Văn mẫu

Văn mẫu

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 2, 18/12/2023 07:00

Không biết tự bao giờ mà, văn mẫu trở thành... văn mẫu.

Hôm nọ có việc chuyên môn cần nhờ, tôi gọi cho giáo sư Trần Nho Thìn, lần đầu tiên gọi nên tôi phải giới thiệu ngay, hồi học phổ thông, em đã đọc bác. Bài văn được giải học sinh giỏi toàn miền Bắc của bác được tập hợp in trong cuốn “Những bài văn được giải”, nó là cẩm nang của học sinh cấp ba thời ấy. Tôi sau bác Thìn đâu như năm sáu khóa, cũng đi thi học sinh giỏi văn, nhưng... trượt.

Hồi ấy chưa phải là văn mẫu, mà họ in những quyển sách như thế thay cho sách tham khảo. Một là học được rất nhiều trong ấy, từ cách phân tích đề, tới cách thể hiện, cách dùng chữ, hai là, khuyến khích sự ham học ham đọc vân vân...

Thế mà rồi, nó cũng thành mẫu.

Thì đa phần bài tập làm văn bao giờ cũng có ba phần, mở bài, thân bài, kết luận.

Mở bài thì tới bảy tám mươi phần trăm ví von dân tộc ta là dân tộc anh hùng, tay cầm thanh gươm đẫm máu, phá Tống bình Minh đạp Thanh, vang vọng lịch sử bốn ngàn năm... vân vân các cái.

Thân bài thì tất nhiên bám vào đề mà phân tích, kết luận lại... theo mẫu: Là học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, ai mơ mộng hơn thì là được đặt dưới bệ phóng của mái trường xã hội chủ nghĩa... (cứ như học sinh là tên lửa ấy), chúng em nguyện thế này thế kia để khi ra đời sẽ thế này thế kia.

Bây giờ thì văn mẫu nó còn mẫu hơn cả mẫu.

Trên báo chí hoặc mạng xã hội thi thoảng đăng những bài văn mẫu ngô nghê, kiểu như nhà em có nuôi một ông bà nội (ngoại),bà em thì tóc trắng lưng còng đi lại chậm chạp nói năng phều phào, ông em thì trùm chăn nằm suốt ngày thi thoảng thò đầu ra hỏi có cơm chưa bây... Tôi cũng đang là ông ngoại, chạnh lòng quá?

Rồi tả con chó con trâu con bò theo sách vì có khi các cháu chưa thấy những con ấy, kiểu “nhà em có nuôi rất nhiều con, nhưng em thích nhất là con chó”. Hoặc “Có rất nhiều con vật mà em thích. Nhưng em thích nhất là con chó. Không những em thích mà bố em cũng rất thích. Cứ dịp cuối tuần hoặc cuối tháng, bố em bảo mẹ em chiều nay làm tí chó đi, vì mẹ em không có tiền nên mẹ em chỉ mua 1 cân một, thế là mẹ em cho vào luộc hoặc nấu rượu mận. Vậy là tối hôm đó, em và bố em rất thích”.

Nhưng nếu em học sinh tả đúng như mình nghĩ thì có khi lại bị điểm thấp tới rất thấp.

Đa chiều - Văn mẫu

Ảnh minh họa.

Tôi search nhanh trên mạng, về mẫu tả bố mẹ có 48.600.000 kết quả trong 0,28 giây, mẫu tả các con vật có 174.000.000 kết quả trong 0,36 giây.

Và nghĩ cho cùng, trẻ con Tây Nguyên mà phải làm văn tả biển thì không theo văn mẫu thì làm sao mà làm? Trẻ em đô thị mà tả ao cá, vườn rau, tả cái giần cái sàng thì tả thế nào?

Vấn đề là, văn mẫu ấy nó ăn vào đời sống rất nặng.

Trên báo chí, nếu tường thuật một đêm thơ nhạc nào đó, thể nào cũng có câu “Nội dung ca ngợi Đảng quang vinh bác Hồ vĩ đại”. Miêu tả một cái lễ hay hoạt động nào đó bao giờ cũng “Trong không khí...”, viết về Tây Nguyên thì hùng vĩ, già làng thì quắc thước, sơn nữ thì ngực trần, phố núi thì đại ngàn vân vân...

Cũng như thế, trên báo mà giới thiệu một cuộc thăm, làm việc của vị lãnh đạo nào đấy mới “cụ thể”. Mở đầu là đồng chí Nguyễn Văn A, rất đầy đủ các chức vụ tới dự và phát biểu chỉ đạo. Ba dòng sau lại “đồng chí Nguyễn Văn A, rất đầy đủ các chức vụ” nhấn mạnh rằng, ba dòng nữa lại vẫn “đồng chí Nguyễn Văn A, rất đầy đủ các chức vụ”  cho rằng, năm dòng nữa lại “đồng chí Nguyễn Văn A, rất đầy đủ các chức vụ” kết luận...

Các báo cáo mới kinh, cách nhau bốn năm năm nhưng phần giống nhau phải tới hơn một nữa. Thi thoảng do lơ đãng hay trình cốp pết kém còn lọt nguyên số liệu cũ nữa. Ví như huyện ấy hồi ấy thì nam tiếp giáp huyện ấy, nhưng hiện tại đã tách hoặc nhập nhưng “vô ý” nên vẫn giữ nguyên “nam tiếp giáp huyện ấy”.

Những ngày lễ mới buồn cười. 20/11, 8/3/ 20/10, 26/3 vân vân, trên mạng đều có các bài hướng dẫn phát biểu, nó cụ thể tới từ học sinh nói gì, cô giáo nói gì, hiệu trưởng nói gì, bí thư chi bộ nói gì, đại diện phường xã nói gì, phụ huynh nói gì (là cho ngày 20/11), các ngày khác cũng thế, cụ thể từ... kính thưa, ai có mặt thì thưa, có người đọc nguyên văn thế.

Ngay các phát biểu ở một số cuộc quan trọng, có truyền hình trực tiếp, phát biểu được quy định thời gian tới từng phút, thế nhưng nhiều vị đứng lên vẫn ề à kính thưa đủ lượt, rồi nhấn mạnh tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo và các ý kiến của các đồng chí, rồi mới, tuy nhiên tôi xin góp thêm mấy điểm quan trọng...

Lại nhớ có hồi cấp có trách nhiệm phải có hẳn cái quy định về... kính thưa. Chỉ giới thiệu và kính thưa vị có chức vụ to nhất, sau đấy là câu chung tất cả các đồng chí. Mà nào có được, vẫn cứ áy náy, vẫn cứ sợ thiếu, vẫn sợ bị trách, sợ bị phê bình...

Tôi có lần được một sở mời làm MC cho cái lễ khai mạc ngày sách, và đã khiến các vị trong ban tổ chức tái xanh mặt mày, vì tôi chỉ thưa chung các đồng chí lãnh đạo các ban ngành đã đến dự mà không liệt kê kính thưa như thường lệ. Và đúng là các năm sau họ không dám mời tôi nữa, dù theo họ, tôi làm MC cũng... khá.

Kết thúc xin trình mấy đoạn văn vui của học sinh thời nay, ngược lại với văn mẫu, tôi cũng cop trên mạng:

“Tuy ông em không nói nhỏ nhẹ nhưng em biết ông rất yêu em. Nhất là khi đang xem tivi mà bố em về đến cổng, ông sẽ báo: 'Tắt tivi đi không thằng bố mày nó quật chết bây giờ'”.

“Ông em giống siêu anh hùng trong phim. Ông em chạy nhanh như con chó sói”.

“Bà cụ ngoài 40 tuổi. Hình dáng bình thường, chiều rộng ba mươi, chiều cao một mét sáu”.

“Bà em có vầng trán rộng, lồi lên biểu lộ sự thông minh”.

“Bố em tuổi con chuột (em xin chú thích loài chuột chù chứ không phải là chuột nhắt), mẹ em tuổi con lợn xề. Bố em là sếp của sếp một công ty, và mẹ em là nhân viên của nhân viên của công ty dược phẩm. Bố em rất yêu em dù hơi nóng tính, em mong bố em bớt nóng tính đi một chút để mông em đỡ bị nổi lươn”.

“Nhà em có nhiều người nhưng em yêu bố nhất. Bố em 43 tuổi. Bố rất cao lớn. Mỗi lần bố ôm em, em chìm trong bóng tối”.

“Bố em có một hàm răng vàng, hàm răng vàng luôn chỉ bảo em những điều hay lẽ phải”.

“Con lợn nhà em thân to bằng cái phích, 2 tai to bằng 2 lá mít lúc nào cũng vẫy vẫy. Chân thì dài 1 mét…”.

“Con bò có màu trắng và đen, ở bụng có 4 cái núm”.

“Nhà em có nuôi 1 con gà trống, chú ăn rất khỏe, lớn rất nhanh, càng lớn chú càng giống gà mái”.

“Nhà em có một con chim chích bông, nó nhỏ và xinh, lông nó màu vàng óng, em thấy nó không ngừng nhảy và mổ mồi. Em rất yêu con gà của ông em”.

Đọc xong thì tôi lại thêm một lần ngơ ngác, thế này có khi lại phải duy trì văn mẫu thật.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.