Đường về nhà tôi đi qua ngôi trường cũ - nơi che chở và vun đắp cho những hoài bão lớn lao trước ngưỡng cửa cuộc đời. Vào những ngày hội, thấp thoáng thấy những tà áo dài quệt nắng sân trường, cả một miền ký ức xa xăm lại hiện về.
Áo dài trong tâm tưởng của tôi luôn được cất giữ ở dáng vẻ duyên dáng, thuần khiết nhất. Tà áo thân thương ấy cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho những giá trị bất biến, vượt qua sự đào thải khắc nghiệt của thời gian và thời trang.
Một lần làm liên lạc viên cho một hội nghị Quốc tế, tôi được nhiều nữ đại biểu hỏi thăm về địa điểm may áo dài tại Hà Nội, ai cũng trầm trồ và dành những mỹ từ nhất cho bộ trang phục truyền thống.
Nhưng rồi một ngày nọ, đập vào mắt tôi là những hình ảnh hoàn toàn trái ngược về chiếc áo dài trong nỗi nhớ nhung thuở trước. “Nhân vật chính” trong đó là các chàng trai mặc đồng phục và cô gái diện áo dài trắng. Lấy bối cảnh lớp học, các nam sinh nằm trên bàn cho bạn nữ ngồi lên người, phanh cúc áo, thực hiện hành động khó hiểu nhưng dễ liên tưởng, khiến người xem không khỏi “đỏ mặt”.
Bản thân tôi từng trải qua những năm tháng học trò, cũng thường nghe các bạn nữ trong lớp phàn nàn về những nỗi khổ, sự vướng víu khi mặc áo dài. Kể cả thế, hành động “phũ phàng” nhất của họ với hai tà áo khi đó chỉ là buộc túm chúng lại khi chơi đá cầu, nhảy dây.
Vậy nên dù nổi loạn cỡ nào, mong các em hãy thương lấy tà áo trắng tinh khôi và dừng ngay những trò lố khi đang khoác lên mình một biểu tượng, một niềm kiêu hãnh của dân tộc!
Trương Chi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.