|
Kiều Trinh nhận Quả bóng vàng Việt Nam 2012. |
Lần thứ hai liên tiếp, Kiều Trinh là Quả bóng vàng Việt Nam. Không như lần trước cô khóc nức nở trong lễ trao giải, lần này Kiều Trinh đã kiềm chế cảm xúc của mình. Lý do không phải danh hiệu cao quý đã trở thành quá quen thuộc với thủ môn người Đồng Tháp, cũng chẳng phải phần thưởng đến dễ dàng, khi Kiều Trinh vượt xa các “đối thủ” về số phiều bình chọn. Lần thứ hai nhận Quả bóng vàng, Kiều Trinh cảm nhận rõ sự ghi nhận với bóng đá nữ không phải lúc nào cũng trang trọng và trọn vẹn như thế. Hỏi Trinh có điều ước gì, cô gái này tủm tỉm: “Em chỉ mong những người đồng nghiệp nữ, những đồng đội của mình, cũng được hạnh phúc như vậy”.
So với các đồng nghiệp nam, bóng đá nữ 2012 ghi được những dấu ấn đậm nét. Chức vô địch Đông Nam Á là thành quả ngọt ngào của thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc sau những nỗ lực không mệt mỏi. Chức vô địch đó cũng giúp Kiều Trinh được bầu là thủ môn xuất sắc khu vực. Đây là lần đầu tiên AFF tổ chức vinh danh cầu thủ nữ nên không chỉ Kiều Trinh, mà cả bóng đá Việt Nam cũng được thơm lây.
Đặng Thị Kiều Trinh không còn xa lạ với những người yêu bóng đá nữ Việt Nam. Cô là một trong những cầu thủ của thế hệ vàng còn sót lại. Dù ở tuổi băm, Kiều Trinh càng thi đấu càng vững vàng, trở thành chốt chặn an toàn, là thủ lĩnh cả về chuyên môn lẫn tinh thần của đội.
Hai HC vàng SEA Games 2005 và 2009, nhiều chức vô địch Đông Nam Á, thủ môn xuất sắc khu vực và hai Quả bóng vàng Việt Nam là những thành tích mơ ước với nhiều cầu thủ. Tuy nhiên với Trinh, chỉ khi nào cô không thể bay nhảy được nữa, khát khao thành tích mới dừng lại.
“Một khi đã quyết tâm theo đuổi đam mê thì phải nỗ lực hết mình. Với tôi, chỉ khi nào không còn sức đứng trước khung thành nữa, khi đó mới nghỉ bóng đá”, Kiều Trinh tâm sự.
Gần 15 năm theo nghiệp bóng đá, Kiều Trinh từ một cô bé nhút nhát xin thi tuyển vào đội bóng nữ thành phố, giờ đã là “người gác đền” không thể thay thế ở CLB TP HCM cũng như trên tuyển. Trong 15 năm ấy, bóng đá đã mang đến cho Kiều Trinh thật nhiều, nhưng cũng lấy của cô không ít. Nói như Kiều Trinh, đã theo nghiệp bóng đá là phải xác định có sự đánh đổi lớn. Cô được theo đuổi niềm đam mê, được tung hô sau những chiến thắng, nhưng đằng sau những niềm hạnh phúc, hào quang ít ỏi đó là cả một sự hy sinh.
“Những đồng đội cũ năm xưa hầu như giải nghệ cả, đa số lập gia đình có con cái. Còn mình giờ vẫn phòng không, bình thường không sao, nhưng những dịp lễ, Tết hay mùng 8/3 tủi thân lắm”, Kiều Trinh nói.
Các cô gái đá bóng luôn chịu thiệt thòi so với các đồng nghiệp nam. |
Kể về những cực khổ, sự thiệt thòi của Kiều Trinh cũng như bóng đá nữ, có lẽ nói cả ngày cũng không hết. Bởi vậy, không chỉ giành được nhiều vinh quang về cho đất nước, mà sự vươn lên trong gian khổ là những điều cần được ghi nhận nhất với Kiều Trinh và các đồng đội.
Trong đêm nhận giải Quả bóng vàng, Kiều Trinh đã mơ bóng đá nữ Việt Nam sẽ giành vé tham dự World Cup 2015. Cô cũng có một giấc mơ khác nhỏ hơn mà không kém ý nghĩa là bóng đá nữ được quan hơn về mọi mặt, các cầu thủ đều sống được với nghề. Gần 15 năm theo nghiệp bóng đá, Kiều Trinh hiểu được những khát khao đó của bóng đá nữ.
Bóng đá nữ 1-2 năm gần đây đã được VFF quan tâm hơn nhưng so với bóng đá nam vẫn là một trời một vực. VFF đang mơ tới chiếc vé tham dự vòng chung kết World Cup 2015, tức là chỉ còn chưa đầy hai năm nữa. Vậy mà ở thời điểm này, mọi thứ vẫn không có nhiều thay đổi. Các cô gái đã đổ nhiều mồ hôi, công sức cho bóng đá Việt Nam và họ tiếp tục nỗ lực để hiện thực hóa giấc mơ World Cup, nhưng thử hỏi có cầu thủ nào cảm thấy hạnh phúc hay hài lòng với những chế độ đãi ngộ trên tuyển. Ngay cả đến Kiều Trinh, nhiều giải thưởng là thế nhưng cũng chỉ đủ gửi chút tiền về cho bố mẹ sửa sang nhà cửa, chứ nói gì đến những cầu thủ trẻ.
Theo Ngoisao.net