Mỹ bất ngờ công bố số lượng việc làm tháng 9 tăng đột biến
Vài tuần gần đây, giá vàng thế giới trải qua những đợt tăng giá chưa từng có, liên tục lập kỷ lục và đạt đỉnh lịch sử tại mức giá 2.685 USD/ounce cách đây hai tuần. Nhưng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, giá vàng lại có dấu hiệu đi xuống, hiện giao dịch quanh mức 2.640 USD/ounce.
Mới đây, Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố lượng việc làm mới được tạo ra trong khu vực phi nông nghiệp tháng 9 đạt 254.000 công việc, vượt xa con số dự báo 150.000.
Đây sẽ là yếu tố cản trở chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed. Việc Mỹ bất ngờ công bố số lượng việc làm tháng 9 tăng đột biến và thị trường vàng đã bị mua quá mức là những tín hiệu xấu cho giá vàng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, sau khi có tin tức cho biết Hezbollah muốn thảo luận về lệnh ngừng bắn với Israel cũng khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, chạm mức thấp nhất trong 3 tuần qua.
Ngày 8/10, một quan chức cấp cao của Hezbollah đã bày tỏ ủng hộ nỗ lực hướng tới lệnh ngừng bắn của giới chức Lebanon, song vẫn tiếp tục chiến đấu nếu Israel không dừng chiến dịch.
"Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực chính trị mà Chủ tịch Quốc hội Lebanon Nabih Berri đang thực hiện nhằm hướng tới lệnh ngừng bắn", Naim Qassem - phó thủ lĩnh Hezbollah nói trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, theo Lao động.
Đây là lần đầu tiên Hezbollah không đề cập đến việc chấm dứt xung đột ở Gaza như điều kiện tiên quyết để ngừng giao tranh ở biên giới Lebanon - Israel. Hiện không rõ đây có phải dấu hiệu Hezbollah thay đổi lập trường hay không.
"Một khi đạt được lệnh ngừng bắn, các vấn đề khác sẽ được xem xét theo con đường ngoại giao" - Qassem nói. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu Israel tiếp tục cuộc chiến, "chiến trường sẽ là nơi quyết định vấn đề".
Ông Berri là đồng minh của Hezbollah trên chính trường Lebanon. Hồi cuối tháng 9, ông từng tham vấn với nhóm về đề xuất lệnh ngừng bắn kéo dài 21 ngày nhưng ý tưởng này đã sụp đổ. Thủ tướng Lebanon Najib Mikati vẫn nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah, tách biệt với các nỗ lực hướng tới hòa bình cho Gaza.
Không chỉ có vàng, tin tức về Hezbollah đã "nhấn chìm" thị trường dầu thô - mặt hàng vốn có quan hệ mật thiết với kim loại quý. Giá dầu thô Nymex giảm khoảng 3,75 USD/thùng xuống còn 73,5 USD/thùng.
Trong khi đó chỉ USD tăng lên. Ghi nhận lúc 0h45 ngày 9.10, chỉ số US Dollar Index đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt ở ngưỡng 102,320 điểm. Trong khi đó lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm hiện ở mức 4,028%. Hai yếu tố này góp phần đẩy thị trường kim loại quý đi xuống.
Thêm vào đó chỉ số chứng khoán Mỹ cũng đang tăng giá. Đây cũng là tin tiêu cực cho thị trường kim loại quý.
Ngoài ra, bản tóm tắt kinh tế được mong đợi từ Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc hôm thứ Ba "làm thị trường thất vọng, không đưa ra nhiều biện pháp kích thích mới" - theo công ty môi giới SP Angel. Tin tức đó đã thúc đẩy các đợt bán ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, với chỉ số Hang Seng giảm gần 10% và là mức lỗ lớn nhất trong một ngày trong gần hai năm.
Đồng thời, một tin bất lợi nữa cho vàng là khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) quyết định không bổ sung thêm kim loại quý vào dự trữ trong tháng 9, kéo dài chuỗi 5 tháng liên tiếp không mua vào.
Thị trường vàng đang rơi vào thế “khó thở”
Thời gian tới, nhiều dự báo cho hay giá vàng sẽ còn giảm tiếp. Marc Chandler, Giám đốc điều hành của Bannockburn Global Forex, nhận định rằng báo cáo việc làm vừa công bố có thể khiến giá vàng mất ngưỡng 2.600 USD/ounce.
Trong khi đó, Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích cao cấp tại FXTM cho rằng, giá vàng có thể dao động trong khoảng 2.630-2.675 USD/ounce.
Bà Carley Garner, đồng sáng lập Công ty Môi giới DeCarley Trading, phân tích, điều đáng lo ngại nhất đối với thị trường vàng là người mua vào đang bị cạn kiệt. Theo bà, hai tuần trước, giá vàng liên tục thiết lập kỷ lục, người mua vào gần quá mức khiến những phiên giao dịch gần đây khá trầm lắng.
Bà Garner nhận thấy, thị trường vàng đang rơi vào thế “khó thở”, không có dư địa tăng giá khi thiếu đi người mua vào để kích thích giao dịch. Trong khi đó, lượng bán ra rất ít bởi họ khó có thể chấp nhận bán ra với giá thấp hơn khi mua vào ở mức giá đỉnh.
Do đó, vàng đang có nguy cơ giảm mạnh nếu thị trường chứng kiến hoạt động bán tháo của nhà đầu tư.
Trên thị trường, các nhà phân tích dự báo, giá vàng sẽ giảm khá đáng kể trong tháng 10 này. Ngoài ra, tháng 11 có nhiều sự xáo trộn khó lường trước thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ. Khuyến cáo đưa ra là nhà đầu tư hãy thận trọng, cần giảm rủi ro và mức độ tiếp xúc với vàng trước cuộc bầu cử.
Dẫu vậy, một số chuyên gia lại nhìn nhận, thị trường vàng còn nhiều yếu tố tăng giá. Brian Lan, chuyên gia tại GoldSilver Central, cho rằng căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Giá vàng có thể sẽ tăng lên mức cao kỷ lục mới.
Ông Jesse Colombo, nhà phân tích độc lập, dự đoán giá vàng sẽ dao động trong khoảng 2.650-2.700 USD/ounce. Ông nhấn mạnh, bất kỳ đợt điều chỉnh nào đều là cơ hội mua vàng.
Sáng 9/10, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.619,3 USD/ounce, giảm 23,7 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 12/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.638,5 USD/ounce. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức gần 79,8 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 5,2 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Tại thị trường trong nước, giá vàng vẫn tiếp tục tăng trong nhiều phiên gần đây. Vàng miếng SJC đang được niêm yết ở mức 85 triệu đồng/lượng (bán ra) sau khi tăng 1 triệu vào sáng qua. Vàng nhẫn đang neo trên đỉnh lịch sử 83,6 triệu đồng/lượng và trong xu thế tăng, có thời điểm bám sát giá vàng miếng SJC.
KHÁNH LINH (t/h)