Giữa rừng thông tin được đưa lên mạng xã hội hàng ngày có không ít tin giả. Chúng xuất hiện ở nhiều thể loại, lan truyền với tốc độ chóng mặt giữa các cộng đồng mạng và để lại tác hại khủng khiếp.
Theo kết quả nghiên cứu của MIT (Viện công nghệ Massachusetts - Mỹ), thì tin giả luôn được lan truyền với tốc độ nhanh hơn và được phát tán rộng rãi hơn rất nhiều so với tin thật.
Tin giả được hiểu một cách đơn giản, là tin đối lập của tin thật: tin tức sai sự thật thì có thể coi là tin giả.
Gây thiệt hại kinh tế, đổ máu và xung đột vì tin giả
Một trong những vụ gây thiệt hại khủng khiếp là bản tin giả được đăng trên mạng xã hội Twitter của hãng tin AP hồi tháng 4/2013.
“Hai vụ nổ xảy ra ở Nhà Trắng và Tổng thống Barack Obama bị thương” - dòng chữ vỏn vẹn này ngay lập tức lan truyền chóng mặt và khiến Phố Wall mất khoảng 200 tỷ USD chỉ trong 3 phút. AP sau đó thông báo tài khoản của họ bị đánh cắp và không có vụ nổ nào. Dù thị trường nhanh chóng hồi phục ngay sau đó nhưng giới đầu tư vẫn hoang mang trước sức phá hoại khủng khiếp của một mẩu tin giả.
Vào tháng 9/2016, một video diễn văn tranh cử của ông Basuki Tjahaja Purnama, Thống đốc Jarkata, bị chỉnh sửa bằng cách tắt tiếng và ghi phụ đề bịa đặt rồi đưa lên Facebook, dẫn đến cáo buộc từ những người Hồi giáo bảo thủ rằng quan chức này phỉ báng kinh Koran. Ba cuộc biểu tình khổng lồ sau đó đã nổ ra ít ngày sau đó, khiến 1 người chết và 250 người bị thương. Purnama cũng phải hầu tòa vì cáo buộc báng bổ.
Cảnh sát Indonesia sau đó nói rằng đoạn video "được làm ra để truyền bá thông tin mà có thể gây ra sự chống đối và thù hận". Thủ phạm đã bị buộc tội và anh ta khai mục đích chỉ để giải trí chứ không lường được tác động khủng khiếp của họ.
Buổi chiều chủ nhật 4/12/2016, Edgar Maddison Welch, một thanh niên 28 tuổi, mang theo một khẩu AR-15 bước vào một quán pizza có tên là Comet Ping Pong ở Washington DC. Theo tường thuật của cảnh sát sau đó, trong vòng 45 phút anh ta đã nã hàng loạt đạn về tứ phía trong quán. Tất cả khách đang chơi bóng bàn bỏ chạy tán loạn. Rất may là không có thương vong.
Edgar Maddison Welch sau đó khai rằng anh ta đã đi 6 giờ đồng hồ từ nhà ở Salisbury - Bắc Caroline đến thủ đô Washington DC nhằm chặn đứng một âm mưu, một tội ác. Theo những gì anh ta đọc được trên mạng, quán pizza này là nơi giam cầm các nô lệ ở tuổi vị thành niên, đối tượng của những vụ xâm hại tình dục. Đương nhiên đó là một tin tức giả mạo.
Đêm 3/7/ 2017, ở khu phố Demetevler, phía Đông Bắc thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, một nhóm thanh niên nhập cư đã bị đám đông 70-80 cư dân địa phương vây chặt. Họ bị hăm dọa và đánh đập. Một thanh niên người Iraq trong toán đã bị đâm nhiều nhát dao vào cổ và vào mặt.
Trước đó trên mạng xã hội lan truyền tin đồn có một nhóm thanh niên nhập cư đã tấn công và cưỡng hiếp một phụ nữ qua đường... Vụ việc trở nên nghiêm trọng đến mức thị trưởng Ankara phải lên truyền hình yêu cầu "các công dân tuyệt đối không phó thác cho những tin giả, không hề có người phụ nữ nào bị những người nhập cư tấn công cả...".
Những câu chuyện trên đây chỉ là một trong số hàng ngàn trường hợp mà tin giả lan truyền trên Internet đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tin giả trên Internet, cách đây khoảng 10 năm thường chỉ là những sáng tác mang tính hài hước hay giả tưởng thì giờ đây đã là một ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu những “yếu tố gây ảnh hưởng lớn nhất” trong xã hội.
Sau kết quả bầu cử gây tranh cãi của ông Donald Trump, việc phân tích các sự kiện đã xảy ra cho thấy cần phải đặt một câu hỏi nghiêm túc về vai trò của những tin giả trong việc gây ảnh hưởng đến quyết định của cử tri.
Theo một phân tích của công ty BuzzFeed, các luồng tin giả trên Facebook đã có ảnh hưởng vượt xa những bài viết về bầu cử của 19 hãng truyền thông lớn nhất cộng lại. Ban đầu, Mark Zuckerberg của Facebook đã thẳng thừng bác bỏ đánh giá trên, gọi đó là “một nhận định khá điên rồ”. Tuy nhiên sau đó cả Facebook và Google đều thông báo đang tìm kiếm các biện pháp cần thiết để ngăn chặn tin giả lan truyền trên các mạng xã hội.
Vì sao con người lại ham thích tìm đến tin giả?
Những tin tức giả đã tồn tại từ rất lâu ở những dạng khác nhau: những câu chuyện hài hước, những trò đùa có dụng ý, nhưng theo Flippo Manczer, một chuyên gia tin học, giám đốc trung tâm nghiên cứu mạng xã hội của đại học Indiana - Mỹ, những tin tức thuộc loại nhạy cảm hay những chiến dịch tung tin giả tràn ngập trên mạng internet chỉ thực sự bùng nổ kể từ 2010.
Theo kết quả nghiên cứu của MIT (Viện công nghệ Massachusetts - Mỹ), thì tin giả luôn được lan truyền với tốc độ nhanh hơn và được phát tán rộng rãi hơn rất nhiều so với tin thật.
Những con số thống kê cho thấy để đạt đến con số 1.500 người đọc, các tin thật cần số thời gian dài gấp 6 lần các tin giả, đặc biệt trong trường hợp các tin giả đó gắn với những vấn đề chính trị hay những vấn đề khủng bố, thảm họa thiên nhiên, vấn nạn đô thị hay thông tin tài chính. Sức mạnh của thông tin giả nằm ở chỗ chúng luôn có vẻ mới lạ, gây sốc và thu hút mạnh sự chú ý của độc giả so với các thông tin thật.
Với sức chứa có hạn, đứng trước một dòng thác thông tin tiếp nhận hàng ngày, bộ não con người, một cách vô thức sẽ ghi nhận lại những thông tin mà nó cho là “độc đáo” nhất, vì thế các tin giả dễ dàng đọng lại lâu dài trong trí não con người hơn so với các tin thật.
Chống tin giả - Cuộc chiến tổng lực không biên giới
Từ ngày 20 đến 25/11/2017, một cuộc hội thảo quốc tế đã được tổ chức ở Canada, quy tụ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đến từ Mỹ, Canada, Châu Âu và Châu Á để bàn về “những hậu quả nghiêm trọng của tin giả đối với an ninh quốc gia và các thiết chế xã hội”.
Hội thảo đã đi đến sự thống nhất rằng “tin giả đã đầu độc những diễn đàn xã hội và đe dọa sự phát triển lành mạnh và dân chủ của xã hội” và rằng: “cần phải để cho người dân hiểu rõ hơn vấn nạn này và giúp họ có khả năng phân biệt được tin thật và tin giả để có thể tự bảo vệ mình tốt hơn”.
Một trong những bài thuyết trình gây ấn tượng mạnh nhất trong cuộc hội thảo đó là bản báo cáo có nhan đề: Chống lại tin giả- Một cuộc chiến tổng lực, không biên giới của SCRS (Ủy ban An toàn Thông tin Canada).
Bản báo cáo này đã nhấn mạnh rằng: "Sự phổ cập và khả năng truyền bá thông tin nhanh chóng của Internet và các mạng xã hội, chủ yếu là Facebook và Twitter, đã góp phần làm trầm trọng thêm các hậu quả gây ra bởi các tin giả. Vai trò của báo chí truyền thống, với tư cách là người đảm bảo chất lượng của thông tin đại chúng đã bị suy giảm nghiêm trọng. Thông tin của báo chí truyền thống đã bị nhấn chìm trong dòng thác các dữ liệu được đưa ra từ vô số nguồn của các cá nhân hay tổ chức ẩn danh khác nhau, mà đa phần là tin tức giả mạo hay sự nhào trộn khéo léo giữa tin thật và tin giả".
Vậy làm thế nào để chống lại vấn nạn tin giả? Trong hội thảo, các chuyên gia đều nhất trí rằng: "Việc kiểm tra chi tiết thông tin được tiếp nhận đóng vai trò quan trọng trong việc lột mặt nạ các tin giả và những bài diễn văn giả mạo". Và rằng: "Công nghệ hiện tại đã tiếp tay để vấn nạn tin giả trở thành một mối đe dọa thực sự cho an toàn xã hội, đã đến lúc cần phải thay đổi công nghệ để thay đổi phương thức truyền tải thông tin".
Giáo dục cũng là một biện pháp tốt để chống lại cái xấu. "Nếu được hấp thụ một nền giáo dục tốt đẹp, xã hội sẽ không còn dễ dàng bị cuốn hút theo những thông tin giả hay những lời bịa tạc vu khống một cách dễ dàng. Cần đưa ra những bài giảng được phổ biến rộng rãi về cách nhận biết một tài khoản giả mạo hay những bức ảnh ngụy tạo trên Internet cho mọi người dùng Internet trong xã hội”.
Kết luận cuối cùng của hội thảo: “Không thể có một giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề về vấn nạn tin tức giả, một vấn đề phức tạp và đa chiều. Những giải pháp như tăng cường vai trò của báo chí truyền thống, kiểm tra chi tiết các thông tin nhận được, cải tiến công nghệ để thay đổi phương thức truyền tải thông tin và việc đưa ra các bài giảng để nâng cao nhận thức của người dân có được năng lực phân biệt tin thật và tin giả, tất cả có vai trò quan trọng và phải được phối hợp đồng bộ. Từng quốc gia cũng cần xây dựng những điều luật để chống lại nạn tin giả và cộng đồng quốc tế phải sát cánh cùng nhau xây dựng được một Công ước Quốc tế để chống lại vấn nạn tin giả này”.
Đức và Malaysia là những nước đầu tiên trên thế giới ban hành luật chống tin giả (fake news).
Hôm 30/4, một toà án ở Malaysia tuyên án một tháng tù dành cho ông Salah Salem Saleh Sulaiman vì tội tung tin giả công kích lực lượng cảnh sát Malaysia.
Sulaiman là người đầu tiên chịu án dưới Đạo luật Chống tin giả vừa được ban hành tại Malaysia vào tháng 4 năm nay.
Cùng với Đức, Malaysia đã trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới ban hành luật chống tin giả (fake news). Nhiều nước khác như Anh, Pháp. Singapore và Philippines cũng đang xem xét ban hành những luật lệ tương tự.
Đây là những diễn biến mới nhất cho thấy một việc làm luật để kiểm soát không gian mạng kỹ thuật số đang trở thành một trào lưu đáng chú ý trên thế giới.
Kiểm soát tin giả hay bóp nghẹt tự do ngôn luận? Đây là chủ đề chính của các tranh luận xoay quanh trào lưu đó.
Quốc Tiệp (tổng hợp)