Vẫn nên tiêm chủng vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu?

Vẫn nên tiêm chủng vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu?

Thứ 3, 23/07/2013 14:40

Các nhà khoa học tiếp tục tranh luận về việc tiêm hay không tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh.

Tiêm sớm, phòng bệnh tốt?

GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên viện trưởng Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế quốc gia cho rằng, việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ sau sinh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi khả năng thích ứng của đứa trẻ với môi trường bên ngoài chưa có. Bởi trước đó, em bé nằm trong bụng người mẹ, được bảo vệ tốt bởi nhiệt độ, nước ối xung quanh. Khi vừa ra khỏi môi trường an toàn đó, trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài (nếu nhà hộ sinh có nhiệt độ điều hòa thì tốt, nhưng ở những nơi không có điều kiện, vùng nông thôn, nhiệt độ lúc nắng nóng lên 39 - 40 độ), sự thích ứng của đứa trẻ khó khăn hơn, tiêm một kháng nguyên lạ vào cơ thể tăng nguy cơ phản ứng cho trẻ.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương,  “Việc tiêm tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh là rất quan trọng vì nó sẽ phòng được 85-90% các trường hợp lây nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ sang con. Càng tiêm muộn, tỷ lệ này càng giảm đi”, khẳng định.

Gia đình - Vẫn nên tiêm chủng vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu?
Hình minh họa


GS Hiển chia sẻ, ông rất lo lắng về nguy cơ sụt giảm tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B 24 giờ đầu sau sinh như đã từng xảy ra năm 2007-2008, khi đó có khoảng 10 trẻ sơ sinh bị tử vong sau tiêm vắc xin này.

Liên quan đến 3 trường hợp sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại Quảng Trị, GS Hiển cho rằng, không có loại vắc-xin nào là tuyệt đối an toàn 100% nên vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có phản ứng nặng sau tiêm. Tiêm vắc xin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên để kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Hay đơn giản như việc sử dụng thuốc hay thực phẩm, tùy theo cơ địa của từng người mà có thể xảy ra một số phản ứng nặng hoặc nhẹ. Với vắc xin cũng vậy, phản ứng sau tiêm là nhẹ hay nặng tùy từng trường hợp và tùy loại vắc xin. Những trường hợp phản ứng hay gặp thường là sốt nhẹ, sưng, đau; tỷ lệ phản ứng nặng, gây nguy hiểm cho tính mạng, phải nhập viện thường sau tiêm chủng rất thấp, ít xảy ra. Phản ứng sốc nặng cũng có thể qua khỏi nếu được điều trị thích hợp. Tuy vậy cũng có nhiều trường hợp tử vong sau tiêm chủng vì một lý do khác như trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh khác của trẻ tại thời điểm tiêm chủng.

Vắc xin viêm gan B được sử dụng tiêm cho trẻ sơ sinh tại BV đa khoa tỉnh Quảng Trị là vắc xin do Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 sản xuất. Vắc xin này được sử dụng bắt đầu được sử dụng từ năm 1997 tại một số tỉnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia; từ năm 2003, vắc xin được sử dụng mở rộng ra các tỉnh trong cả nước. Từ năm 2007 đến nay, Công ty vắc xin  và sinh phẩm số 1 đã cung cấp khoảng 4,5-5 triệu liều/năm trước khi sử dụng vắc xin Quinvaxem  (tháng 6/2010) và  1,2 triệu liều/năm sau khi sử dụng vắc xin Quinvaxem.

Trẻ nhiễm vi rút viêm gan B rất nguy hiểm

Cùng quan điểm này, một chuyên gia về vắc xin tại Hà Nội cho biết, từ khi triển khai đã có chỉ đạo rất rõ, nằm trong chiến lược khống chế và tiến tới loại trừ bệnh việm gan B.

“Viêm gan vi rút B là một bệnh lý rất nguy hiểm. 80% trường hợp ung thư gan và xơ gan là liên quan đến mắc viêm gan B mãn tính. Trong khi đó, gánh nặng bệnh tật do viêm gan B ở Việt Nam rất nặng nề. Việt Nam nằm trong những nước lưu hành vi rút viêm gan B ở mức độ nặng (trên 8% là nặng), với tỉ lệ là 12-15%. Để đảm bảo tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ em dưới 2%, chiến lược đầy đủ là phải tiêm đầy đủ 3 mũi, mũi đầu tiên trong 24 giờ đầu sau sinh”, chuyên gia này nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, do tỉ lệ mắc viêm gan B trong cộng đồng cao, nên kể cả bà mẹ không bị nhưng bé vẫn có thể lây ngang quá trình chăm sóc, tiếp xúc với nguồn bệnh, chứ không phải là mẹ không bị bệnh thì không cần tiêm ngay. Ở thời điểm này, nếu tiếp xúc với nguồn bệnh và bị lây thì 90% trở thành viêm gan B mãn tính rất nguy hiểm.

Đây không chỉ là quy định riêng của Việt Nam mà là chiến lược toàn cầu. Ở các nước có vấn đề viêm gan B nghiêm trọng đều phải thực hiện như thế. Ví như tại Mỹ, họ đã giảm được mức lây nhiễm viêm gan B ở trẻ sơ sinh dưới 2%  thì không cần phải tiêm sớm do nguồn lây ít.

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), việc tiêm phòng cho trẻ là cần thiết. Nhưng với lứa tuổi sơ sinh, cần phải thận trọng và thăm khám kỹ càng cho trẻ trước khi tiêm. Vì nếu tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, lại đúng trường hợp trẻ có bệnh lý kèm theo mà không được phát hiện thì rất nguy hiểm cho trẻ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết theo quy định của chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắc-xin viêm gan B được tiêm cho trẻ trong 24 giờ đầu. Việc tiêm phòng là cần thiết, tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, trước khi tiêm, trẻ cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám cẩn thận để khẳng định không mắc bệnh gì. Dù vậy, kể cả khi thăm khám, sàng lọc thì có những bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể trẻ cũng chưa chắc đã được phát hiện.

“Sinh ra khóc to, bú tốt, nhịp thở bình thường, da hồng là những dấu hiệu chứng tỏ trẻ khỏe mạnh nhưng sau 6-12 giờ có thể bị suy hô hấp. Hơn nữa, ngày đầu sau sinh, sức khỏe của trẻ diễn biến khó lường nên chưa thể nói rằng do vắc-xin hay do bệnh ngẫu nhiên của trẻ”, PGS Dũng nhận định.

Theo Dân trí

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.