Văn hóa dân gian đang bị biến tướng

Văn hóa dân gian đang bị biến tướng

Thứ 2, 07/01/2013 09:26

Phải thừa nhận rằng, các lễ hội vui chơi giải trí trong dịp Tết ngày càng phong phú hơn, tuy nhiên cũng nhiều trò chơi dân gian đang dần bị biến tướng thành thương mại. Từ những trò chơi cổ truyền trở thành "cờ bạc bịp" cho đến việc người ta đua nhau bói toán, buôn thần bán thánh trắng trợn!

PV đã có cuộc trò chuyện cùng giáo sư (GS.) Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam (nay là viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam), giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Theo truyền thống văn hóa, người Việt rất chuộng Tết Nguyên đán nên các lễ hội vui chơi giải trí cũng nhiều hơn, các chương trình giải trí phục vụ nhân dân cũng khá phong phú, tuy nhiên thực tế nhiều trò chơi dân gian bị biến tướng thành thương mại, GS. suy nghĩ như thế nào về việc này?

Có thể nhận thấy, ở các địa phương hay cả những khu đô thị sầm uất, ngày xuân thường có những nhóm người đứng ra tổ chức một số trò chơi dân gian và người du xuân chấp nhận bỏ tiền để tham gia lấy vui, mua lộc. Đó là một nét văn hóa đẹp, cái này được lưu lại từ xa xưa. Tất nhiên, trong số đó có nhiều người tổ chức để lừa đảo, chặt chém du khách khiến giá trị của thú chơi cổ truyền ấy bị đảo lộn. Sẽ không nói quá rằng khi họ đang trục lợi, kiếm tiền từ việc bóp méo nền văn hóa chung.

Chính họ đang tự làm mất đi nền văn hóa truyền thống, họ thấy cái gì có lợi cho bản thân thì làm. Ngay cả chuyện chúng tôi đi xuống các địa phương để phối hợp làm mục đích văn hóa, những người thiện chí làm vì mục tiêu chung thì ít, còn người làm vì mục đích riêng, vì khoản lợi nhuận cho bản thân thì nhiều. Như vậy việc văn hóa bị biến tướng thành thương mại là điều tất yếu, khó tránh khỏi.

Lạ & Cười - Văn hóa dân gian đang bị biến tướng

GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, việc tổ chức lễ hội cần sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử truyền thống với bản sắc văn hóa cụ thể của mỗi địa phương.

Cùng với việc phát triển kinh tế, trong những năm gần đây, rất nhiều lễ hội, tín ngưỡng dân gian được phục dựng trên khắp cả nước. Có một điều nhận thấy khá rõ, những sinh hoạt lễ hội tín ngưỡng dân gian ngày càng được hiện đại hóa, kể cả về mặt tâm linh cũng như vật chất. Qua đó nói lên điều gì, thưa GS.?

Có những người cải biên văn hóa theo hướng tích cực. Đơn cử như sáo của người Mèo, một nhạc sỹ ở Lào Cai đã cải biên giọng sáo để hay hơn, âm vang tốt hơn và giá trị văn hóa cũng được tăng hơn. Lẽ tất nhiên, việc hiện đại hóa ấy là hợp lý.

Tuy nhiên khi văn hóa tín ngưỡng dân gian bị người ra cải biên khiến nó không còn bản chất dân gian nữa thì vô tình chính sự hiện đại hóa đó đang phá hoại văn hóa.

GS. có thể nói rõ hơn việc các lễ hội dân gian đang ngày càng hiện đại hóa?

Hiểu đơn gian thế này, văn hóa thể hiện tâm tư, tình cảm của mỗi con người. Từ những suy nghĩ, ước vọng của họ đã tạo nên văn hóa. Bởi lẽ văn hóa không phải là áp đặt, không thể dập khuôn bắt người dân làm theo.

Quan niệm về quản lý văn hóa của các nước trên thế giới rất khác so với chúng ta. Ví dụ như ở Mỹ, chính quyền không tổ chức quản lý văn hóa, vì bản chất văn hóa là của cộng đồng, họ coi đó là thiết yếu và tự cộng đồng quản lý. Nhà nước chỉ định hướng tạo điều kiện để văn hóa tồn tại và phát triển. Người làm văn hóa không có tâm và không có nghề thì vô tình sẽ phá hoại văn hóa.

Văn hóa là sáng tạo của cộng đồng. Vì vậy đừng biến nó thành mục đích khác, hãy để nó tồn tại trong đời sống con người. Trong bối cảnh hiện nay, việc nhiều lễ hội, văn hóa tín ngưỡng đang hiện đại hóa, thương mại hóa ngày càng nhiều, ngay cả nhiều nhà cầm quyền đang đưa xu hướng chính trị hóa văn hóa. Cá nhân tôi nghĩ điều đó chưa cần thiết, nhà nước phải tùy từng lĩnh vực để quản lý, văn hóa không phải là tuyên truyền. Suy đến cùng, văn hóa để đạt được giá trị cao nhất là tính chính trị chứ không nên áp đặt chính trị hóa.

Lạ & Cười - Văn hóa dân gian đang bị biến tướng (Hình 2).

Các lễ hội ở địa phương bị biến tướng thành nơi tổ chức các chiếu bạc, đỏ đen.

Công bằng mà nói, ngành văn hóa cũng đã phục dựng lại được rất nhiều di sản văn hóa cổ truyền mà trước đây đã từng bị mai một, mất đi, thưa GS.?

Điều này hoàn toàn đúng. Từ Nghị quyết  TW 5 của Đảng, ngành văn hóa đã bắt kịp sự phát triển của thời đại để bảo tồn.

Tôi xin nói thêm, những năm 1960 khi "Cách mạng văn hóa" với lý do chống mê tín dị đoan, nhiều di tích văn hóa đã bị tàn phá nghiêm trọng. Rất may sau thời kỳ đổi mới, chúng ta đang biết phục hồi lại văn hóa truyền thống.

Nghị quyết TW 5 đã thể hiện được tư tưởng của Đảng về nhận thức được vai trò của văn hóa và được lòng dân, tạo nên sức mạnh chung. Bởi chỉ có người dân mới giữ được văn hóa, cần tăng cường cho họ nhận thức và hiểu được vai trò của văn hóa.

Văn hóa là nền tảng, động lực, nó như hệ điều tiết sự phát triển xã hội. Tuy nhiên có những văn hóa lỗi thời, không phù hợp nữa thì bản thân nó sẽ bị bài trừ và thay thế bằng cái phù hợp hơn. Văn hóa là sản phẩm của cộng đồng, nhưng văn hóa cũng rất cần sự phát huy, tính sáng tạo của cá nhân để nền văn hóa được phát triển.

Hiện nay, chúng ta đang tự đánh mất đi nét đẹp văn hóa vốn có, như trước đây người ta hay nói: "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Trong tâm thức của nhiều người, hai tiếng thanh lịch vang lên đầy kiêu hãnh trong câu ca dao trên được coi là biểu tượng văn hóa của con người Hà Nội nghìn năm văn hiến. Đến bây giờ ai dám khẳng định Hà Nội là chuẩn, là thanh lịch nhất. Văn hóa không phải tiêu chuẩn mà là do môi trường tạo nên.

Trở lại câu chuyện một độc giả lên tiếng phê phán người dân tỉnh lẻ làm xấu đi Hà Nội, ý kiến của GS. như thế nào qua sự việc này?

Tôi phản đối quan điểm này, không thể đưa ý kiến của một cá nhân đánh ra một cá nhân khác rồi quy chụp cả một thế hệ người.

Nói về văn hóa giao thông, vấn nạn ùn tắc đường xảy ra do sự phát triển của cuộc sống nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng được. Chúng ta phải tìm ra biện pháp và khắc phục dần dần, đâu phải vì người dân tỉnh lẻ mà Hà Nội mới như vậy.

Hà Nội là Thủ đô của cả nước chứ không phải mảnh đất riêng của một ai. Vì thế người dân tỉnh lẻ ra Hà Nội mưu sinh, lập nghiệp tạo ra sự phát triển chung cho cả đất nước. Phẩm chất của những người nông dân hay những người tỉnh lẻ họ tốt lắm. Khi tha hương, họ vẫn giữ được sự vị tha, tình cảm dành cho nhau. Bởi thế mới có những hội đồng hương, hội người xa quê... Bởi vậy, đừng "vơ đũa cả nắm" mà xem thường, nghĩ xấu cho họ.

Tất cả mọi người khi đặt chân lên những thành phố lớn đều mang trong mình ước muốn về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đất nước đổi mới, đời sống của người dân được nâng cao thì văn hóa lễ hội cũng được nâng lên tầm cao mới. Chính họ đang góp phần gìn giữ và xây dựng nền văn hóa trước sự mai một, biến tướng của lễ hội dân gian.

Lạ & Cười - Văn hóa dân gian đang bị biến tướng (Hình 3).

Cần khai ấn đền Trần (Nam Định) theo đúng nghi lễ truyền thống để tránh tình trạng thương mại hóa việc phát ấn.

Vậy theo GS., đâu là sự bất cập trong công tác quản lý, tổ chức sinh hoạt lễ hội dân gian hiện nay?

Chúng ta đều biết, lễ hội dân gian do cộng đồng làng xã tạo dựng nên. Nó xuất phát từ nhu cầu, ước vọng của từng người dân, của cộng đồng đó từ ngàn đời truyền lại đến nay. Mỗi cộng đồng, mỗi lễ hội đều có những đặc tính riêng. Đã lễ hội là dân giã, đông vui, náo nhiệt. Lễ hội không phải là một cuộc duyệt binh phải chỉnh tề, đúng khuôn phép. Cái bất cập hiện nay là một số cơ quan quản lý Nhà nước "nhúng tay" vào việc điều hành, tổ chức lễ hội quá nhiều. Hãy để người dân, cộng đồng đã sản sinh ra lễ hội đó tự làm việc này. Tôi tin chắc rằng họ sẽ tổ chức, điều hành một cách hết sức hợp lý, an toàn, như cha ông họ đã từng làm từ hàng trăm năm nay.

Hội, lễ hội là của dân, do dân tổ chức ra từ chính nhu cầu thực tại của họ nhưng đang có hiện tượng trục lợi, vì những người được giao tổ chức nhiều khi nhảy vào "đạo diễn" các lễ hội dân gian, theo hiểu biết lơ mơ của mình. Có người lễ hội nào cũng nhảy vào đạo diễn hoặc xí phần tổ chức, thế nên nhiều lễ hội dân gian cứ na ná nhau. Còn nếu như người dân không đồng tình, ủng hộ cách quản lý của chính quyền sở tại thì lễ hội ấy sẽ chết hoặc mờ nhạt.

Liệu rằng nếu trả lễ hội về cho cộng đồng, có nảy sinh vấn đề tiêu cực, thậm chí sẽ bị biến tướng, thưa GS.?

Trả lại văn hóa dân gian cho dân làm chủ là đúng. Đó là nguyên lý văn hóa của dân. Bởi lâu nay vai trò dân làm chủ văn hóa đang dần mất đi. Tư tưởng trả lại văn hóa cho chủ thể rất quan trọng. Đưa văn hóa cho dân không có nghĩa là giao cho dân làm chủ mà nhà nước phải giúp dân quản lý cho đúng cách, các nhà khoa học hỗ trợ dân về kỹ thuật trùng tu và bảo vệ.

Hãy tin ở người dân, hãy tin ở cộng đồng. Bao đời họ đã làm được điều đó rồi. Không ai có thể thay người dân làm được việc đó cả. Bởi họ chính là chủ thể của những hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Nhà nước sẽ ban hành những chính sách, định hướng để các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội không đi sai với những gì nó đã có, để nó mang lại những ý nghĩa về tâm linh, văn hóa cho người dân, cộng đồng đúng như những gì đã có trong lịch sử dân tộc.

Thiết nghĩ, tổ chức lễ hội là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa người làm lịch sử, văn hóa, truyền thống với bản sắc văn hóa cụ thể của mỗi địa phương. Các lễ hội dù là truyền thống hay đương đại cần phải có sự hướng dẫn, chỉ đạo, đúng các yếu tố tâm linh, văn hóa, giải trí, tránh thương mại hóa trong các lễ hội. Các cơ quan chức năng cần tổ chức tập huấn về quản lý, tổ chức lễ hội cho cán bộ văn hóa các cấp, nhằm đưa lễ hội đi vào chuẩn mực; đồng thời chính quyền địa phương cũng phải thường xuyên tuyên truyền cho cộng đồng hiểu rõ giá trị của di tích, công trạng của những nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc được tôn vinh.

Nhìn lại ngành văn hóa trong một năm, điều gì khiến GS. suy nghĩ nhiều nhất?

Vụ việc chùa Trăm Gian bị hủy hoại, không chỉ tôi mà nhiều nhà văn hóa cũng rất đáng tiếc. Đó là sự bất lực của cả một hệ thống văn hóa.

Trước đây họ tranh luận nhiều về gác chuông của chùa Trăm Gian là phụ hay chính, tại sao họ không nghĩ ngay đến việc trùng tu, bảo tồn. Chỉ trong hơn 100 ngày, chùa bị dỡ, phá, xây mới, trong khi chính quyền thôn, xã, huyện, sở lại bảo không biết gì?! Ðặc biệt kinh hãi hơn nữa là việc mập mờ, mặc kệ trong vấn đề quy định và ràng buộc trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ di sản. Di tích quốc gia đã bị hủy hoại nhiều hạng mục cực kỳ quan trọng ở rất nhiều nơi.

Đó là sự thất bại có tính chất hệ thống làm khuấy động nên hiện thực xã hội. Nhờ có sự phát giác của người dân, báo chí thông tin để từ đó cả xã hội lên tiếng và các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Qua việc này cho thấy, ý thức bảo vệ văn hóa của người Việt chúng ra đã được đề cao, dù cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền gánh nặng nhưng họ vẫn rất nhạy cảm khi nền văn hóa đang bị phá hoại.

Tuy nhiên, năm 2012, ngành văn hóa đã khôi phục được nhiều di sản. Trong đó có nhiều di sản được tôn vinh, thế giới biết đến. Từ đó người dân nâng cao tư tưởng bảo vệ văn hóa di sản. Đó là thành tựu nổi bật mà chúng ta đáng chúc mừng cho ngành văn hóa.

Xin cảm ơn GS.!                                  

Cao Tuân (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.