1. Độ cuồng nhiệt của người hâm mộ (fan) bóng đá Việt Nam có lẽ không thua kém bất cứ nơi nào trên thế giới. Nhưng cách mà một bộ phận thường xuyên dùng để thể hiện tình yêu với câu lạc bộ mình yêu thích lại rất khác: chửi các fan và các đội bóng khác, đặc biệt là trên các mạng xã hội hoặc các trang báo thể thao online. Nói nhẹ nhàng hơn là họ cố gắng anti (chống lại) những câu lạc bộ “kình địch”, những cái tên mình ghét, và cả những người mà họ chưa từng biết đến nhằm mục đích chứng minh một điều gì đó.
Bên cạnh lực lượng người hâm mộ đông đảo, MU cũng là đội bị ghét nhiều nhất ở Việt Nam.
Chửi theo từ điển tiếng Việt thông dụng là “la mắng, là nói những lời thô tục, cay độc để làm nhục người khác”. Thực tế người ta chửi khi tức, khi cảm thấy bất công, bất lực, khi yếu thế không thể làm gì được đối thủ... Chửi cho bõ tức. Nhưng, các fan bóng đá chửi để chứng tỏ mình và đội bóng của mình trên tầm đối thủ một bậc lại là chuyện khác.
2. Không nghi ngờ gì nữa khi MU là câu lạc bộ bị ghét nhất tại Việt Nam. Lí do họ bị ghét được đưa ra rất nhiều từ lâu rồi, và đến giờ vẫn được các antifan lôi ra để đả kích. Ví dụ như có quá nhiều fan phong trào, không biết gì về bóng đá nhưng lại thích nâng MU lên và dìm các đội khác xuống, hoặc đội quân của Sir Alex quá may mắn hay được trọng tài thiên vị... Nếu chỉ như vậy thì không có gì đáng để nói.
Logo MU bị các antifan "chế" với hình ảnh con rùa.
Cùng với quãng thời gian dài thăng trầm của MU, người hâm mộ của họ đã ít đi những phần tử hay “nổ”, nhưng điều đó không đủ để khiến các antifan sau này thay đổi quan điểm. Cứ nói đến MU là trong đầu các antifan chỉ có những suy nghĩ đơn giản: fan phong trào (hiện tại họ còn một cụm từ viết tắt xúc phạm cá nhân nghiêm trọng để chỉ fan MU, xin không được viết ra đây), ăn “rùa”, FA chống lưng, được các “đệ” ở Premier League hỗ trợ... Nhiều antifan dù không xem bất cứ trận đấu nào của MU cũng sẽ “chửi” như thế sau một chiến thắng của Quỷ Đỏ, hoặc hả hê vạch những lí do tương tự với mệnh đề “không có... thì...” khi MU thua trận. Nói chung là một cách anti rất... phong trào.
Không riêng gì MU, rất nhiều câu lạc bộ khác cũng bị anti theo cách như vậy. Ví dụ như nhắc đến Barcelona các antifan sẽ kể đến những màn ăn vạ nổi tiếng của họ, những trận đấu “có mùi”, hay cả lí do không liên quan lắm như Messi thường xuyên mất hút ở tuyển Argentina. Hoặc Real Madrid, Chelsea:, Man City chỉ biết vung tiền mua sao, mua thành công mà không buồn nghĩ đến việc câu lạc bộ họ thích cũng không ít lần làm những điều đó. Rất ít antifan dành thời gian và tâm sức tìm hiểu cặn kẽ đối phương để đả kích bằng chuyên môn, bằng những lý lẽ thuyết phục được đa số. Họ dùng cách đơn giản hơn, thiếu trách nhiệm hơn để chọc tức đối phương: chửi, chửi trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Chỉ vì hành động này, tài năng của Busguets đến bây giờ vẫn chưa một lần được các antifan thừa nhận.
3. Một nhà văn đã từng nói: “Tôi thấy ở xứ mình vẫn chưa có văn hóa chửi thật sự. Chửi ở đây là chửi một cách văn minh, không phải là dùng những từ ngữ thô tục, kém văn hóa để chứi bới nhau, mà là sử dụng lý lẽ sắc bén để nói lên sự thật.” Xét riêng với trong cộng đồng fan bóng đá, đó chính xác là những gì đang diễn ra hàng ngày, hàng tuần.
Khi mà các antifan vẫn “gân cổ” lên chửi và chửi mà không quá quan tâm đến việc đối phương thế nào thì lâu dần thành quen, người thật sự ức chế chính là họ, chứ không phải những kẻ bị anti.
Sự thù địch luôn là một phần làm nên sự hấp dẫn của bóng đá, việc yêu hay ghét, thậm chí căm thù một đội bóng nào đó cũng là lẽ hết sức thường tình. Nhưng việc anti một câu lạc bộ nào một cách mù quáng mà không xét đến những việc họ đã và đang làm hoặc không hiểu rõ điều mà mình cố gắng bảo vệ là gì, thì đó không phải tinh thần “không đội trời chung” thượng võ trong thể thao. Nó đơn giản là sự nhỏ nhen của chính các bạn, những antifan chưa từng nghĩ đến quan điểm riêng của mình và chỉ thích vào hùa “chửi” đối phương.
Minh Đức (tổng hợp)