SEA Games 31 là lần thứ hai Việt Nam đăng cai một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á. Lần đầu tiên diễn ra cách đây 19 năm, SEA Games 22 năm 2003. Nhắc đến kỳ SEA Games này, ắt hẳn người hâm mộ bóng đá không khỏi bồi hồi nhớ về những cảm xúc bùng nổ tột cùng lứa cầu thủ Văn Quyến, Tài Em, Minh Phương, Quốc Vượng v.v. đã đem đến cho người hâm mộ, đặc biệt là “cậu bé vàng” Văn Quyến.
20 năm trước, bóng đá Việt Nam bước vào thời điểm chuyển giao thế hệ. Thế hệ vàng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh đã luống tuổi và bắt đầu rơi rụng. Giới mộ điệu nhìn về thế hệ kế cận với đôi chút hoang. Tại SEA Games 21, kỳ đại hội đầu tiên giới hạn độ tuổi môn bóng đá nam, U23 Việt Nam đã gây thất vọng với việc bị loại ngay từ vòng bảng, với việc để thua cả U23 Indonesia lẫn U23 Malaysia.
Tuy nhiên, với việc SEA Games 22 được tổ chức trên sân nhà cộng thêm một số tài năng trẻ trình làng ấn tượng tại Tiger Cup 2002, U23 Việt Nam vẫn được đặt rất nhiều kỳ vọng. Niềm tin ấy đã không đặt sai chỗ, thầy trò Alfred Riedl đã có một kỳ SEA Games thăng hoa và cho dù không thể hiện thực giấc mơ vàng vẫn tạo được hiệu ứng mạnh mẽ cũng như làm nức lòng người hâm mộ.
Phạm Văn Quyến, “thần đồng”, “cậu bé vàng” của bóng đá Việt Nam vụt sáng trở thành ngôi sao với những màn trình diễn thăng hoa tột bậc. Sự khéo léo, khả năng rê dắt, kỹ năng dứt điểm thiện nghệ, tựu trung là tài năng thiên bẩm của Văn Quyến làm mê đắm CĐV và khiến mọi đối thủ phải kinh hồn bạt vía. Cộng thêm cái khí chất ngang tàn xứ Nghệ, Quyến có lẽ là cái tên đầu tiên tạo cảm giác một đội tuyển Việt Nam không còn e sợ “ngáo ộp” Thái Lan.
Bằng chứng là ở cả hai cuộc chạm trán U23 Thái Lan, Văn Quyến đều ghi bàn còn U23 Việt Nam không còn thua lấm lưng trắng bụng như những cuộc chạm trán trước đây. Tính trong 90 phút, đoàn quân áo đỏ đều có được tỷ số hòa trước “ảnh cả của bóng đá Đông Nam Á” với tỷ số 1-1.
Siêu phẩm vào lưới người Thái
Lượt trận mở màn môn bóng đá nam SEA Games 22 chứng kiến đại chiến giữa U23 Việt Nam và U23 Thái Lan. Tâm lý e sợ người Thái vẫn lẩn khuất đâu đó cho dù 4 vạn khán giả lèn kín cầu trường Mỹ Đình tạo nên không khí sôi động và rực lửa. Nỗi sợ như bóng đêm ấy phút chốc bị xua tan bởi khoảnh khắc tỏa sáng chói lòa của Văn Quyến.
Nhận bóng bên hành lang trái, Quyến quyết định đột phá vào vòng cấm. Một pha ngoặt bóng vào trong làm vặn sườn hậu vệ Thái Lan rồi tung ra cú duỗi mu. Bóng từ chân “số 10” của đội tuyển U23 Việt Nam lao như viên đạn pháo vào góc cao và xa, không cho thủ thành đối phương lấy một cơ hội cản phá. Sân vận động Mỹ Đình như muốn nổ tung không chỉ vì Việt Nam vượt lên dẫn trước Thái Lan mà còn bởi bàn thắng quá đỗi đẳng cấp và đẹp mắt. Và cũng từ pha bóng ấy, U23 Thái Lan hiểu rằng họ đang phải đương đầu với một tay săn bàn lợi hại và bản lĩnh vô cùng.
Sau trận hòa Thái Lan, U23 Việt Nam toàn thắng các trận đấu còn lại tại vòng bảng và thể hiện trình độ vượt trội trước các đối thủ. Những tài năng trẻ như tiền vệ cánh trái Phan Văn Tài Em, hậu vệ phải Nguyễn Minh Phương, hậu vệ cánh trái Lê Văn Trương, tiền đạo Phan Thanh Bình, cặp sen đầm trung tuyến Quốc Vượng-Hữu Thắng cũng nhanh chóng thể hiện được năng lực.
Bùng nổ trước Malaysia
Đến trận bán kết đụng độ U23 Malaysia, đương kim á quân đồng thời đã đánh bại U23 Việt Nam tại kỳ SEA Games trước đó, Văn Quyến lại tỏa sáng rực rỡ và đem người hâm mộ đến những phút giây diệu vợi. Quốc Vượng là tác giả bàn thắng mở tỷ số với cú sút xa đẹp mắt trong hiệp 1. Sang hiệp 2, Văn Quyến bồi cho đối phương bàn thứ hai với pha xử lý gần giống tuyệt phẩm vào lưới Thái Lan.
Lần này Quyến nhận đường chuyền dài vượt tuyến chính xác của Quốc Vượng. Trong thế quay lưng với khung thành, nhịp khống chế rất khéo và quái của “số 10” khiến hậu vệ đối phương trôi tuột. Khoảng trống được mở ra, dù khoảng cách vẫn khá xa nhưng Văn Quyến vẫn tung ra cú sút. Thay vì vung chân găm bóng vào góc xa, anh hơi bẻ chút lòng trong để đưa bóng đi chìm vào góc gần. Thủ thành Malaysia hoàn toàn bị bất ngờ và đổ người không kịp.
Sau khi vượt lên dẫn trước hai bàn, U23 Việt Nam thi đấu có phần chùng xuống và sai lầm trong tình huống ra vào của thủ thành Thế Anh đã tạo nên bàn thắng hy hữu cho Malaysia, khi người ghi bàn là thủ thành Syamsuri với một cú phất bóng. Nhưng rất nhanh chóng, Văn Quyến lại khiến hàng phòng ngự U23 Malaysia tan tác. Lần này là một pha đột phá giữa sân, Quyến dốc bóng vượt qua chốt chặn áo vàng cuối cùng rồi lạnh lùng sửa lòng vào góc xa đánh bại thủ thành đối phương trong tình huống đối mặt.
Tưởng chừng bàn thắng này đã là đòn kết liễu Những chú hổ thì sự hớ hênh của hàng phòng ngự khiến U23 Việt Nam nhận liên tiếp hai bàn thua ở các phút 85 và 87. Nỗi âu lo bắt đầu xuất hiện trên những khuôn mặt người hâm mộ. Nhưng Quyến thì không. Phút bù giờ, cậu bé vàng ngang tàng của bóng đá Việt Nam chạy ra thực hiện quả phạt góc. Một quả tạt như đặt để cạ cứng Thanh Bình thực hiện pha băng cắt đánh đầu lái bóng sở trường. Bóng nằm gọn trong lưới và U23 Việt Nam giành chiến thắng 4-3.
Sự ngạo nghễ và khoảnh khắc rực sáng cuối cùng
Tương tự trận gặp U23 Malaysia, trong trận chung kết với U23 Thái Lan, sai lầm của hàng thủ lại đẩy U23 Việt Nam vào thế khó. Đồng hồ điểm phút 90 và người Thái vẫn dẫn trước 1-0. 1 phút trước, Quốc Vượng bị truất quyền thi đấu. Giấc mơ vàng xem như tắt ngúm. Nhưng một lần nữa, Quyến tỏa sáng đúng lúc.
Một pha lên bóng bên cánh phải, Minh Phương tạt bóng vào vòng cấm, Tài Em thay vì dứt điểm trong vô vọng, bình tĩnh đánh đầu mớm bóng cho Văn Quyến đã di chuyển lùi lại tinh quái như một chú cáo, thoát khỏi sự đeo bám của toàn bộ các bóng áo xanh. Chỉ có một tích-tắc để Quyến vung chân. Một cú vô-lê đập đất điệu nghệ về phía góc xa được tung ra. Lưới tung lên. Cầu trường nổ tung. Máy quay rung lắc. Người Thái thất thần.
Hình ảnh Văn Quyến dang rộng cánh tay như chú chim phượng hoàng sải cánh chao lượn tầng không trở thành khoảnh khắc bất tử của bóng đá Việt Nam. Cho dù bàn thắng ấy không đem về chiến thăng hay hiện thực giấc mơ vàng SEA Games cho bóng đá Việt Nam nhưng anh đã đem đến cho hàng triệu triệu người hâm mộ nước nhà thứ cảm xúc thăng diệu vợi hiếm có trong đời. Hạnh phúc đôi khi là đường đi chứ không phải đích đến.
Nhắc SEA Games, tiếc Văn Quyến
SEA Games 22 chính là thời khắc chói lòa nhất trong sự nghiệp của Văn Quyến. Tài năng của tiền đạo gốc Nghệ An từ lâu đã được đánh giá cao và gắn mác thần đồng, nhưng kỳ đại hội thể thao năm ấy đã khẳng định vị thế tài năng hàng đầu, thậm chí “trăm năm có một” của Quyến trong làng bóng đá nước nhà.
Tiếc thay, thành công đến quá sớm đã dung dường cho tính khí ngang tàn của Cậu bé vàng trở thành sự ngỗ ngược. Để rồi 2 năm sau, cũng tại một kỳ SEA Games, Quyến nhúng chàm và trả giá. Cánh phượng hoàng từ đó thôi không sải cánh trên những tầng không cao vút và tỏa ra ánh sáng rực rỡ. Cánh phượng hoàng ấy chỉ thi thoảng vỗ cánh thi triển tuyệt kỹ thiên bẩm và khiến người hâm mộ ngậm ngùi tiếc nhớ và phải thốt lên hai chữ “giá như”.
Cuộc đời không có “giá như” nhưng Văn Quyến chính là bài học cho các thế hệ sau này tự răn để nỗ lực hết mình cho sự nghiệp và màu cờ sắc áo. Còn đối với người hâm mộ, vết sẹo nào cũng liền da còn Văn Quyến mãi mãi được lưu giữ trong ký ức như Cậu bé vàng đã đem đến cho người hâm mộ những khoảnh khắc diệu vợi có một không hai, như người Argentina trân quý Maradona, như người Italia yêu mến Roberto Baggio, những tài năng thiên bẩm nhưng cái tôi quá lớn để rồi chịu những nghiệt ngã số phận.