Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải vừa cho biết, đến nay các lái tàu, nhân sự tham gia vận hành dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông đã được cấp bằng lái, chứng chỉ nghiệp vụ tạm thời để phục vụ vận hành thử hệ thống 20 ngày.
Theo kế hoạch, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020 sẽ bắt đầu vận hành thử toàn hệ thống liên tục để phục vụ đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu dự án.
Tuy nhiên đến nay, do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (2019-nCoV) nên các chuyên gia Trung Quốc của dự án chưa trở lại làm việc, khiến kế hoạch vận hành thử chưa thể tiến hành như dự kiến.
“Trước Tết Nguyên đán 2020 (tháng Một năm nay), hơn 100 chuyên gia, nhân sự Trung Quốc làm việc tại dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông về Trung Quốc nghỉ Tết.
Theo kế hoạch, khi các chuyên gia trở lại dự án làm việc vào 1/2 vừa qua sẽ bắt đầu vận hành thử hệ thống 20 ngày. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch nCoV, tổng thầu và tư vấn giám sát đề nghị lùi thời hạn đưa nhân sự trở lại dự án sau ngày 8/2 vừa qua nhưng đến nay chưa có thời hạn cụ thể.
Khi các chuyên gia trở lại làm việc, dự án sẽ bắt đầu vận hành toàn bộ hệ thống,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin.
Cũng theo Ban Quản lý dự án đường sắt, trong thời gian này, đơn vị quản lý dự án thực hiện công việc soát xét hồ sơ hoàn công, kiểm tra thực địa để nghiệm thu từng phần dự án; tiếp tục thẩm tra đề cương chi tiết vận hành thử hệ thống.
Liên quan đến nhân sự tham gia vận hành thử, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (đơn vị vận hành) cho biết, hiện lực lượng nhân sự được đào tạo tại dự án sẵn sàng tham gia vận hành thử hệ thống 20 ngày.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông dài hơn 13km, đi trên cao, với 12 nhà ga. Dự án đang trong giai đoạn cuối để vận hành thử toàn bộ hệ thống để phục vụ đánh giá an toàn, nghiệm thu toàn bộ dự án.
Theo thiết kế của dự án, nhân sự của dự án gồm 681 người, chia thành 21 bộ phận, trong đó có các bộ phận được đào tạo chuyên ngành theo dự án như lái tàu, điều độ chạy tàu, điện lực, vận hành tại các ga, bảo trì thiết bị.
Dự án này sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc, với điều kiện chỉ định Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. Tư vấn giám sát là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh (Trung Quốc).
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).
Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi tiến độ nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại.
Theo Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)