Trao đổi với PV, PGS.TS.Luật sư Phạm Hồng Hải cho rằng giải quyết vấn đề này cần căn cứ vào cơ sở pháp luật quốc tế mà Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết hoặc thừa nhận.
HIện trường nơi xảy ra vụ tàu cá Trung Quốc lao vào phá cáp tàu Viking 2
Với tư cách là một luật sư, ông có nhìn nhận như thế nào về những "sự kiện Biển Đông" trong thời gian gần đây?
Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây, tôi thấy việc một số tàu của Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế một cách có hệ thống. Đã nhiều lần phía Trung Quốc bắt giữ các tàu đánh cá của Việt Nam đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa vốn thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Họ không những giữ người, giữ tàu mà còn trắng trợn tịch thu toàn bộ tài sản và thành quả đánh bắt của các ngư dân.
Hành vi vi phạm nghiêm trọng từ phía các tàu của Trung Quốc lại tiếp tục xảy ra vào ngày 26/5/2011 vừa qua khi 3 tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt đứt cáp của tàu Bình Minh 02 và gần đây nhất (sáng 9/6) là 1 tàu cá của Trung Quốc cắt dây kéo giữ thiết bị dàn trải cáp thu và gây rối 4 đường cáp thu phía bên trái tàu Viking 2 đều thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang làm nhiệm vụ khảo sát trong vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam. Những hành động trên đã gây ra sự bức xúc không chỉ dư luận tại Việt Nam mà còn gây ra dư luận xấu trong khu vực (bao gồm các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)) có cùng chung đường biên giới trên biển với Trung Quốc và sự quan ngại của các quốc gia trên thế giới và tổ chức quốc tế lớn nhất là Liên Hợp Quốc.
Dư luận không thể hiểu nổi tại sao phía Trung Quốc một mặt luôn luôn cam kết tuân thủ các điều khoản của pháp luật quốc tế và các thỏa thuận mà họ đã ký kết với các nước ASEAN nhưng trong thực tế thì họ lại đang làm cho tình hình ở Biển Đông phức tạp thêm. Là một luật sư, tôi cho rằng việc làm của các tàu Trung Quốc cần bị lên án một cách mạnh mẽ và xử lý nghiêm khắc theo các quy định của pháp luật quốc tế.
Theo ông, cụ thể, phía Trung Quốc đã vi phạm vào những điều luật nào?
Những hành vi của các tàu Trung Quốc như: bắt giữ các tàu đánh cá của Việt Nam đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa vốn thuộc lãnh thổ của Việt Nam; giữ người, giữ tàu, chiếm đoạt toàn bộ tài sản, thành quả đánh bắt của các ngư dân Việt Nam và cắt đứt cáp của tàu Bình Minh 02 đang làm nhiệm vụ khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm hàng loạt các quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982; Trái với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC).
Cụ thể vi phạm Phần V của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 về “Vùng đặc quyền về kinh tế” bao gồm: Điều 55 quy định về "Chế độ pháp lý riêng của vùng đặc quyền về kinh tế”; Điều 56 quy định về "Các quyền, quyền tài phán và các nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền về kinh tế”; Điều 57 quy định về "Chiều rộng của vùng đặc quyền về kinh tế; Điều 58 quy định về "Các quyền và các nghĩa vụ của các quốc gia trong vùng đặc quyền về kinh tế”.
Như ông đã nói những vấn đề này cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế. Vậy trình tự tố tụng của việc này như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Luật sư Phạm Hồng Hải-Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải.
Theo quan điểm cá nhân tôi, việc các tàu Trung Quốc có những vi phạm nói trên không phải xuất phát từ ý chí của cá nhân, những người làm việc trên các con tàu đó. Ngoài ra, việc vi phạm của các tàu Trung Quốc không chỉ đơn thuần gây thiệt hại cho các ngư dân Việt Nam hay Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) mà là vi phạm đến quyền lợi của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - một quốc gia có chủ quyền. Chính vì vậy, việc một cá nhân hay một tổ chức nào của Việt Nam kiện tàu các tàu hải giám của Trung Quốc hoặc các tàu khác của Trung Quốc ra tòa án nào đó là điều không thể, bởi lẽ đây là công việc của một quốc gia. Vì vậy, nếu có thể kiện thì phải kiện ra Tòa án quốc tế mà nguyên đơn là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bị đơn là nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Các vụ xâm phạm gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông với Việt Nam và với các nước khác trong khối ASEAN có những điểm giống nhau và khác nhau. Việc tranh chấp về vùng đặc quyền về kinh tế giữa Trung Quốc với các nước khác trong khối ASEAN trong thời gian gần đây mới xảy ra đặc biệt từ sau khi Trung Quốc tuyên bố về "Đường lưỡi bò", theo đó, Trung Quốc cho rằng có tới 80% diện tích Biển Đông thuộc chủ quyền của họ.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã có những vi phạm về chủ quyền lãnh thổ từ trước khi miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Từ năm 1974 lực lượng quân sự của Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa và năm 1988 đã đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Như vậy có thể khẳng định việc tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam căng thẳng hơn so với tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN khác. Chính vì vậy, việc giải quyết các tranh chấp đó giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được coi là nhiệm vụ cấp bách của Đảng và Chính phủ hai nước.
Dân tộc Việt Nam chúng ta vốn là dân tộc yêu chuộng hòa bình và luôn luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia lân cận. Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp ước và công ước quốc tế hướng tới việc gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy, tôi cũng mong muốn quá trình giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc và các quy định của pháp luật quốc tế mà Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết hoặc thừa nhận. Việc giải quyết có thể được thực hiện ở hai cấp độ: Cấp độ khu vực và cấp độ quốc tế. Trước hết, các nước ASEAN và Trung Quốc cần đàm phán và có các giải pháp mới để thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002. Tiếp đó, Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đang tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông có thể đưa vấn đề này ra bàn bạc, giải quyết tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc.
Cho tới nay tình trạng trên Biển Đông đặc biệt ở quần đảo Hoàng Sa vẫn đang rất căng thẳng. Các bên cần kiềm chế không làm cho tình hình phức tạp và căng thẳng hơn. Tôi thấy thương và chia sẻ những khó khăn của các ngư dân Việt Nam đã từng coi việc khai thác thủy sản ở quần đảo Hoàng Sa là một nguồn kiếm sống chính cho mình. Tôi cho rằng những vi phạm từ phía Trung Quốc sẽ không làm giảm tinh thần của ngư dân Việt Nam trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản của đất nước. Tuy nhiên, các ngư dân Việt Nam cần đoàn kết để đấu tranh với những hành vi vi phạm từ phía Trung Quốc. Họ cần có tiếng nói để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam hỗ trợ và bảo vệ họ bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng vẫn bảo đảm sự đoàn kết giữa hai dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã dày công gây dựng.
Xin cảm ơn ông!
Điều 56 thuộc Phần V của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 về “Vùng đặc quyền về kinh tế” quy định “Các quyền, quyền tài phán và các nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền về kinh tế”.
1.Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có:
a.Các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu, gió.
b.Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc: Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; Nghiên cứu khoa học về biển; Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.
c.Các quyền và nghĩa vụ khác do Công ước quy định.
2.Trong vùng đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, quốc gia ven biển phải tính đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác và hành động phù hợp với Công ước.
3.Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nêu trong điều này được thực hiện theo đúng phần VI".
P.V (thực hiện)