Nhiều người Hà Nội cũng như du khách đã bất ngờ vì khu di tích lịch sử nghìn năm tuổi Văn Miếu, Quốc Tử Giám được làm mới. Từ khu vực cổng Đại Trung Môn, giếng Thiên Quang đến bia tiến sĩ, khu nhà thờ đều được phủ một lớp sơn mới màu xám trắng. Nhiều người cho rằng ban quản lý khu di tích nghìn năm tuổi này đã tự ý sơn mới làm mất đi vẻ cổ kính vốn có của một trong những biểu tượng văn hóa nổi tiếng.
Tuy nhiên, sáng ngày 10/1, trao đổi với PV báo Người đưa tin, Ông Lê Xuân Kiêu, giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Đây là nghiệp vụ thường kỳ của ban quản lý khu di tích. Đơn vị đã phối hợp với Viện Bảo tồn di tích quốc gia quét vôi tôi truyền thống, sau đó phủ một màu xám trắng để giống với màu di tích trước đó. Toàn bộ chi phí chưa được quyết toán và do trung tâm chi trả.
Các hoạt động nghiệp vụ này được thực hiện nhằm khắc phục một số hạng mục đã xuống cấp, các bức tường được làm theo kiểu truyền thống bằng vôi tôi. Các màu sơn son, thiếp vàng đã xuống cấp của khu di tích cũng được đơn vị tiến hành phục chế theo đúng các nguyên liệu truyền thống. Hoàn toàn không có hóa chất, hóa học hay sơn mới. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, đơn vị cũng đã nhận được rất nhiều sự phản ánh từ phía người dân, khách du lịch về sự xuống cấp của một số hạng mục. Khi đơn vị thực hiện nghiệp vụ, đơn vị cũng nhận được sự phản hồi tích cực người dân.”
Nói về chuyện dư luận bức xúc với việc Văn Miếu - Quốc Tử Giám khoác áo mới, ông Lê Xuân Kiêu cũng cho biết: “Dư luận bức xúc khi thấy Văn Miếu có màu sắc "lạ" là điều dễ hiểu. Đáng lẽ ra trước khi quét sơn, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nên thông tin đến báo chí, người dân được biết, tránh việc hiểu lầm. Đây là việc cũng cần phải rút kinh nghiệm”. Cũng theo ông Kiêu, cứ 3 đến 5 năm, khi phát hiện di tích xuống cấp, cần sửa thì đơn vị sẽ báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để có biện pháp xử lý.
Một số hình ảnh Văn Miếu – Quốc Tử Giám "khoác áo mới" gặp nhiều ý kiến trái chiều:
Trần Phương - Thành Long (Thực hiện)