Vấn đề Biển Đông, Trung Quốc ở thế yếu về mặt pháp lý

Vấn đề Biển Đông, Trung Quốc ở thế yếu về mặt pháp lý

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Liên quan đến việc sau ngày 1/8 có hàng chục nghìn tầu cá của Trung Quốc đánh cá ở vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, phóng viên Người đưa tin đã có cuộc phỏng vấn tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ...

Xin ông cho biết đánh giá của ông về việc sau ngày 1/8/2012, có khoảng trên 20 nghìn tầu cá của Trung Quốc đánh cá trên vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền?

Câu chuyện hơn 20 nghìn tầu cá Trung Quốc đánh cá trên các vùng biển của Việt Nam, theo tôi việc làm đó của Trung Quốc thực chất đang thực hiện một bước mới, tiếp theo các hành động trước đó, tạo nên sức ép, tìm mọi cách hợp thức hóa tham vọng: Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền trong đường biên giới lưỡi bò. Và tham vọng này thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc đánh bắt cá trên biển của hơn 20 nghìn tàu cá Trung Quốc được huy động một cách rầm rộ, theo đội hình chứ không thuần túy là tầu đánh cá của ngư nhân bình thường. Đánh cá vì mưu sinh thì chỉ có thể đi theo nhóm 5-7 chiếc hoặc theo tập thể nào đó, chứ không thể huy động hơn 20 nghìn chiếc tàu “đánh cá” như vậy.

Tiêu điểm - Vấn đề Biển Đông, Trung Quốc ở thế yếu về mặt pháp lý

Tiến sỹ Trần Công Trục

Nếu không phải vì đánh cá, thì nguyên nhân sâu xa, bản chất và mục đích của việc Trung Quốc huy động hùng hậu hàng chục nghìn tầu đi đánh cá ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền là gì?

Theo tôi, có rất nhiều lý do trực tiếp và gián tiếp, nhưng trên thực tế, theo nghiên cứu và đánh giá của tôi, nếu ngồi đàm phán đa phương thì Trung Quốc ở vào thế yếu về mặt pháp lý và chắc chắn các nước ASEAN và các nước trên thế giới sẽ tập trung phê phán yêu sách đường biên giới lưỡi bò mà họ đang tìm mọi cách giành sự công nhận trên thực tế. Do đó, để tạo sức ép trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động trên thực tế nhằm tạo ra ưu thế của mình. Mục đích làm sao để có lợi hơn, đồng thời ép các nước trong khu vực liên quan trực tiếp, hoặc gián tiếp thừa nhận yêu sách đó của Trung Quốc. Đó là mục tiêu chính của Trung Quốc. Một bước hiện thực hóa đường biên giới. Chí ít, Trung Quốc cố tìm cách tạo tình trạng tranh chấp trong vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, Philippines, Brunei để thực hiện âm mưu “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Đó là tính toán, là bước đi để chí ít là tìm cách vơ vét, “xí phần” nguồn tài nguyên trong các vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của các nước trong khu vực.

Trung Quốc từ chối đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, mặc dù trên phương diện ngoại giao, Trung Quốc luôn nói họ rất thiện chí, sẵn sàng đàm phán. Trong khi đó, trên thực địa, họ ráo riết triển khai các hoạt động có tính chất khiêu khích, gây sức ép, vi phạm trắng trợn các quyền chính đáng của các nước có liên quan trong khu vực Biển Đông, bất chấp những phản ứng đúng đắn, hợp tình hợp lý của dư luận trong khu vực và quốc tế.

Có thể thấy, hình thức huy động tầu đánh cá, từ số lượng nhỏ, đến số lượng rất lớn, là một hành động có toan tính một cách bài bản của Trung Quốc?

Đúng là như thế. Một điểm đáng lưu ý nữa là gần đây Trung Quốc tạo ra sự tranh chấp theo yêu sách của họ, song lại tăng cường, tập trung vào các hoạt động dân sự, kinh tế, hành chính. Bản chất là xâm phạm các vùng biển nấp dưới bộ mặt dân sự, hành chính thông qua hoạt động của các “tàu cá”, tàu ngư chính, tàu làm “nhiệm vụ chấp pháp”. Rõ ràng, đây là những hành động xâm lược, bành trướng như ý kiến đánh giá của nhiều học giả, chính khách quốc tế trong thời gian qua khi họ đề cập đến những động thái nói trên của Trung Quốc.

Theo ông, thực tế này đặt ra tình huống cần xem xét, xử lý như thế nào?

Nếu phát hiện và xác minh đúng là đã có tàu xâm phạm các vùng biển thuộc chủ quyền (Nội thủy, Lãnh hải), quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán (Vùng Đặc quyền về kinh tế, Thềm lục địa) thì các lực lượng chấp pháp của ta phải có nhiệm vụ ngăn chặn, bắt giữ và đưa ra xét xử theo đúng thủ tục, quy trình pháp lý hiện hành và phù hợp với Luật Biển quốc tế.

Trong tình hình hiện nay, Nhà nước nên có đầu tư cần thiết cho công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về biển đảo của mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ chiến sỹ các cấp, đăc biệt là các lực lượng chấp pháp trên biển và ngư dân đang ngày đêm bám biển gần, biển xa của Tổ quốc.

Xin cảm ơn ông!

Quang Trung (thực hiện)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.