Ngày còn học trong trường Khoa học Xã hội & Nhân văn, lớp cựu sinh viên khoa Văn chúng tôi vẫn thường có một chút ví von nho nhỏ, cùng một bộ môn văn học phương Tây với nhau, luôn đi cùng nhau nhưng nếu thầy Đào Duy Hiệp giống như một “người thơ”, thầy Cao Vũ Trân bụi bặm như một ông lái xích lô xuề xòa, vui vẻ thì thầy Trần Hinh lại như một mặt hồ tĩnh lặng, thâm trầm.
Mỗi người một vẻ, bổ trợ cho nhau, thiếu người nào cũng sẽ tạo nên một khoảng trống vắng trong ký ức khoa Văn… cùng những câu chuyện về những chàng lính ngự lâm và giấc mơ về nước Pháp xa xôi…
Không giỏi về “ngoại giao” với sinh viên là cách thầy Trần Hinh tự “chấm điểm” về cái “tính người” của mình, không phải mẫu người hướng ngoại.
Đó có lẽ cũng là lý do vì sao, ngày còn học trong trường, nhiều sinh viên thấy thầy ít nói thì ngại, không dám gần nhưng đã gần thì mới hiểu sự nhiệt tâm với công tác trồng người của thầy.
Mới đây gặp thầy, thầy hồ hởi khoe mới có một bài viết gửi đăng báo Văn Nghệ về những suy nghĩ với cái nghề làm thầy, đúc rút lại sau hơn 40 năm đứng trên bục giảng. Thầy còn dự định, tương lai, nếu có nhiều thời gian hơn sẽ ngồi viết sách kể chuyện khoa Văn, kể chuyện điện ảnh và những ước mơ của một ông giáo già.
Cái cách thầy say sưa nói khiến chúng tôi - những cựu sinh viên không khỏi ngạc nhiên vì khác quá, hóa ra trong ngần ấy năm, thầy vẫn lặng lẽ theo dõi, ghi nhận các lớp học trò bằng trí nhớ, bằng trái tim của mình mà ít người hay biết. Trong trí nhớ của chúng tôi về những ngày mài đũng quần trên giảng đường khoa Văn, chỉ là những giờ giảng miệt mài về văn học Pháp, về Anbe Camuy, về Người Xa Lạ, về Dịch Hạch, những lần bị thầy bắt thóp không đọc tài liệu…
Thầy không xuề xòa như một số thầy cô khác nên đôi khi mắc lỗi, thầy không mắng, chỉ nhắc nhở thậm chí lắc đầu ngán ngẩm lại khiến chúng tôi phải áy náy nhiều.
Có dịp ngồi trò chuyện với thầy lâu hơn, thầy mới bật mí về duyên cớ đến với khoa Văn, với bộ môn văn học phương Tây mà cụ thể hơn là văn học Pháp khá bất ngờ: Vì lười học ngoại ngữ. Năm 1976, khi mới tốt nghiệp, thầy được trường giữ lại giảng dạy. Được sự gợi ý của thầy Đỗ Đức Hiểu lúc bấy giờ: “Sao Hinh cứ phải lăn tăn chuyện làm văn học Nga, văn học Pháp hay văn học nước nào đi chăng nữa cũng thế. Cái em có thể làm tốt nhất bây giờ là… văn học Lào. Văn học Nga, văn học Pháp, em có cố thì cũng không thể vươn lên hàng đầu được, còn với văn học Lào em có thể bắt đầu và giữ được vị trí số 1”.
Lúc bấy giờ, Khoa đang có ý định mở thêm chuyên ngành nghiên cứu văn học Đông Nam Á mà bắt đầu là với văn học Lào. Nghe thầy Hiểu “dỗ” như vậy , chàng giảng viên trẻ khoa văn cũng dần xuôi theo. Tuy nhiên, sau 2 năm tham gia nghiên cứu, giảng dạy, đến khi buộc phải sang Lào để học tiếng thì thầy… sợ, tìm cách thoái lui, nghĩ mình không có sở trường học ngoại ngữ. Thầy Hinh sau đó chuyển sang nghiên cứu văn học Pháp theo gợi ý của cô Đặng Thị Hạnh (con gái của GS Đặng Thai Mai).
Tuy nhiên, tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa, điểm yếu về ngoại ngữ lại một lần nữa được đặt ra, làm văn học Pháp mà không biết tiếng Pháp là một thiếu sót không thể không khắc phục. So với tiếng Nga, ngoại ngữ chính đã học trước đó, tiếng Pháp khó hơn rất nhiều, thậm chí các thầy cô kỳ cựu trong khoa như cô Lê Hồng Sâm, thầy Đỗ Đức Hiểu phải lôi đám cán bộ trẻ về dạy ngoại ngữ tại nhà.
“Cũng có lúc học không vào, bị thầy Hiểu mắng cho xối xả: Đầu óc như bã đậu không biết gì cả. Lúc đó, thầy Hiểu nhiệt tình lắm. Đến giờ, sau nhiều năm làm thầy mới hiểu được cái lý, cái tình của thầy lúc mắng mình ra sao”, thầy Trần Hinh chia sẻ.
Phải đến những năm sau 80 của thế kỷ trước, khi bộ môn Văn học phương Tây có sự kết nối với đại học Paris 7 (Pháp), được sự quan tâm của các thầy cô hai trường, cơ hội được ra nước ngoài học tập tiếng và học cả những phương pháp nghiên cứu mới mới được rộng mở hơn với những giảng viên trẻ khoa Văn.
“Kỷ niệm ngày còn trẻ thì nhiều lắm, như chuyện “những chàng lính ngự lâm khoa Văn (giảng viên trẻ) cưỡi xe máy tòng tọc lai các thầy bên trường Paris 7 tìm hiểu về Hà Nội, quá trình học về văn hóa Pháp rồi sau đó về, truyền thụ lại cho sinh viên như thế nào… đó là một câu chuyện rất dài và rất đáng để nhớ. Mình mến, cảm và say mê văn học Pháp từ lúc nào không biết”, thầy Hinh nhớ lại.
Niềm đam mê với điện ảnh khiến mình trẻ lại
Câu chuyện đến với điện ảnh như thầy chia sẻ cũng như một sự tình cờ. Trước đó nhiều năm, các thầy trong khoa Văn đã có ý định thành lập một bộ môn nghệ thuật học, mà trong đó nhiều ngành nghệ thuật như văn chương, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu,… sẽ tìm được tiếng nói chung nhưng chưa thực hiện được vì nhiều yếu tố khách quan.
Đến năm 2005, nhà thơ Phan Huyền Thư - một cựu sinh viên khoa Văn mới kết nối với chương trình hỗ trợ, đào tạo về điện ảnh của quỹ Ford (Mỹ), đề nghị thầy Trần Hinh kéo chương trình này về. Nghĩ việc này là tay ngang nên lúc đầu, thầy còn cảm thấy e ngại. Nhưng về sau, chính những người của quỹ Ford và các thầy cô lãnh đạo Khoa đã khiến thầy phải đổi suy nghĩ và nhận lời.
Nói dự án Điện ảnh chỉ thực hiện trong vòng 6 năm cũng không hoàn toàn chính xác, bởi trước và sau đó một thời gian dài, công tác chuẩn bị và đúc kết cũng mất rất nhiều tâm sức của những người tham gia. Đặc biệt là với cương vị Chủ nhiệm dự án vừa phải học rất nhiều về điện ảnh, vừa phải phối hợp cùng những người có chuyên môn để lên chương trình, giáo án giảng dạy cũng đủ đau đầu.
Cùng với Dean Wilson, giáo viên - đại diện của quỹ Ford, thầy Trần Hinh cũng đi khắp các cửa hàng, hiệu sách, hiệu phim để góp nhặt từng đĩa phim một rồi nhờ người làm phụ đề. Đó là còn chưa kể những chuyện “bếp núc” của dự án…Đảm nhận một lúc hai vai, vừa là “ông Chủ nhiệm khó tính” vừa là “Người thầy say mê văn học Pháp”, có lần, chúng tôi hỏi thầy có cảm thấy mệt mỏi không thì nhận lại được câu hỏi “thế à?” (!).
Nói là “ông Chủ nhiệm khó tính” thì hơi quá, bởi tính thầy trầm, ít nói, lại thường xuyên phải đứng ra giải quyết những “lùm xùm” của lớp học, của dự án, làm “trọng tài” phân xử khi có sự bất đồng về quan điểm của học viên với học viên, của giảng viên với giảng viên.
Đôi khi, chúng tôi thấy được sự căng thẳng trên gương mặt thầy, thế nhưng dù cáu thế nào, thầy cũng không bao giờ mắng mỏ sinh viên. “Truyền thuyết” mà các khóa dự án Điện ảnh còn kể lại là có lần, một lớp học đột nhiên bị mất máy chiếu. Việc tần suất phải xem phim thực hành rất cao thì việc mất máy được xem như một việc “kinh thiên động địa”.
Thầy chỉ đứng giữa lớp phân tích: “Thầy không tin là có ai trong các em thực hiện việc này mà là người ngoài. Nhưng có thể các em lại vô tình tiết lộ những điều kiện cho họ thực hiện. Thầy biết người đó là ai, nhưng thầy cho các em cơ hội, phao tin để cho người đó biết, trả lại máy cho lớp học, một cách bí mật thôi, thầy sẽ coi như chuyện này chưa từng xảy ra”.
Quả nhiên, ngay hôm sau, chiếc máy chiếu đã trở về đúng với vị trí của nó. Mới đây, khi nghe thầy tiết lộ: “Tâm lý chiến thôi, thầy biết ai lấy đâu?” khiến đám học sinh cũ không khỏi thán phục.
Đến giờ, nhiều sinh viên của Dự án ra trường, có những người đã thực sự ghi dấu trong làng điện ảnh Việt, với thầy Trần Hinh đã là sự thành công ngoài mong muốn.
Giấc mơ về biển Không như một số thầy cô khác ở khoa Văn, thầy Trần Hinh xuất thân từ một gia đình thuần nghề biển. Thầy tâm sự, ngày trẻ lúc còn học phổ thông trong quê, buổi đi học, buổi ra biển câu cá. Ngày ấy cá tôm còn nhiều, dễ bắt lắm, cứ quăng lưới một buổi là được một thuyền mủng mang về. Đến giờ, nghĩ lại thầy vẫn cảm thấy vui. Sau hơn 40 năm làm “giáo khổ”, say mê với văn chương, với điện ảnh, câu chuyện bám biển vẫn thường xuyên trở về trong giấc mơ của ông giáo già....
|
Đỗ Huệ