Hẳn là, giả sử, khi người phụ nữ Bắc kỳ còn náu vẻ đẹp trời ban của mình trong áo mớ ba mớ bảy, hay nề nếp khắc kỉ của văn hóa ứng xử phương Đông thì một cô gái trót "khoe" một nét nào đó sẽ bị lên án gay gắt. Nhưng cứ nhích từng bước, đến khi khá nhiều người đẹp đồng loạt "lộ hàng" như thời điểm hiện nay, không ít người hoang mang giao động đặt dấu hỏi rằng: Truyền thống xiêm y e ấp của tổ tiên ta giờ còn đâu?!
Thêm vào đó, không ít nghệ sĩ, nhà văn cổ súy cho cuộc cách tân nghệ thuật lần thứ (n) như thế với một chủ trương cực kỳ cũ: Nói toạc những cái thiên hạ e ấp, giấu giếm. Với thói quen ẩn náu trong dư luận, coi a dua là kim chỉ nam, nhiều người như được tiếp thêm sức mạnh bởi quan niệm cực đoan và phiến diện ấy.
Thực ra ở nhiều nền văn hóa lớn, việc xuất hiện một phát ngôn ấn tượng, một ý tưởng cực đoan theo kiểu "nude" những ham muốn, uẩn ức tình dục kiểu " đũng quần" của nữ thi sĩ nọ, linga của nam nhạc sĩ kia không phải chuyện quá lạ lẫm. Chỉ có điều, thứ mà tạo hóa bạn tặng cho con người để nòi giống trường tồn và tận hưởng hạnh phúc ấy, được đem ra để phục vụ cho một triết lí sáng lạng nào hay cũng chỉ dừng lại ở sự sung sướng tầm tầm ấy thì mới là điều đáng bàn.
Tranh, tượng thời phục hưng khoe đường nét xuân thì của cơ thể. Lục lại kho tàng dân gian nhiều, dân tộc cũng từng ngợi ca vẻ đẹp đó bằng một cảm thức rất thành thật. Hình như những sự cách tân theo lối khoe da thịt kia đã tự làm khó mình bởi một câu nói cũ kĩ mà luôn mới: "Đằng sau đó là gì? Ngoài điều ấy ra cô còn gì để nói nữa không?".
Dường như, mỗi thời đại khác nhau đều có một quãng "dậy thì" của văn hóa. Thời hiện đại người ta từng choáng váng với những thước phim đem chuyện giường chiếu ra trưng diện trước công chúng. Nhưng rồi khi đã bão hòa thì chính khán giả sẽ ngần ngà với những gì tươi mát mà các đạo diễn mang lại.
Mọi chuyện rồi cũng qua, nghệ thuật thì lại tiếp tục với công việc bếp núc như bà nội trợ vắt óc mỗi sáng để tìm ra phương cách làm ngon miệng người ăn. Bởi thế nếu những ai đã trót tung chiêu hàng độc khi nude toàn bộ ý tưởng của mình mà không đạt hiệu quả thì không khác nào đang đặt cược tất cả vốn liếng - chính là sinh mệnh nghệ thuật- vào canh bạc đỏ đen ấy. Khi vốn đã hết, họ kiếm đâu cơ hội để sáng tạo nghệ thuật, để thể hiện bản lĩnh và hoàn thành sứ mệnh của người nghệ sĩ?
Hẳn ai cũng biết văn hóa phụ thuộc rất nhiều vào những tài năng để duy trì và phát triển. Chính những phút lóe sáng của ý tưởng táo bạo của nhân tài để tạo ra những giờ rực sáng của nhân loại. Bởi thế khi nghệ sĩ nói tục, hở hang hay làm điều gì đó ngược lại thuần phong mĩ tục sẽ khiến công chúng lo sợ. Nỗi lo sợ ấy ắt có thật nhiều nghĩa: Lo lâu nay mình đã giữ gìn những thứ đáng ra không nên giữ; Lo hiểu lầm những tài năng trước đó đã chết yểu bởi chuẩn mực xã hội...
Nhưng, đằng sau đó còn là lo cho cuộc tiếp biến của văn hóa toàn những cách tân nhưng không làm mới được quan niệm cũ, lo những thứ lạ nhưng không mới hơn được cái cũ; lo và mất dần niềm tin tuyệt đối vào tài năng của nghệ sĩ, họ bỗng coi (trước tiên) là nghệ thuật và (sau đến) là văn hóa cũng chỉ là trò đùa, chiêu trò gây nổ, tạo scandal để tên tuổi một ai đó được biết đến nhiều hơn hoặc rõ hơn.
Tất cả những nỗi lo ấy đều có lí khi bản thân các nghệ sĩ biết đâu còn chưa tường tận các giá trị văn hóa mà mình lâu nay vẫn tự đặt mình ngang vai phải lứa. Và biết đâu, với một số người trong số họ, "nổ" bằng những cách tân như thế là một thói quen cũ kĩ như cái cách mà có người đã nói: Không "cách tân" không chịu được!
Bảo Vy