Đánh vào tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của những bệnh nhân ung thư đang lặng lẽ đếm từng ngày còn tồn tại trên cõi đời, ngày càng có nhiều loại thuốc cùng phương pháp chữa bệnh giả mạo với giá bán trên trời từ các công ty, cá nhân được tung ra trên thị trường với những lời mời chào hấp dẫn. Thực trạng kiếm tiền trên nỗi đau của bệnh nhân ung thư chẳng khác nào “kinh doanh mạng sống”…
Kiếm tiền trên nỗi đau
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hồi tháng Tư đã gửi thư cảnh báo đến 14 công ty có trụ sở tại Mỹ đang bán hàng chục phương pháp điều trị ung thư thông qua các kênh trực tuyến và mạng xã hội mà chưa được chứng minh tính hiệu quả. Các công ty nói trên bị FDA cảnh báo có thể phải đối mặt với truy tố hình sự mà những người liên quan sẽ bị giam tù đến một năm cùng khoản tiền phạt 100.000 USD, hoặc hai lần lợi nhuận của công ty trên các sản phẩm gian lận.
Cơ quan này cũng tư vấn cho bệnh nhân ung thư và người tiêu dùng cảnh giác với bất kỳ phương pháp điều trị nào chưa được chứng minh trên cơ sở khoa học. Mỗi quyết định sử dụng loại thuốc nào cần nhận tư vấn từ bác sĩ về cách điều trị thích hợp. "Điều trị ung thư thường gây ra một cảm giác tuyệt vọng. Thật không may, các hoạt động kinh doanh khai thác nỗi sợ hãi của bệnh nhân bằng việc rao bán các sản phẩm giả mạo, chưa được kiểm tra và gây nguy hiểm tiềm tàng lại đang hoành hành dữ dội", Donald Ashley, Giám đốc Văn phòng Tuân thủ chất lượng tại trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Dược phẩm (Mỹ) cho biết.
Các sản phẩm nói trên không chỉ bao gồm các loại thuốc bán tràn lan trên thị trường, mà còn có các loại thảo mộc, trà, thuốc mỡ, thường xuất hiện trên các trang web với lời quảng cáo mang đến giải pháp điều trị hoặc chữa trị ung thư một cách "tự nhiên".
Trong một số trường hợp, các công ty lừa đảo còn khôn khéo lách luật bằng việc in dòng chữ cảnh báo rất nhỏ "không hẳn điều trị, chữa bệnh hoặc ngăn chặn bất cứ tiến triển nào của bệnh trong mọi trường hợp” trên vỉ thuốc hoặc sản phẩm.
Theo Giáo sư Vinay Prasad từ đại học Y tế và Khoa học Oregon, thông tin sai lệch về các sản phẩm không rõ ràng có thể làm cho các bác sĩ khó khăn hơn trong việc điều trị cho bệnh nhân của mình. "Trong thực tế, có những bệnh nhân quá mù quáng với những loại thuốc chưa được chứng minh có hiệu quả với bệnh ung thư. Phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục họ tin vào các biện pháp truyền thống.
Các sản phẩm giả mạo có thể cản trở cơ hội cứu sống của bệnh nhân, vì từ bỏ các liệu pháp đã được chứng thực”, Prasad cho hay. Trong khi FDA cho biết, họ đã phát hành hơn 90 lá thư cảnh báo trong thập kỷ qua đối với các công ty bán phương pháp điều trị ung thư lừa đảo. Tuy nhiên, ngành kinh doanh làm tiền trên nỗi đau của người khác này vẫn trở thành thị trường béo bở.
Mới gần đây, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố trạng thái cảnh báo cao ở Kenya, sau khi xác nhận rằng một số loại thuốc ung thư giả đang lưu hành tại thị trường Đông Phi. Các loại thuốc này được sản xuất từ các hãng dược giả mạo và đang tìm đường phát triển ra khắp khu vực. Theo thông báo của WHO, phiên bản giả mạo của hai loại thuốc Avastin (bevacizumab) và Sutent (sunitinib malate) đã bị thu giữ bởi Cơ quan Dược phẩm quốc gia (NDA) Uganda hồi tháng Bảy. Avastin là tên thương mại của một loại thuốc được sản xuất bởi Roche/Genentech để điều trị các bệnh ung thư khác nhau trong đó có thận, phổi, ruột kết, buồng trứng,v.v... Cả hai sản phẩm trên đều đang được phân phối tại các trung tâm trị ung thư ở Kampala, Uganda.
Không chỉ đối mặt với tình trạng thuốc ung thư giả gây nhức nhối, bệnh nhân ung thư cũng ngày càng trở thành nạn nhân bị “hút máu” tiền bạc một cách lạnh lùng từ phía các công ty dược phẩm. Thông tin rò rỉ từ email nội bộ của một trong những hãng dược phẩm hàng đầu thế giới Aspen Pharmacare hồi tháng Tư đã tiết lộ việc hãng này tăng giá thuốc ung thư lên cao, vượt xa so với giá trị thực.
Theo The Times, sau khi mua năm loại thuốc ung thư khác nhau từ công ty GlaxoSmithKline (GSK) của Anh, Aspen đã bán lại các loại thuốc này ở thị trường châu Âu với giá cao gấp 40 lần giá gốc.
Trong năm 2013, giá của một gói thuốc hóa trị liệu dùng để điều trị bệnh bạch cầu tăng từ 6,66 USD lên mức 83,52 USD ở Anh và xứ Wales. Khi thương lượng về giá thuốc ở Tây Ban Nha, tập đoàn dược phẩm khổng lồ này được cho là đã đe dọa sẽ ngừng bán các liệu pháp điều trị ung thư trừ khi Bộ trưởng Y tế đồng ý tăng giá lên đến 4.000%, theo thông tin từ tờ El Confidencial Digital đưa ra vào thời điểm đó.
Với ngành kinh doanh thuốc trị ung thư đầy lợi nhuận cùng nhu cầu chưa bao giờ được đáp ứng đủ, các hãng dược phẩm có thể thổi giá sản phẩm của mình với giá trên trời, mà cho đến hiện tại các cơ quan chức năng vẫn chưa có những biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này.