Vi phạm đạo đức kinh doanh
Vụ việc bị cho là "kỳ thị người Việt" gây nhiều bức xúc trong cộng đồng vừa qua bắt đầu khi một người phụ nữ chia sẻ trên facebook, về câu chuyện vào mua hàng tại cửa hàng thời trang Phương Thảo trên phố Hàng Bè (Hà Nội) bị xua đuổi, trong khi trước đó hai vị khách Tây lại được tiếp đón rất nhiệt tình. Chia sẻ của người phụ nữ kia nhanh chóng được truyền khắp cộng đồng mạng và nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Đa phần thì cho rằng, đây là một hành động "kỳ thị người Việt" quá rõ ràng. Thậm chí, một số người quá bức xúc đã trực tiếp đến cửa hàng này để xác minh.
Khi phóng viên các báo đến để tìm hiểu thực hư sự việc, ông Thảo, chủ cửa tiệm thời trang này cũng xác nhận rằng "thỉnh thoảng có từ chối khách hàng người Việt" với lý do: "Chúng tôi bị mất cắp nhiều lần rồi nên phải tỉnh táo, cẩn thận". Vậy là, nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự việc đáng tiếc trên cũng bắt nguồn từ lý do giống như vụ việc nhà hàng Cát Vàng trước đó. Nhà hàng này cũng từ chối phục vụ khách Việt vì cho rằng "người Việt xấu tính, hay trộm cắp".
Mặc dù nhà hàng Cát Vàng, shop thời trang Phương Thảo chỉ là những địa chỉ kinh doanh nhỏ nhưng việc từ chối phục vụ khách hàng Việt của họ lại gây ra những ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý chung của cộng đồng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: "Trong luật Người tiêu dùng Việt Nam có quy định rõ ràng rằng, người tiêu dùng có quyền lựa chọn bất kì mặt hàng nào được bày bán. Các cửa hàng không treo biển nghỉ bán hàng hay không ghi rõ cửa hàng chỉ phục vụ khách nước ngoài thì người dân vào xem, mua hàng là điều tất yếu, họ không có lỗi gì cả. Nước ta đang thực hiện chủ trương "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Chính vì vậy, những vụ việc cửa hàng Việt từ chối phục vụ khách Việt quả là rất đáng tiếc. Có thể họ không vi phạm luật Kinh doanh nhưng đã vi phạm đạo đức kinh doanh".
Shop Phương Thảo vẫn kiên quyết từ chối phục vụ khách Việt dù bị dư luận phản đối.
Lỗi do người bán hay người mua?
Có nhiều tranh cãi xoay quanh việc lỗi thuộc về người bán hay người mua, nhưng nếu nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và sâu sắc thì đây chính là một hệ quả đáng buồn trong văn hóa mua hàng, bán hàng của người Việt. Người bán hàng vì bức xúc với một số khách hàng mà quay lưng với cả cộng đồng, còn một bộ phận khách hàng thì có những hành động không đẹp gây ảnh hưởng tới hình ảnh của tất cả những người khác.
Chị Nguyễn Phương Hoa, chủ nhân một shop quần áo trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi không phân biệt khách hàng, nhưng không thể phủ nhận có những người khách làm cho chúng tôi rất ức chế. Chưa kể tới việc luôn luôn phải đề phòng trộm cắp vì chúng tôi đã bị khách lấy trộm quần áo nhiều lần rồi. Nhiều khách hàng cũng rất vô ý, thử hết cái này đến cái khác rồi vứt lung tung, đã không mua lại còn lên tiếng chê bai, so sánh. Trong khi đó, nhân viên bán hàng có nói động chạm một tí là họ lại làm to chuyện, làm mất hết uy tín cửa hàng. Tuy đó chỉ là một bộ phận khách hàng nhỏ thôi nhưng vô tình cũng khiến chúng tôi phải cảnh giác hơn rất nhiều".
Về phía những người mua hàng, chị Đào Thị Quyên (nhân viên Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư phát triển Công nghệ quốc tế - IDT) bày tỏ: "Việc từ chối phục vụ khách hàng Việt là một hành động "vơ đũa cả nắm", rất đáng lên án. Không thể quy chụp tất cả khách hàng là ăn cắp, là vô ý thức được. Trong khi đó, lý do thực sự mà nhiều cửa hàng phân biệt đối xử khách hàng không phải như vậy. Có hôm tôi ăn mặc giản dị, đi xe số vào một shop thời trang lớn trên phố Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội), ngay lập tức nhận được thái độ khinh khỉnh của nhân viên bán hàng. Họ thậm chí còn nói bóng gió xúc phạm tôi tới mức: "Nhà em toàn bán hàng hiệu thôi chị ạ". Chắc họ nghĩ, với bộ dạng như tôi không thể mua được một chiếc áo trong cửa hàng của họ nên không cần mất công đón tiếp làm gì".
Việc cải thiện tình trạng ác cảm giữa người bán và người mua hiện nay cần sự thay đổi từ cả hai phía, tuy nhiên chủ yếu nhất vẫn là từ phía những người bán hàng. Với tuyên ngôn "khách hàng là thượng đế" thì sự chuyên nghiệp trong cách phục vụ sẽ giúp các cửa hàng làm hài lòng mọi khách hàng. Văn hóa mua bán tại các nước phát triển trên thế giới cũng là điều mà chúng ta nên học tập.
Bài học đắt giá từ vụ nhà hàng Cát Vàng Sau khi xảy ra vụ việc nhà hàng Cát Vàng (81 Nguyễn Đình Chiểu, phường Hàm Tiến - TP.Phan Thiết) không tiếp khách Việt, Sở VH-TT&DL Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm. Tại cuộc họp, rất nhiều doanh nghiệp tỏ thái độ bất bình với chủ trương không tiếp khách Việt của chủ nhà hàng Cát Vàng và bị dư luận "ném đá” trong thời gian qua. Không ít người Việt sinh sống ở nước ngoài và du khách quốc tế bày tỏ quan điểm khá gay gắt. Bởi dù viện bất kỳ lý do nào thì cái cách mà ông Nghiêm Phúc - chủ nhà hàng Cát Vàng có chủ trương từ chối phục vụ khách Việt cũng không thể chấp nhận được. Có thể nói, đây là bài học đắt giá cho ngành du lịch Bình Thuận. Hầu như tất cả các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ khẳng định vụ việc trên hoàn toàn sai trái và chẳng ai dại gì làm chuyện tương tự. Ông chủ nhà hàng Cát Vàng đã thừa nhận sai lầm của mình, đồng thời gửi lời xin lỗi đến cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, điều đó là chưa đủ và chưa thể xoa dịu dư luận mà cần phải thể hiện bằng hành động cụ thể như chính thức xin lỗi khách hàng, cam kết sửa sai thông qua các kênh truyền thông… |
Đinh Nhung