Về nội đón Tết, từ 29 đến mùng 2 chỉ biết chôn chân trong bếp. Ngày 3 bữa cơm thắp hương, đủ loại luộc-rang-xào-rán-canh-kho-nộm. Nào sườn rang riềng, thịt nấu đông, giò xào, nào thì nộm gà, cá kho, nem rán, măng miến mọc, v.v... Cả nhà ăn uống no say xong xuôi mình dâu lại quay ngược lại con đường xuống bếp… rửa bát.
Sáng, trưa, chiều luẩn quẩn trong bếp, tối đến dọn dẹp xong đâu đấy mới có tí thời gian gọi là… bóp chân.
Đêm khuya tĩnh mịch, lẫn trong tiếng ngáy đều đều của mẹ chồng, tiếng ngáy o o của đức ông chồng là tiếng lòng thổn thức của những nàng dâu kém may.
Mấy năm nay người ta rộ lên trào lưu "ăn Tết ngoại". Tôi đồ rằng, người khởi xướng cho trào lưu này hẳn là những nàng dâu kém may như thế. Cái lý lẽ cho rằng nội-ngoại bình đẳng có lẽ chỉ là lớp vỏ cho cái nhân thực sự bên trong. Sự cam chịu trong vất vả lo toan bao năm qua của các chị mới là nguyên cớ cho sự trỗi dậy của ngày hôm nay.
Tết nhất, chỉ thấy mấy thiếu nữ tô son trát phấn, áo dài, váy hoa xúng xính ra đường chứ thử hỏi được mấy chị phụ nữ thảnh thơi đúng nghĩa đi chơi Tết. Có chăng cũng là sấp sấp ngửa ngửa “chạy show” mỗi nhà một tí gọi là rồi còn về… làm cơm cúng. May mắn còn có người đỡ đần chứ không may thì cứ xác định là tự thân vận động. Nào dọn dẹp nhà cửa, nào con cái, cơm nước, bát đũa, khách khứa. Cả năm làm việc vất vả, ngày Tết lại vất vả hơn, thử hỏi có ai còn muốn làm dâu ngày Tết?
Đối lập với bức tranh Tết Nội ấy là bức tranh có tên Tết Ngoại.
Về với bố mẹ, được thông cảm, được bao dung, được vị tha nên chị em được ngủ thêm một ít, được nghỉ thêm một ít, đỡ phải làm thêm một ít và vì thế mà Tết có ý nghĩa thêm nhiều.
Thay vì dậy sớm cơm canh đàng hoàng thắp hương thì các chị được ngủ thêm một tí khỏi lo ai la rầy. Thay vì 3 bữa cơm cúng là 2 bữa gói gọn. Thay vì ở nhà tiếp khách là du xuân vãn cảnh quê hương. Thay vì một thân một mình dọn dẹp thì nay đã có mẹ ra tay giúp đỡ.
Thử hỏi vui vẻ, hoan hỷ như vậy thì có ai không muốn ăn Tết Ngoại?
Mọi thứ đều có lý do của nó. Trào lưu Ăn Tết Ngoại có lẽ cũng bắt nguồn từ nguyên cớ sâu xa ấy. Ngày Tết, giá như mẹ chồng cũng tâm lý như mẹ đẻ, bố chồng cũng thông cảm như bố đẻ, chồng cũng như vợ, mỗi người một tay xăm xắn chăm lo việc nhà thì có lẽ các nàng dâu cũng chẳng tới mức đòi về Ngoại ăn Tết làm chi cho phiền.
Tết sum vầy, Tết đoàn viên là có thật nhưng Tết sẽ chỉ thực sự vui, trọn vẹn vui khi mỗi thành viên trong gia đình biết sẻ chia, biết thấu hiểu cho nhau. Có câu ‘Vui như Tết’ vậy nên xin hãy cho các nàng dâu những mùa Tết vui.
Ký tên
Một nàng dâu sắp may