Văn hóa từ chức vừa bị đánh… vẹo cả cột sống

Văn hóa từ chức vừa bị đánh… vẹo cả cột sống

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 7, 02/03/2019 06:30

Một nữ sinh lớp 7 xin thôi giữ chức vụ tổ trưởng trong lớp đã bị thầy chủ nhiệm đánh hàng chục roi vào mông. Ở Việt Nam không như nước ngoài, từ chức rất dễ bị ăn đòn.

Từ chức hay văn hóa từ chức là một cách ứng xử mà nhiều người kêu gọi để hướng tới một bộ máy hoạt động “khỏe mạnh”, không chỉ trong các cơ quan Nhà nước mà còn là ở các cấu trúc quản lý cấp nhỏ hơn như công ty, tập thể.

Từ lâu nay, chúng ta vẫn thường chỉ trích những cá nhân tham quyền cố vị, chai mặt không chịu rời chức vụ dù chiếc ghế mà họ đang ngồi đã không còn phù hợp hay đơn giản hơn là không còn xứng đáng.

Từ chức không mang ý nghĩa hoàn toàn tích cực hoặc tiêu cực. Nó phụ thuộc vào lý do vì sao từ chức. Nhưng tựu chung lại, từ chức vẫn luôn được hoan nghênh, vì chẳng ai mấy ai đủ dũng khí để từ giã lợi ích gắn bó với mình quanh chiếc ghế.

Việt Nam từ lâu cũng đã kêu gọi văn hóa từ chức. Sai thì nhận lỗi. Nhưng xin lỗi thì không giải quyết được vấn đề. Do đó, đã sai thì nên rời ghế.

Tuy nhiên, hiếm khi chúng ta thấy một lá đơn từ chức nào được đưa ra từ một cá nhân đảm nhiệm vai trò từ lớn cho đến bé, dù lỗi lầm thì tất nhiên là rất lớn. Tất cả vẫn chỉ là lời xin lỗi, rút kinh nghiệm. Dư luận vẫn đòi từ chức, ông lớn vẫn ngồi ung dung.

Báo chí vẫn đăng ra rả những bài viết ca ngợi vị quan chức ở nước này, vị giám đốc ở nước kia, bỏ qua sợi xích lợi ích ràng buộc để từ nhiệm khi họ mắc phải những sai lầm không thể dung thứ, có ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức. Đơn cử như vụ việc Phó Thủ tướng Barnaby Joyce của Australia phải rời bỏ chức vụ vì bê bối ngoại tình với một cựu nhân viên hồi tháng 2/2018.

Thậm chí, có vị quan chức còn nghiêm trọng hóa vấn đề đến mức từ chức vì cái lỗi mà chẳng ai bắt bẻ họ phải rời vị trí, giống như Bộ trưởng Giao thông New Zealand Phil Twyford – người viết đơn rời nhiệm sở chỉ vì lỡ… thực hiện một cuộc gọi trên máy bay ngay trước thời điểm cất cánh, vi phạm các quy tắc hàng không dân dụng.

Ở Việt Nam vì hoàn cảnh chính trị khác biệt, nên thiếu văn hóa từ chức như tại nhiều nước khác trên thế giới. Chúng ta đã nói nhiều lần về văn hóa từ chức, chủ đề từ chức cũng được thảo luận nhiều trên nghị trường. Nhưng để xây dựng được văn hóa như vậy, sẽ còn đòi hỏi nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức.

Một làn sóng văn hóa nếu muốn trở thành xu hướng thì phải có những người dẫn đầu, có tấm gương đi trước, được truyền bá, lan tỏa trên các kênh thông tin của xã hội để mọi người học tập, noi theo.

Tuy nhiên, khi văn hóa từ chức manh mún xuất hiện như một mầm mống tươi sáng trong chốn học đường, nó đã bị dập tắt một cách vô lý bằng bạo lực, mà khi nhìn vào, có thể ai muốn từ chức sau này cũng cảm thấy sờ sợ.

Đó là câu chuyện vừa xảy ra ở trường THCS Long Hòa, huyện Phú Tân (An Giang) cách đây vài ngày, khi một nữ sinh lớp 7 không thuộc bài và xin thôi làm chức tổ trưởng đã bị thầy chủ nhiệm đánh hàng chục roi vào mông.

Dư luận nói nhiều đến hành vi được coi là phản giáo dục và có phần cay nghiệt của giáo viên khi dùng bạo lực quá đà với học sinh nhưng không nhắc nhiều đến khía cạnh nữ sinh này bị đánh đòn chỉ vì trong lúc không thuộc bài lại lỡ… xin thôi chức tổ trưởng.

Chưa rõ vì lý do gì mà nữ sinh này lại xin thôi chức vụ có thể được coi là “vô thưởng vô phạt” trong môi trường lớp học như vậy, nhưng việc xin từ chức mà cũng ăn đòn thì đúng là chuyện lạ chưa từng nghe qua.

Trong khi công chúng đang kêu gọi, ca ngợi những cá nhân đủ can đảm từ bỏ chức vụ khi không còn cảm thấy phù hợp thì tấm gương của nữ sinh này chẳng những không nhận được sự trầm trồ, thán phục mà còn bị “đánh bẹp” bằng cây thước dài 1m, đến mức vẹo cả cột sống.

Chúng ta đã nói về việc phải xây dựng văn hóa từ chức từ ý thức. Mà muốn nuôi dưỡng ý thức thì phải bắt đầu từ gốc. Thế hệ bây giờ coi như đã "trống bỏ ngoài tai", do đó, muốn xây dựng văn hóa từ chức sau này, chúng ta phải gieo tư tưởng cho thế hệ kế cận.

Nhưng thử hỏi, ngay cả việc từ chức trong lớp học của các em học sinh còn bị giáo viên hằn học, trù dập như vậy thì mầm mống của văn hóa từ chức biết phát triển làm sao?

Người ta vẫn thường nói, lứa tuổi thiếu niên vẫn còn chưa phát triển đầy đủ về tính cách, tinh thần. Do đó chúng thường bị ám ảnh bởi những cơn đau, những lần bị lạm dụng về thể chất, dẫn đến trầm cảm hoặc lệch lạc về phát triển hành vi, tính cách sau này.

Giống như một đứa trẻ từng suýt chết đuối khi lớn lên sẽ có nỗi sợ khó tả với sông hồ, nữ sinh lớp 7 này biết đâu vì đòn roi đến vẹo xương sống mà sợ hãi cả đời cái việc phải từ chức? Hay những học sinh chứng kiến trận đòn roi đó, chúng sẽ nghĩ gì sau này?

Chúng ta sẽ còn lâu lắm mới có được văn hóa từ chức khi có những người tha thiết muốn rời bỏ chức vụ nhưng lại bị cản trở bằng đòn đau nhớ đời. Các em không muốn đảm nhiệm chức vụ, đừng đánh chúng, hãy buông roi và chào đón tư tưởng tiến bộ như vậy bằng cái xoa đầu.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Quý độc giả có ý kiến đóng góp, bài viết cộng tác chuyên mục Đa chiều - báo Điện tử Người Đưa Tin xin gửi về hộp thư điện tử: Toasoan@nguoiduatin.vn 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.