"Khối u ác tính" có dấu hiệu bùng phát
Sau thành công của Bóng đá Việt Nam khi liên tiếp gặt hái được những thành công từ lối chơi đẹp mà vô cùng hiệu quả, chúng ta lại đang phải đối mặt với "khối u" khó trị lại có dấu hiệu bùng phát trở lại tại V.League 2019.
Khi V.League 2019 chưa đi hết một nửa chặng đường thì lối chơi thô bạo, quyết liệt và thậm chí là triệt hạ đối phương đã hiện hữu tại nhiều trận đấu. Theo thống kê, tính đến hết vòng đấu thứ 7, các trọng tài đã phải rút ra 156 thẻ vàng, 13 thẻ đỏ cho thấy vấn nạn bạo lực sân cỏ là một "khối u" ác tính và liên tục lặp đi, lặp lại và có chiều hướng gia tăng qua mỗi mùa giải.
Ngay ở vòng đầu khai màn, trung vệ Quế Ngọc Hải, tân binh của Viettel có tình huống vào bóng khiến cầu thủ Dominik Schmitt bên phía SHB Đà Nẵng khiến cầu thủ này gãy xương sườn. Tiếp đến, ở vòng 3, đội trưởng của ĐTQG Việt Nam lại đạp vào ống đồng Văn Kiên bên phía Hà Nội FC. Dù không phải nhận án phạt trên sân nhưng sau đó Ngọc Hải đã bị Ban Kỷ luật VFF treo giò 4 trận.
Chưa dừng lại ở đó, vấn nạn bạo lực lại lây lan sang đến vòng 5 khi các cầu thủ Hải Phòng và SHB Đà Nẵng liên tục thi triển võ công để triệt hạ đối phương. Hệ quả, Trịnh Văn Lợi của Hải Phòng và Bùi Tiến Dụng của SHB Đà Nẵng đã phải nhận thẻ đỏ. Tại vòng 6, trận Nam Định tiếp B.Bình Dương chứng kiến nhiều pha bóng bạo lực, Mai Xuân Quyết (Nam Định) và Đinh Hoàng Max (B.Bình Dương) phải nhận thẻ đỏ.
Cũng tại vòng 6, trận đấu giữa Hải Phòng và Hà Nội FC trên sân Hàng Đẫy cũng chứng kiến rất nhiều pha va chạm trên mức cần thiết. Tổng cộng 4 bàn thắng được ghi nhưng có tới 7 thẻ vàng, 4 dành cho Hà Nội FC, 3 thuộc về đội khách. Hay như ở vòng 7, trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Sanna Khánh Hòa chứng kiến 6 tấm thẻ dành cho các cầu thủ, bao gồm cả chiếc thẻ đỏ của Toure vì có hành vi phản cảm đẩy ngã Mạc Hồng Quân khi hiệp 1 đã khép lại.
Tại những vòng đấu tiếp theo, tình trạng bạo lực sân cỏ vẫn tiếp diễn tuy không quá nhiều như 7 vòng đấu trước nhưng đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan chức năng để họ buộc phải có những biện pháp xử lý mạnh tay nếu không muốn những vụ việc như vậy vẫn còn tiếp diễn.
Đừng để "di căn" sang ĐTQG
Nhiều người cho rằng, bóng đá là phải có va chạm nhưng va chạm theo kiểu triệt hạ đối phương thì không thể chấp nhận được. Những tình huống chơi xấu, bạo lực là do ý thức của một bộ phận cầu thủ khi không giữ được cái đầu lạnh trong mỗi pha bóng.
Cái tôi cá nhân quá lớn, máu ăn thua quá cao giữa các cầu thủ với nhau cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Nhiều cầu thủ sau khi bị phạm lỗi trở nên cay cú và tình mọi cách để trả đũa người đã phạm lỗi với mình khi có cơ hội. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến vấn nạn bạo lực vẫn đang hiện hữu trong mỗi trận đấu tại V.League.
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều tình huống phi thể thao thậm chí nhuốm màu bạo lực của các cầu thủ. Điển hình là tình huống bạo lực giữa cựu trung vệ Huy Hoàng và tiền đạo Hoàng Vũ Samson khi anh bứt tốc bên cánh phải, Huy Hoàng xoạc bóng bằng cả hai chân rất nguy hiểm, Samson tránh được nhưng không quên tặng cho trung vệ xứ Nghệ một cú đạp bằng gầm giày vào đầu tại V.League 2012. Hay pha bóng mà Quế Ngọc Hải vào bóng thô bạo với Anh Khoa tại V.League 2015 khiến cầu thủ của SHB Đà Nẵng phải giải nghệ khiến NHM bóng đá mỗi khi xem lại vẫn phải rùng mình.
Chính việc không xử lý nghiêm những tình huống bạo lực tại V.League đã khiến không ít lần ĐTQG Việt Nam phải gặp thiệt thòi và đánh mất hình ảnh trước bạn bè quốc tế. Còn nhớ, tại AFF Suzuki Cup 2016, sau 5 trận đấu, chúng ta đã phải nhận hai thẻ đỏ và hai quả phạt đền mà chưa kể đến những tấm thẻ vàng khác.
ĐTQG năm ấy chính là phiên bản thủ nhỏ của cả một V.League nhuốm màu bạo lực. Các tuyển thủ quốc gia liên tục thực hiện những tình huống phạm lỗi thô bạo và thậm chí là triệt hạ đối phương khiến NHM bóng đá Việt Nam phải lắc đầu ngán ngẩm. Điều này một phần cũng do các trọng tài khi thiếu nghiêm khắc, bỏ qua những lỗi thuộc về hành vi của cầu thủ. Lâu ngày, những sai lầm ấy đã trở thành thói quen của các cầu thủ và trở thành tai họa khi họ khoác áo các cấp độ ĐTQG thi đấu những giải đấu quốc tế.
Hơn một năm qua, dưới sự chỉ đạo của vị chiến lược gia người Hàn Quốc Park Hang-seo, các cấp độ ĐTQG Việt Nam thi đấu máu lửa, quyết liệt nhưng chưa bao giờ chúng ta thấy một tình huống phi thể thao hay triệt hạ đối phương. Đây là do các tuyển thủ được đào tạo bài bản từ nhỏ và sự nghiêm trị của ông Park nên mới được như vậy. Tuy nhiên, nếu các tuyển thủ Việt Nam phải thi đấu trong môi trường bạo lực thì sớm hay muộn gì họ cũng sẽ nhiễm phải "căn bệnh" quái ác này.
Vậy nên, các cơ quan chức năng nên có những biện pháp xử lý thật nghiêm và kịp thời để ngăn chặn, hạn chế lối đá đó. Đừng để "khối u" đó "di căn" đến ĐTQG.