Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tại thành phố Vladivostok, thuộc vùng Viễn Đông Nga ngày 25/4.
Sự kiện hai nhà lãnh đạo Nga-Triều gặp nhau đã một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý, đặc biệt là sau khi cuộc gặp thượng đỉnh trước đó giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không có thỏa thuận nào về vấn đề hạt nhân được đưa ra.
Tuy nhiên, Điện Kremlin đã đặt ra những kỳ vọng hạn chế trong hội nghị thượng đỉnh lần này. Trước cuộc họp, Trợ lý Chính sách Đối ngoại Điện Kremlin, Yury Ushakov, nói rằng ông Putin và ông Kim không có kế hoạch đưa ra bất kỳ thỏa thuận hoặc một tuyên bố chung nào.
Nhưng điều quan trọng là hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra có thể sẽ mang đến những thay đổi có lợi cho Triều Tiên.
Tờ Slate trong một bài viết gần đây nhận định: “Một lần nữa, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lại thể hiện mình là một chiến lược gia lão luyện trong bàn cờ đa chiều, trong khi Tổng thống Donald Trump và các trợ lý của ông không biết nước này đang chơi theo kiểu gì”.
Đầu năm nay, hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump với ông Kim Jong-un đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào được đưa ra. Do đó, cuộc họp với Tổng thống Putin lúc này là một bước ngoặt.
"Tổng thống Putin đã cố gắng mời nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Nga trong một thời gian dài", CNN dẫn lời ông Andre Kortunov thuộc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga. "Nỗ lực cuối cùng được thực hiện vào tháng 9 tại diễn đàn kinh tế của Vladivostok. Đây được coi là cơ hội để đưa bàn chân Nga bước vào ngưỡng cửa bán đảo Triều Tiên, đảm bảo rằng Nga không chỉ là người quan sát mà còn là vai diễn chính trong bộ phim này".
Bình luận về lý do ông Kim Jong-un sớm đến Nga ngay sau cuộc gặp với Tổng thống Trump chỉ mới diễn ra cách đây hai tháng, chuyên gia Kortunov nêu quan điểm: "Tôi coi đây là một dấu hiệu cho thấy có vấn đề nghiêm trọng trong mối quan hệ của ông Kim với chính quyền Trump".
"Ông ấy hiểu rằng áp lực có thể sẽ tiếp tục gia tăng/ Ngoại trưởng Mike Pompeo - người được ủy quyền đàm phán - là một nhà đàm phán cứng rắn và ông ấy cần tăng cường sự hỗ trợ mà chỉ có thể nhận được từ hai nơi: Bắc Kinh hoặc Moscow".
Trung Quốc vẫn được biết đến là quốc gia ủng hộ chính của Triều Tiên, nhưng Nga lại là quốc gia có tiềm năng chưa được khai thác và có một số đòn bẩy.
Ông Kim "đang lựa chọn ở khắp mọi nơi cho một thỏa thuận - đóng các vai trò khác nhau, tìm kiếm chiến thắng và thương thảo trên đường đi", Robert Kelly, giáo sư quan hệ quốc tế từ Đại học Quốc gia Pusan, nói.
"Nga có thể không cho Triều Tiên được nhiều điều nhưng là một nơi khác để ông Kim có thể hợp tác về kinh tế. Chuyến đi này thực chất là để khuấy động các bên đối thoại khác bước vào các cuộc đàm phán mới và có thêm nhượng bộ mới".
Triều Tiên cũng coi Nga là một nước láng giềng cũ và đáng tin cậy, không cố gắng can thiệp vào các chính sách đối nội và muốn ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, theo Georgy Toloraya, một học giả Triều Tiên tại Viện Các vấn đề Quốc tế của Moscow.
Các nhà phân tích cho rằng, hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên sẽ đóng vai trò như một lời nhắc nhở với Washington rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên có các lựa chọn khác trong khu vực luôn ủng hộ ông.
Về phần mình, Điện Kremlin cho biết hội nghị thượng đỉnh lần này với ông Kim Jong-un cũng thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là một trọng tâm đáng chú ý bởi Nga sẽ không thoải mái với việc có một nước láng giềng vũ trang hạt nhân kề bên.
Tuy nhiên, một lần nữa, nó cũng bao gồm mục tiêu khẳng định vị thế trên trường quốc tế của Moscow. Tổng thống Putin có thể là người ngoài cuộc ở các hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim trong suốt một năm qua, nhưng hiện tại, nhà lãnh đạo mạnh mẽ của Nga đã trở lại là trung tâm ngoại giao và tâm điểm chú ý của quốc tế.