Vẫn xa mốc 80 USD/thùng, giá xăng dầu thế giới biến động trái chiều

Vẫn xa mốc 80 USD/thùng, giá xăng dầu thế giới biến động trái chiều

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 3, 26/12/2023 16:27

Giá xăng dầu thế giới có sự biến động trái chiều, nếu như giá dầu WTI tăng lên thì giá dầu Brent lại giảm xuống.

Hôm nay (26/12/2023) giá dầu WTI là 73,87 USD/thùng, tăng 0,42% (tương đương tăng 0,31 USD). Bên cạnh đó, giá dầu Brent là 79,07 USD/thùng, giảm 0,40% (tương đương giảm 0,32 USD), cập nhật sáng ngày 26/12/2023 (theo giờ Việt Nam). 

Từ đầu tuần trước, giá dầu có sự khởi sắc (tăng gần 1%) bởi sự suy giảm của đồng USD. Sau đó là chuỗi ngày tăng giá liên tiếp vì những lo lắng về sự gián đoạn thương mại toàn cầu và căng thẳng ở Trung Đông. Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch cuối tuần, cả hai loại dầu thô đều suy giảm, xuống dưới 80 USD/thùng. Theo Reuters, giá dầu giảm do kỳ vọng Angola có thể tăng sản lượng sau khi rời OPEC.

Theo Hà Nội Mới, các nước có kỳ nghỉ lễ Giáng sinh kéo dài, giá dầu giữ nguyên, không biến động. Vào kì nghỉ lễ, các văn phòng chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp cũng như trường học tại Mỹ sẽ đóng cửa.

Ở châu Phi, quyết định rời Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) của Angola có thể mở đường cho Bắc Kinh tăng cường đầu tư vào dầu mỏ và các lĩnh vực khác của nước này.

Tại Trung Đông, nhiều hãng vận tải hàng hải cho biết họ đang tránh Biển Đỏ vì các cuộc tấn công vào các tàu do nhóm chiến binh Houthi (được Iran hậu thuẫn) thực hiện. Nhóm này cho biết họ đang đáp trả cuộc chiến của Israel ở Gaza. Các cuộc tấn công đã gây ra sự gián đoạn qua kênh đào Suez, nơi xử lý khoảng 12% thương mại thế giới.

Kinh tế vĩ mô - Vẫn xa mốc 80 USD/thùng, giá xăng dầu thế giới biến động trái chiều

Ảnh minh họa.

Theo Kinh tế & Đô thị, nhìn lại thị trường dầu năm 2023, có thể thấy giá dầu khá biến động. Euronews cho biết, việc cắt giảm sản lượng kéo dài của OPEC+ khiến thị trường phản ứng tích cực và giá dầu tăng.

Cụ thể, hồi tháng 4, nhóm này đã công bố cắt giảm bổ sung 1,65 triệu thùng/ngày, dựa trên mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày đã thỏa thuận hồi tháng 10 năm ngoái. Điều này có nghĩa là OPEC+ cắt giảm khoảng 3,65 triệu thùng/ngày, tương đương với khoảng 3% nhu cầu dầu toàn cầu.

Giá dầu tiếp tục tăng khi tháng 6, Saudi Arabia, 1 trong 3 nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, tình nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày “với mục đích hỗ trợ sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ”. Giá dầu đạt đỉnh 97 USD/thùng, tăng 25%.

Đáng chú ý, tại cuộc họp cuối tháng 11 vừa qua, OPEC+ cũng đã đồng ý gia hạn cắt giảm đến hết quý I/2024. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc tiếp tục cản trở bất kỳ đợt tăng giá dầu bền vững nào.

Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng ghi nhận tình trạng suy thoái kinh tế với nhu cầu dầu ở Đức giảm 90.000 thùng/ngày trong năm 2023. Hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm trong 13 tháng liên tiếp. Trong khi đó, xung đột ở Trung Đông có tác động không đáng kể đến giá dầu. Giá dầu trong năm đã có đợt giảm giá khủng 7 tuần liên tiếp trong nửa cuối năm và 2 tuần vừa qua mới phục hồi trở lại.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trong năm tới, 1,1 triệu thùng/ngày, trong khi OPEC cho rằng nhu cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày. Theo các nhà phân tích, mặc dù OPEC cắt giảm sản lượng trong quý I/2024 nhưng nguồn cung trong năm sẽ vẫn dồi dào bởi nguồn cung ổn định từ Brazil, Guyana, Na Uy và Canada và sản lượng tăng từ Mỹ.

Đã có những ý kiến cho rằng giá dầu có thể chạm “đỉnh” 100 USD/thùng trong năm 2024, nhưng nếu không có điểm nóng chính trị, khả năng này gần như bằng 0. Theo Goldman Sachs, năm tới, trung bình giá dầu Brent sẽ đạt 80 - 81 USD/thùng. IEA dự đoán giá dầu Brent ở mức 82,57 USD/thùng.

Barclays dự báo giá dầu trung bình là 93 USD/thùng, trong khi S&P Global cho rằng 85 USD/thùng là phù hợp. Theo Euronews, bước vào năm 2024, các chỉ số kinh tế toàn cầu có vẻ không mấy khả quan và khả năng xảy ra suy thoái, bất chấp những gợi ý về việc hạ cánh mềm, vẫn rất cao. Như vậy, giá dầu năm 2024 sẽ có nhiều tiềm năng giảm giá hơn là tăng giá.

Trở lại tình hình giá dầu tuần trước. Giá dầu đã giảm ở 2 phiên giao dịch cuối khi Angola quyết định bỏ tư cách thành viên OPEC. Dự trữ xăng, dầu của Mỹ tăng cũng là yếu tố đẩy giá dầu lao dốc. Tuy nhiên, tính cả tuần, giá dầu tuần trước vẫn ghi nhận thêm 1 tuần tăng giá với mức tăng gấp 3 lần so với mức tăng của tuần trước đó.

Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), tại kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Trích lập Quỹ BOG đối với dầu madút, không trích Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu điêzen và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 37 lần điều chỉnh, trong đó có 21 lần tăng, 13 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 26/12 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 21.199 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 22.145 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 19.524 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 20.494 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 15.265 đồng/kg.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.