Khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của ngành dầu khí Nga trước các thách thức được đặt ra kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát một lần nữa được minh chứng bằng kết quả kinh doanh của Lukoil, công ty năng lượng tư nhân hàng đầu “xứ sở Bạch dương”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II không ngừng “phả hơi nóng” và quyết tâm của các quốc gia thành viên EU trong việc “cai nghiện” năng lượng Nga, Lukoil cũng không tránh khỏi “vận đen”.
Kết quả làm ăn
Công ty dầu tư nhân lớn nhất của Nga gần đây đã công bố các kết quả tài chính hợp nhất cho năm 2023, với doanh thu hơn 7.900 tỷ Rúp (88 tỷ USD) và lợi nhuận ròng 1.160 tỷ Rúp (12,5 tỷ USD), trang Upstream Online cho biết hôm 14/3.
Theo Upstream Online, trong bối cảnh “cơn mưa” các đòn trừng phạt của phương Tây nhắm vào ngành dầu khí Nga nói riêng và nền kinh tế Nga nói chung, Lukoil đã chọn không tiết lộ kết quả tài chính của mình cho năm 2022 – năm Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh đưa quân vào nước láng giềng Ukraine, viện dẫn rằng điều này có thể đi ngược lại lợi ích của công ty.
Dù không rõ tình hình làm ăn của Lukoil vào năm 2022, nhưng công ty này đã không ngừng mở rộng công suất lọc dầu và tăng cường bán lẻ các sản phẩm xăng dầu trong cùng năm này. Và trước xung đột, gã khổng lồ dầu mỏ Nga đã ghi nhận doanh thu 9.400 tỷ Rúp (101,6 tỷ USD) và lợi nhuận ròng là 773 tỷ Rúp (8,3 tỷ USD) vào năm 2021.
Các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm cắt giảm khả năng tiếp cận của các nhà sản xuất Nga với các tổ chức tài chính phương Tây và các dịch vụ của họ đã làm tăng đáng kể chi phí đi vay của Lukoil, báo cáo tài chính tóm tắt của tập đoàn dầu mỏ thừa nhận.
Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, người cũng chịu trách nhiệm quản lý ngành năng lượng của đất nước, ước tính khoảng 90% lượng dầu xuất khẩu của Nga năm ngoái có điểm đến là Ấn Độ và Trung Quốc – đảo ngược xu hướng trước xung đột. Trước khi chiến sự ở Ukraine bùng phát, khối lượng dầu xuất khẩu của Nga chảy tới 2 quốc gia tỷ dân của châu Á là không đáng kể.
Với trường hợp của Lukoil, dường như những thay đổi lớn trong tuyến đường vận chuyển dầu Nga không ảnh hưởng đến khả năng tiếp thị dầu và các sản phẩm dầu mỏ thành phẩm của công ty.
Trong báo cáo của mình, Lukoil cho biết họ có trữ lượng dầu và sản phẩm chưa bán được trị giá khoảng 489 tỷ Rúp (5,3 tỷ USD) vào cuối năm 2023 so với kho dự trữ dầu và sản phẩm có tổng trị giá 416 tỷ Rúp (4,5 tỷ USD) một năm trước đó.
Năm ngoái, Lukoil cũng phải tuân thủ mệnh lệnh của Chính phủ Nga về cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu trong gần 2 tháng trong quý IV/2023.
Chuỗi “vận đen”
Tuy nhiên, gã khổng lồ dầu mỏ Nga đã mở đầu năm 2024 với hàng loạt “tin không vui”. Ở Bulgaria, nhà máy lọc dầu Neftohim thuộc sở hữu của Lukoil bên Biển Đen đã bị chính quyền sở tại “sờ gáy” ngay ngày đầu năm mới.
Theo Hải quan Bulgaria, chiến dịch thanh tra đột xuất, mà phía Nga gọi là “đột kích” được tiến hành vào ngày 1/1 nhắm vào nhà máy lọc dầu Neftohim và hơn 50 nhà kho liên quan đến ngành dầu mỏ, nhằm kiểm kê số lượng dầu thô nhập khẩu vào quốc gia thành viên EU-NATO này từ Nga và tất cả các sản phẩm dầu mỏ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu này.
Các nhà lập pháp của Bulgaria – một quốc gia có mối quan hệ lịch sử và kinh tế chặt chẽ với Moscow – đã nhất trí loại bỏ hoàn toàn dầu Nga khỏi cơ cấu năng lượng của đất nước trước thời hạn.
Về phần mình, Lukoil cho biết sẽ bắt đầu làm việc với các chuyên gia tư vấn quốc tế để xem xét lại chiến lược kinh doanh của mình tại Bulgaria, bao gồm khả năng sẽ bán bớt tài sản ở nước này. Khối tài sản đồ sộ của Lukoil ở quốc gia Đông Nam Âu bao gồm hơn 220 trạm xăng, 9 kho chứa dầu và nhiều doanh nghiệp khác nhau tập trung vào lĩnh vực tiếp nhiên liệu cho tàu và máy bay.
Ở Nga, “vận đen” cũng đeo bám Lukoil kể từ đầu năm. Lukoil vận hành 4 nhà máy lọc dầu hiện đại ở Nga, trong đó có một trong những nhà máy lớn nhất đất nước, được gọi là Norsi ở Nizhniy Novgorod, vùng Nizhegorod, miền Tây đất nước.
Khi nhà máy lọc dầu Norsi trên sông Volga đột ngột cắt giảm hoạt động vào tháng 1, Lukoil đưa ra rất ít lời giải thích. Theo Interfax, vào thời điểm đó Lukoil đã tạm dừng xuất khẩu xăng và cố gắng thỏa thuận với các công ty dầu mỏ khác để giúp bù đắp nguồn cung khoảng 200.000 tấn xăng có chỉ số octan cao trong tháng 1 và tháng 2.
Sau vụ nổ hôm 12/3, chính quyền địa phương lần này thừa nhận rằng máy bay không người lái (còn gọi là drone hoặc UAV) đã ném bom Norsi, nơi sản xuất 11% lượng xăng dầu của Nga.
Ukraine được cho là đứng sau vụ việc 3 máy bay không người lái tấn công đơn vị xử lý dầu cốt lõi tại Norsi đầu tuần qua, “đánh sập” khoảng 1/3 công suất xử lý dầu thô trên danh nghĩa (hơn 340.000 thùng/ngày), theo báo Kommersant có trụ sở tại Moscow.
Nhà phân tích hàng đầu của ngành dầu khí Nga, Mikhail Krutikhin, cho rằng nếu Ukraine tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Nga, Lukoil và các nhà sản xuất khác trong nước sẽ không có cách nào khác ngoài phải giảm sản lượng do công suất chế biến đang suy giảm.
Minh Đức (Theo Upstream Online, Oil Price, National News)