băng Tâm