Trao đổi với PV Người Đưa Tin ngay sau khi đáp chuyến bay VN 1164 từ TP.HCM ra Hà Nội, thượng tá Trần Đình Huấn, Phó Trưởng phòng 6, Cục CSHS, bộ Công an cho biết: "Tại Cục Hình sự, chúng tôi nhận được đơn giải cứu của người dân tố cáo một số đối tượng đã đưa trẻ em từ Điện Biên đi làm ăn xa và có hành vi bóc lột sức lao động. Ngay lập tức, Cục CSHS đã đề xuất với Tổng cục lập kế hoạch điều tra xác minh giải cứu. Sau đó, Phòng 6 đã kết hợp công an Điện Biên và một số tổ chức quốc tế tiến hành đi TP. HCM để xác định địa điểm các em đang ở. Chúng tôi xác định phải làm ngay để giải cứu các em. Cục CSHS đã cử ngay đoàn trinh sát phối hợp địa phương để giải cứu các nạn nhân".
Thượng tá Trần Đình Huấn
Ban đầu, chính cơ quan công an cũng gặp khó khăn khi hợp đồng lao động mà chủ xưởng may ký với 21 em không đúng địa chỉ làm việc. Do đó, ở quận Tân Bình, họ đã không tìm ra tung tích các nạn nhân. Sau đó, cơ quan công an đã quay về Điện Biên để xác định lại. Lúc này, họ mới biết rõ hơn địa chỉ nơi các em đang làm việc và bị bóc lột là quận Tân Phú.
Thượng tá Huấn cho hay, xưởng là một gian nhà cấp 4, môi trường mất vệ sinh. Các em phải sinh hoạt làm việc ăn nghỉ cùng một chỗ. Theo lời các em kể lại, hàng ngày, mỗi người chỉ được quy định đi vệ sinh 8 phút. Vì hàng chục người phải chung nhau một chiếc nhà vệ sinh. Khoảng 10h ngày 12/11, khi công an ập vào, các em vẫn đang say sưa làm việc trong không gian chật hẹp, bụi mù mịt. "Lúc đó, tôi có hỏi các em có muốn về nhà không thì các em đều đồng thanh nói: "Có, cháu rất muốn về nhà”. Có lẽ, đó là khoảnh khắc hạnh phúc bất ngờ của các em", thượng tá Huấn chia sẻ.
Cũng theo vị thượng tá này, chủ xưởng may đã lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số dân trí thấp và hiểu biết hạn chế để bóc lột. Hơn nữa, thực tế cho thấy, hầu hết là các gia đình có con bị lừa đều có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn. Có em bố thì mắc bệnh hiểm nghèo, mẹ bị ung thư, có em bố mẹ đều đã mất. Nhiều em phải làm việc để nuôi mẹ bị bệnh tâm thần, bị bệnh ở quê. Lợi dụng điều này, các đối tượng "môi giới" đã đưa các em đi với những lời hứa hẹn lương hậu hĩnh.
Qua điều tra xác minh, cơ quan công an đã phát hiện, chủ xưởng may cũng có ký hợp đồng lao động với một số em nhưng đều dưới tuổi lao động. Bên cạnh đó, trong bản hợp đồng lao động không có những quy định về thời gian lao động, thời gian nghỉ ngơi.
Thượng tá Huấn cũng cho biết thêm, sau khi bàn giao các em về địa phương, Cục CSHS sẽ tiếp tục kêu gọi các đơn vị, tổ chức và chính quyền địa phương có hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em được đi học. Bởi vì trên thực tế, hầu hết các em này đều không được học văn hóa hết cấp 1. Thậm chí có em còn không biết chữ và không nói được trôi chảy tiếng phổ thông.
Thu Hạnh