Ván cờ chiến lược Biển Đông của Việt Nam

Ván cờ chiến lược Biển Đông của Việt Nam

Thứ 2, 21/10/2013 08:44

Với vị trí chiến lược quan trọng, với khả năng tự vệ, đương đầu với mọi thách thức an ninh có được, đã đến lúc Việt Nam tự quyết định chiến lược an ninh của mình.

Nói đến Biển Đông thì ai cũng đều có chung một đánh giá từ xưa đến nay là Biển Đông có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong khu vực châu Á-TBD. Chính vậy mà làm chủ hoàn toàn Biển Đông hoặc bảo vệ an toàn hàng hải trên Biển Đông không phải chỉ là mong muốn của một quốc gia mà có rất nhiều quốc gia đưa vào trong chiến lược khu vực, toàn cầu của họ.

Đó thực sự là tâm điểm của một cuộc chiến địa chính trị khu vực châu A-TBD mà nguy cơ xung đột, chiến tranh và cơ hội hợp tác, hòa bình phát triển là không đoán định.

Với hơn 3000 km đường bờ biển giáp Biển Đông và hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó có quần đảo Trường Sa nằm gần như chính giữa Biển Đông, Việt Nam, do đó, có một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trên Biển Đông nói riêng và khu vực ĐNA nói chung.

Không khó để giải thích tại sao trước đây, Việt Nam cứ liên miên hết thế lực lớn này đến thế lực lớn khác luôn dòm ngó trên bàn cờ chiến lược Biển Đông, khu vực ĐNA.

Tại sao ư? Tại vì nghèo, yếu, lại ở vào vị trí đắc địa?

Ngày nay, Việt Nam đã khác, với khả năng tự vệ, đương đầu với mọi thách thức an ninh có được, đã đến lúc Việt Nam tự quyết định vị thế của mình, tham gia vào cuộc cờ khu vực với vị thế khác – người chơi cờ.

Xã hội - Ván cờ chiến lược Biển Đông của Việt Nam

 “Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc trong thời kỳ mới” trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc từ ngày 13/10 là tất yếu khi TQ nhận thức và đánh giá đúng vấn đề và vị thế Việt Nam.

1- Nước cờ của Việt Nam từ góc nhìn Trung Quốc

Hoạt động ngoại giao thời bình như hoạt động quân sự thời chiến, nghĩa là đều có tính quyết đinh sống còn với vận mệnh quốc gia.

Trong thời chiến, hoạt động ngoại giao phụ thuộc vào kết quả quân sự. Hiệp định Giơneve năm 1954 được ký kết phải sau khi “Tin đây anh (Phạm Văn Đồng) Điện Biên Phủ hoàn thành”. Hiệp định Pari ký cũng phải sau trận “Điện Biên Phủ trên không”

Trong thời bình, kết quả đối ngoại phụ thuộc lớn vào vị thế đất nước, đặc biệt là tiềm lực quốc phòng. Không có khả năng, tiềm lực quân sự để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bắt kẻ xâm lược phải trả giá đắt nếu liều lĩnh xâm phạm, nghĩa là không đủ sức răn đe thì hoạt động ngoại giao chỉ “chót lưỡi đầu môi”.

Hiện tại ở khu vực châu Á-TBD đã có nhiều liên minh quân sự như Mỹ-Nhật Bản, Mỹ-Hàn Quốc, Mỹ-Philipines và nhiều tam giác chiến lược như Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc, Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ, Mỹ-Nhật Bản-Úc…có vẻ như là để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy những mối quan hệ đó có thể làm cho Trung Quốc lo ngại, nhưng không đủ để làm họ hốt hoảng.

Trong chiến lược đẩy lùi Mỹ, Nhật Bản ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất và đầy tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình, đương nhiên, Trung Quốc sẽ vấp phải sự chống trả quyết liệt của bên liên quan.

Trên khu vực ĐNA cũng xuất hiện nhiều mối quan hệ cấp đối tác chiến lược như Việt Nam-Indonesia, Việt Nam-Nhật Bản…đặc biệt có đối tác chiến lược sâu, toàn diện như Việt Nam-Nga chẳng hạn, thì đâu là mối quan hệ khiến Trung Quốc lo ngại nhất và ảnh hưởng lớn nhất đến chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ?

Phải chăng khi Mỹ và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược, Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, mối quan hệ tăng lên từ chiều sâu đến chiều rộng thì khiến Trung Quốc lo sợ?

Không phải. Mỹ có lợi ích quốc gia toàn cầu, dù có đối đầu với Trung Quốc, muốn bao vây, kiềm chế Trung Quốc…nhưng vẫn hợp tác với Trung Quốc. Vì thế khi cần, Mỹ vẫn sẵn sàng lấy mối quan hệ với Việt Nam ra mặc cả với bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc để tính toán thiệt hơn, nhiều ít.

Vậy, liên minh phòng thủ giữa Việt Nam với Philipines và ASEAN?

Nếu xảy ra thì đây cũng là điều rất đáng lo cho Trung Quốc, bởi lẽ các quốc gia ĐNA trong khối ASEAN này có một địa quân sự rất quan trọng trên Biển Đông và eo biển Malacca. Khi họ liên thủ với nhau thì Biển Đông sẽ trở thành như một cái “hồ nước” mà một chứ mười hạm đội của kẻ xâm lược cũng chẳng làm gì được khi vùng vẫy trong đó bị “đồng loạt trên bờ ném đá”.

Rất may là tình huống này không có thể xảy ra. Cuộc chiến địa chính trị giữa Trung Quốc, Mỹ đã khiến cho ASEAN buộc phải lựa chọn, nghiêng ngả theo lợi ích quốc gia mà họ theo đuổi và Trung Quốc cũng không mấy khó khăn đang làm mọi cách để không xảy ra.

Vậy mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga chăng?

Cũng không phải. Thực tế mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga là mối quan hệ được coi trọng ưu tiên hàng đầu hiện nay. Đây là mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, đặc biệt tin cậy lẫn nhau và không một xung đột lợi ích nào dù là nhỏ.

Nga đã không ngừng tăng cường năng lực quốc phòng cho Việt Nam để đủ sức đương đầu với thế lực bành trướng, tạo ra sức răn đe mạnh (đương nhiên là mua bán, nhưng nếu không có độ tin cậy thì không phải có tiền là mua được thứ mình muốn và ngược lại), qua đó Nga kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời củng cố một điểm đứng chân ổn định vững chắc, tin cậy tại châu Á-TBD cho tương lai gần, vừa bảo vệ lợi ích kinh tế của Nga trên Biển Đông.

Tuy nhiên giữa Nga và Trung Quốc cũng là đối tác chiến lược của nhau có tính chất vừa hợp tác vừa kiềm chế cho nên Nga không thể vì Việt Nam tất cả để hy sinh lợi ích quốc gia khi hợp tác với Trung Quốc.

Vậy rốt cuộc, với khả năng quốc phòng và sức mạnh trên Biển Đông hiện tại, Việt Nam tăng cường mối quan hệ với quốc gia nào thì sẽ khiến Trung Quốc lo sợ và không muốn?

Nếu như thế thì nước cờ đó hay mối quan hệ này phải có tác động mạnh đến cấu trúc địa chính trị khu vực và ít nhất có một mục tiêu chung là ngăn chặn Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà”. Đặc biệt, mối quan hệ đó phải có độ tin cậy, tức là không có xung đột về lợi ích. Mối quan hệ đó sẽ…

Đó chính là nước cờ hay sách lược đối ngoại có tính logic mà Việt Nam đã, đang và sẽ dùng để tăng cường thế, lực cho đất nước đủ sức bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trước những thách thức nguy hiểm có thể xảy ra.

Dù có căng thẳng trên Biển Đông hay không thì quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản phát triển sâu, rộng, tin cậy, là nhu cầu tất yếu sự phát triển của 2 quốc gia rất cần nhau.

Xã hội - Ván cờ chiến lược Biển Đông của Việt Nam (Hình 2).

2- Việt Nam-Nhật Bản, không để lịch sử lặp lại

Trong tình thế hiện tại về chủ quyền, rõ ràng là Trung Quốc đang xâm hại đến chủ quyền Việt Nam.

Trung Quốc đã thành lập và xây dựng cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; Trung Quốc ngang ngược, cậy mạnh, gọi thầu quốc tế 9 lô dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam, ra lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng EEZ của Việt Nam.

Hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc luôn phô trương thanh thế, ráo riết diễn tập đánh chiếm đảo này đảo khác trên Biển Đông…(còn những tuyên bố ngạo mạn, láo xược, của giới học giả quá khích, tướng tá diều hâu, hiếu chiến về Việt Nam được bật đèn xanh thì chúng ta không đáng quan tâm).

Việt Nam muốn hòa bình nhưng hòa bình không lệ thuộc, Việt Nam kiên quyết bảo bệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên vùng biển Việt Nam được quốc tế công nhận theo UNCLOS.

Do đó, không còn cách nào khác là phải tăng cường tiềm lực quân sự và đối ngoại quân sự để tạo ra thế và lực vững chắc cho đất nước.

Đài “Tiếng nói nước Nga” có bình một câu hay nhưng chưa chính xác, rằng, “Con hổ Việt Nam có móng vuốt Nhật Bản” mà lẽ ra thì “móng vuốt của Nga” mới đúng. Nhưng thật ra, móng vuốt của Hổ chưa quan trọng, quan trọng là thế võ của hổ vồ như thế nào. Tuy nhiên, hổ vồ như nào không phải là điều quyết định, quyết định là nội lực của Hổ. Giống hổ thật đấy, nhưng đói đi không vững thì vồ được ai?

Chúng ta hãy trở lại với luận bàn từ thanh kiếm. Đó là, kiếm dài hay ngắn không quan trọng, quan trọng là kiếm pháp. Tuy nhiên, kiếm pháp tốt hay dở chưa quyết định, quyết định là thanh kiếm gì.

Nếu thanh kiếm đó là một “thanh kiếm báu” như, làm bằng công nghệ nào, chất liệu ra sao để có thể chém sắt như chém bùn…và một thanh kiếm thường, chỉ gặp một cành cây đã quằn, gặp kiếm địch thì bị chém đứt là hoàn toàn khác nhau khi đối đầu.

Chính xác là Việt Nam cần và phải có “thanh kiếm báu” và Trung Quốc quá biết nó sẽ có từ đâu.

Kể từ năm 1945 đến năm 2010, Nhật Bản có 65 năm hòa bình, xây dựng đất nước thành một siêu cường kinh tế, có một nền công nghiệp hiện đại, kỹ thuật công nghệ cao nhất nhì thế giới.

Trong 65 đó Nhật Bản chỉ tồn tại 2 mâu thuẫn với bên ngoài có thể coi như thách thức đến an ninh là CHDCND Triều Tiên và Nga trên quần đảo phía Bắc. Tuy thế 2 mâu thuẫn đó không đủ để biến lực lượng Phòng vệ Nhật Bản “thay tên đổi dạng”, chưa đủ để đánh thức dân tộc Nhật đang “say giấc ngủ hòa bình”.

Lưu ý là, nếu như ai đó cho rằng trong 65 năm đó, Nhật Bản không chuẩn bị gì cho tiềm lực quốc phòng là nhầm. Đó không phải là tư duy của một quốc gia có nền công nghiệp hiện đại và quốc gia đang tồn tại đền thờ chiến tranh thế giới lần 2 thì càng không.

Chỉ đến năm 2010, đặc biệt là trong tranh chấp quần đảo Senkaku thì yếu tố Trung Quốc là đủ năng lượng để đepo khởi động bộ máy quân sự, quốc phòng và đánh thức chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản.

Một loạt các sức cản, ràng buộc như Hiến pháp hòa bình Nhật Bản, tâm lý quen hưởng hòa bình vào ô hạt nhân Mỹ, dựa dẫm vào Mỹ trở nên không là gì trước cú tác động của Trung Quốc.

Chiến tranh thế giới lần 2 đã kết thúc 68 năm, trong khi châu Âu đã vĩnh viễn lật sang trang mới những mối oán hận giữa các kẻ thù cũ nhưng vùng ĐBA thì không.

Mối hận thù dân tộc “nỗi nhục 100 năm” của Trung Quốc với Nhật Bản vẫn còn đó và càng lớn dần theo đà trỗi dậy của Trung Quốc, bất chấp Nhật Bản đã từng tạo điều kiện thuận lợi, quan trọng cho sự trỗi dậy thần kỳ của mình.

Tranh chấp quyết liệt Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đã làm mối quan hệ Trung-Nhật xấu đi đến mức chiến tranh có nguy cơ xảy ra.

Trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc biến thành “ao nhà”, khống chế luôn eo biển Malacca thì coi như nền kinh tế Nhật Bản sống hay chết hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn Trung Quốc. Đòn “cắt nguồn cung đất hiếm” Nhật Bản chắc đã nhận đủ từ Trung Quốc và để bắt Nhật Bản thành chư hầu, Trung Quốc có thừa lòng căm hờn và sự quyết tâm để phong tỏa tuyến hàng hải Biển Đông khi cần thiết.

Nếu Việt Nam không kiểm soát được Trường Sa chẳng hạn, lúc đó tuyến hàng hải thương mại, vận chuyển năng lượng bị mất an toàn thì Nhật Bản sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm.

Như vậy, có thể nói việc Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà” có ảnh hưởng “không thể chấp nhận được” đến 2 quốc gia là Việt Nam và Nhật Bản, cho nên, theo logic thì ngăn chặn âm mưu, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam và Nhật Bản đều có cùng mục tiêu mang tính “tối thượng” là an ninh quốc gia và chủ quyền.

Hiện tại Nhật Bản có một nền công nghiệp hiện đại nhất châu Á. Mặc dù GDP sau Trung Quốc nhưng chất lượng GDP cao hơn rất nhiều Trung Quốc. Cục diện địa chính trị trong vài năm tới Nhật Bản sẽ là có vai trò chính trên châu Á-TBD trong khi hiện tại “lòng tin chiến lược” Trung-Nhật đã cạn.

Cho nên, đối tác chiến lược với Nhật Bản là đối tác chiến lược với một cường quốc lớn và không có gì thuận lợi hơn là Việt Nam và Nhật Bản cũng như Việt Nam và Nga là đối tác chiến lược của nhau mà không có xung đột lợi ích, vì thế có độ tin cậy, có lòng tin, hoàn toàn khác bản chất với đối tác chiến lược nào đó mà vừa hợp tác vừa kiềm chế nhau.

Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản chắc chắn một điều là dù có hay không có căng thẳng trên Biển Đông thì Việt Nam và Nhật Bản cũng cần phải tăng cường mối quan hệ vì sự phát triển của 2 quốc gia đầy duyên nợ này.

Không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản là nước tư bản lớn đầu tiên có quan hệ ngoại giao với Việt Nam dân chủ cộng hòa. Không phải ngẫu nhiên mà mà nhà yêu nước Phan Bội Châu tìm đường sang Nhật Bản đã được khắc họa trong bộ phim “Người cộng sự” mà Đài truyền hình Việt Nam phát sóng nhân dịp 40 năm quan hệ ngoại giao Việt-Nhật.

“Lòng tin chiến lược” giữa các quốc gia, dân tộc với nhau là tiền đề của hòa bình và phát triển.

Theo Đất việt

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.