Ngày 9/6, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp giữ nguyên ở mức 74,98 triệu đồng/lượng mua vào, 76,98 triệu đồng/lượng bán ra. So với cuối tuần trước, giá vàng SJC đã "bốc hơi" thêm gần 6 triệu đồng/lượng.
Hiện giá vàng miếng SJC đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 1 đến nay, sau khi giảm hơn 15 triệu đồng/lượng từ mức đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng thiết lập hồi giữa tháng 5.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng chốt tuần giao dịch ở mức 2.292 USD/ounce sau khi bị bán tháo và rớt khoảng 90 USD/ounce (tương đương hơn 2,7 triệu đồng/lượng) trong phiên cuối tuần (7/6).
Thị trường vàng thế giới tuần qua liên tiếp đón nhận các dữ liệu quan trọng khiến giá liên tục đảo chiều. Đáng chú ý, trong ngày giao dịch cuối của tuần, thị trường hứng chịu 2 cú sốc khiến giá liên tục “lao dốc”.
Chỉ trong 1 ngày, vàng đã mất hơn 3,5%, đánh dấu đợt bán tháo trong ngày lớn nhất kể từ năm 2020. Trong bối cảnh hiện tại, hầu hết các nhà phân tích cho rằng, giá vàng có thể sẽ kiểm tra mức hỗ trợ 2.200 USD/ounce.
Vàng thế giới bị bán tháo sau thông tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) dừng mua vàng sau 18 tháng liên tục gia tăng số lượng vàng dự trữ.
Diễn biến này khiến giới phân tích lo ngại đà giảm vẫn sẽ tiếp tục trong tuần tới. Theo kết quả khảo sát về xu hướng giá vàng của Kitco ở Phố Wall, có 18 chuyên gia phân tích trả lời, trong đó 11% cho rằng giá vàng tăng trở lại nhưng có tới 61% nhận định giá vàng sẽ giảm tiếp, chỉ 28% ý kiến dự đoán giá vàng đi ngang.
Tại cuộc khảo sát trực tuyến ở Main Street, các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan hơn khi 184 người trả lời, trong đó 58% ý kiến kỳ vọng giá vàng sẽ tăng trở lại, 18% dự đoán giá vàng giảm và 24% còn lại cho rằng giá vàng đi ngang.
Theo giới phân tích, không chỉ thông tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngừng mua vàng khiến nhà đầu tư lo ngại chu kỳ tăng giá của vàng bị lung lay. Những dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ như báo cáo việc làm cho thấy lượng việc làm mới tạo ra vượt dự báo cũng khiến vàng bị tác động.
Mặc dù dữ liệu việc làm vừa qua có thể sẽ đẩy giá vàng xuống thấp hơn nữa trong ngắn hạn, nhưng một số ý kiến lạc quan rằng, kim loại quý này có thể tìm thấy động lực trong tuần tới khi mối quan tâm của giới đầu tư sẽ chuyển sang dữ liệu lạm phát cùng với diễn biến tại cuộc họp chính sách tiền tệ của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC).
Chủ tịch Kevin Grady của Phoenix Futures and Options cho rằng Báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ là chìa khóa để biết hướng đi của vàng trong ngắn hạn. Theo đó, một báo cáo CPI yếu có thể thay đổi kỳ vọng lãi suất hiện tại và kích hoạt một đợt phục hồi trên thị trường vàng. Ngược lại, lạm phát tăng nóng sẽ củng cố khả năng FED sẽ trì hoãn việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Kịch bản đó sẽ tiếp tục tạo áp lực và khiến vàng phải hứng chịu mất mát hơn nữa.
Ngoài báo cáo lạm phát, thị trường cũng đặc biệt quan tâm đến diễn biến và quyết định lãi suất của FED tại cuộc họp chính sách vào tuần tới cùng với phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell tại cuộc họp báo diễn ra sau đó.
Hiện tại, thị trường dường như chắc chắn rằng FED sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp lần này. Các chuyên gia cho rằng sẽ không có nhiều điều bất ngờ liên quan thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, theo Grady, có khả năng các quan chức FED sẽ thảo luận việc tăng mục tiêu lạm phát lên 3% bởi việc cắt giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại không phải là bước đi khôn ngoan.
Với giá vàng trong nước ổn định và giá vàng thế giới neo ở mức 2.292,6 USD/ounce (tương đương gần 70,4 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 6,58 triệu đồng/lượng.
Khánh Linh (t/h)