Xe không nộp phạt nguội vẫn bị “treo” đăng kiểm mặc dù trước đó bộ Tư pháp đã có văn bản “tuýt còi” và đề nghị phía bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét lại việc thực hiện nội dung này.
Dư luận còn nhiều băn khoăn về những văn bản thiếu rõ ràng, có sự “vênh” giữa nhiều Bộ, ngành khiến người dân gặp khó khăn. Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
PV: Thưa ông, những bất cập từ văn bản thiếu thống nhất giữa các cơ quan quản lý Nhà nước gây khó cho người dân. Điển hình là việc “treo” đăng kiểm với xe không nộp phạt nguội. Tuy nhiên, ngay cả quy định phạt nguội cũng còn “đánh đố” người dân. Suy nghĩ của cá nhân ông thế nào?
ĐBQH Trương Minh Hoàng: Cần thực hiện nghiêm phạt nguội để góp phần giúp các chiến sĩ công an, nhất là nữ cảnh sát giao thông giảm bớt việc phải đứng ngoài trời mưa, nắng, lạnh, thời tiết khắc nghiệt.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 càng cần đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng để giảm sức lao động của con người. Chủ trương đúng nhưng cần điều chỉnh lại khi có phản ánh trong thực hiện có những bất cập, kể cả việc dừng đăng kiểm với xe chưa nộp phạt nguội.
PV: Nhiều trường hợp đi đăng kiểm xe mới biết bị phạt nguội số tiền cả trăm triệu đồng, gần bằng tiền mua xe. Nếu tiếp tục thực hiện quy định này, người dân sẽ lại có nhiều lần “ngã ngửa” như vậy?
ĐBQH Trương Minh Hoàng: Như tôi đã nói, việc không được đăng kiểm xe khi chưa nộp phạt nguội có những bất lợi cho người dân và cần thay đổi. Nhưng đây là kết quả của sự thực hiện không nghiêm quy định về phạt nguội. Do đó, các thông tin về phạt nguội xe phải được kết nối trên toàn quốc. Lúc này, chủ phương tiện có trao đổi, buôn bán, sang tên xe sẽ chủ động kiểm tra xe có vi phạm hay chưa. Nếu chưa thực hiện phạt nguội thì bản thân người đó không có quyền thực hiện hành vi buôn bán, sang tên cho người khác.
Cũng giống như một tài sản đang được tranh chấp thì không được quyền buôn bán. Thậm chí, cần hướng đến việc sử dụng thanh toán qua tài khoản, chỉ cần trừ tiền phạt qua tài khoản. Phải tiến tới ứng dụng công nghệ đi đôi với giảm sử dụng tiền mặt.
Cơ quan chức năng khi áp dụng hình thức phạt nguội cần có các phương thức thông báo đến chủ nhân một cách nhanh nhất. Nhưng cũng cần nhìn nhận ở góc độ, bản thân người bị phạt có cố tình không biết điều đó hay không. Bản thân họ cũng phải chủ động rà soát thông tin của mình. Cái chúng ta cần xử lý nghiêm là những hành vi cố tình làm trái pháp luật. Trong bất cứ trường hợp nào thì thượng tôn pháp luật là cần thiết.
Thậm chí, nếu xử phạt nguội sai, không đủ căn cứ thì người bị phạt có thể kiện lại cơ quan chức năng ra tòa hành chính. Như vậy càng thể hiện sự công bằng của luật pháp.
PV: Sự “vênh” nhau giữa văn bản, quy định của các Bộ sẽ gây khó cho người dân. Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước thế nào thưa ông?
ĐBQH Trương Minh Hoàng: Về trách nhiệm quản lý, tôi nghĩ các Bộ cần ngồi lại với nhau để sớm đưa ra được một hướng dẫn chung nhất, thuận lợi nhất cho người dân. Khi văn bản quy phạm pháp luật nếu có sự “vênh” nhau phải ngồi tính lại, không tính được thì báo với Chính phủ. Luật chưa đầy đủ thì Chính phủ kiến nghị Quốc hội để sửa. “Vênh” là phải khắc phục ngay. Không nên để tồn tại những vấn đề khiến người dân hiểu sai lệch.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!