Tuổi thơ bất hạnh
Lê Minh Sơn (19 tuổi, thường tại ấp Mỹ Khánh, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) là kết quả của một mối tình trẻ con. Khi Sơn vừa ra đời, cha cậu đã đi biệt không một lời từ giã. Người phụ nữ mới sinh ngồi ôm con chỉ biết buồn rầu và khóc khi nghĩ về tương lai của mình. Trong đêm vắng khi Sơn mới được 15 ngày tuổi, mẹ cậu cũng bỏ đi. Cậu bé Sơn lúc đó chỉ biết nằm khóc vặt vẹo trong căn chòi vắng. Sáng hôm sau, người dân xung quanh nghe tiếng trẻ con khóc quá não nùng nên vào xem. Lúc này mọi người mới biết rằng, mẹ đứa trẻ đã cuốn gói hết áo quần đi từ lúc nào không hay. Thấy hoàn cảnh đáng thương của đứa bé mới sinh, một cặp vợ chồng đã bồng về nuôi và cái tên Lê Minh Sơn là bố mẹ nuôi đặt cho.
Bị cáo Lê Minh Sơn.
Sơn được đôi vợ chồng tốt bụng nọ chăm sóc, nuôi dưỡng như chính con ruột của mình. Cậu cũng xem hai người này như chính cha mẹ ruột. Cứ tưởng rằng, cuộc sống của cậu bé bất hạnh sẽ được hạnh phúc mãi từ đây. Thế nhưng, khi Sơn lên năm tuổi, cha mẹ nuôi bỗng gặp một tai nạn và tử vong. Thế là từ đó, cậu lại trở thành một đứa trẻ bơ vơ. Năm tuổi, những đứa trẻ khác vẫn còn yên ấm trong vòng tay của cha mẹ nhưng đúng vào độ tuổi đó, Sơn lại chịu đựng quá nhiều bất hạnh. Không có người nuôi, hàng ngày, cậu bé Sơn chân trần lê bước đến các khu chợ để xin ăn. Những bữa cơm lót dạ, những đêm dài không nhà cửa cứ thế trôi qua cùng tuổi thơ của Sơn.
Chị Lê Thị Thùy Linh, chủ quán Ngọc Giang (tổ 10, ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), hàng ngày đi chợ, thấy đứa trẻ còn quá nhỏ mà phải bươn chải với cuộc sống nên thương cảm và đưa về nuôi. Chị mua áo quần, sắm sửa mọi thứ cho Sơn. Chị không bắt Sơn làm bất cứ việc gì chỉ yêu cầu một điều là phải đi học. Chị Linh cho rằng, đối với một đứa trẻ bất hạnh, chỉ có việc học hành mới có thể đưa cuộc sống của nó vui trở lại. Chị thầm nguyện, cưu mang Sơn để tích đức cho con cháu về sau.
Hàng ngày, Sơn đi học, tối về nhà lại được chị Linh kèm cặp. Nhiều người nhìn vào cũng thấy vui cho đứa trẻ bất hạnh. Thế nhưng, chính Sơn không biết nắm giữ hạnh phúc của mình đang có. Khi lên lớp năm, Sơn xin chị Linh nghỉ học chỉ với một lý do: "Bạn bè bảo con là đồ mồ côi". Sơn không đi học, chị Linh giận lắm. Nhiều đêm, trằn trọc, nghĩ đến việc làm sao khuyên Sơn trở lại trường, nhưng cuối cùng chị cũng đành chấp nhận sự thực, Sơn không muốn đi học nữa. Chị quyết định, nếu Sơn không đi học và vẫn muốn ở với mình thì phải lao động. Bởi theo chị Linh, nếu cứ để Sơn lang thang không có công ăn việc làm sẽ dễ dàng bị bạn bè xấu lôi kéo.
Thời gian trôi qua, Sơn vẫn ở cùng gia đình chị Linh và làm việc trong quán của chị, được trả lương đàng hoàng. Thế nhưng, với lòng tham của mình, năm 16 tuổi, Sơn đã "thó" tài sản của một người hàng xóm. UBND thành phố Long Xuyên đưa Sơn vào trường Giáo Dưỡng 2 với hành vi trộm cắp tài sản. Khi ra trường, chị Linh lại một lần nữa muốn Sơn làm lại cuộc đời nên vẫn nhận vào làm với mức lương cũ.
Tên cướp kì dị
Khoảng 11h đêm ngày 5/4/2012, sau khi quán Ngọc Giang đóng cửa, Sơn dọn dẹp tất cả mọi thứ. Lúc này, hắn nghe tiếng gà gáy ở dưới chiếc trẹt (một loại đò làm bằng gỗ, thường có bề ngang 3 m, dài 8 m, để đưa khách sang sông) ở dưới bờ sông gần đó. Đột nhiên Sơn bỗng nhiên cảm thấy thèm thịt gà ghê gớm nên nảy sinh ý định đến chỗ có tiếng gà rồi bắt trộm về làm thịt ăn. Nghĩ là làm, Sơn lẻn trong đêm tối đến chiếc trẹt đậu ở bờ sông và hỏi vọng xuống: "Có ai dưới trẹt không?". Đèn vẫn mập mờ, nhưng không có tiếng ai cất lời, cho rằng không có ai nên Sơn liền nhảy xuống định đến ôm con gà nằm ở đầu mũi trẹt. Tuy nhiên, khi chưa đến chỗ con gà thì hắn đã dẫm vào chân anh Nguyễn Thanh Hùng, là người làm thuê đang ngủ ở đây. Anh Hùng bị đạp ở chân liền kêu lớn: "Ai đó". Sơn hốt hoảng trong chốc lát rồi lấy bình tĩnh bảo: "Tôi đây, có cơm không?". Anh Hùng nhận ra tiếng người quen nên bảo cơm ở dưới mui trẹt. Vừa nói dứt lời, anh Hùng vội kéo chiếc mùng sang và ngồi dậy nhìn theo.
Sơn đi được vài bước, trong ánh đèn leo lắt, hắn thấy có một chiếc điện thoại nokia của anh Hùng đặt ở trên gối nên nhanh chóng cúi xuống nhặt lên. Hắn nhanh mắt phát hiện có một chiếc con dao trong tầm tay liền chộp lấy, đưa thẳng vào người anh Hùng lên giọng: "Cây dao này chắc đâm ông không thủng đâu?". Anh Hùng đang run rẩy lo sợ thì Sơn liền ra lệnh đưa hết tiền bạc cho mình. An Hùng bảo mình là người làm thuê làm gì có tiền nhưng Sơn không tin nên kề dao cận cổ anh Hùng, lục túi và lấy được 1.825.000 đồng.
Lấy được tiền, Sơn định nhảy lên bờ thì vợ anh Hùng ngồi cạnh bên liền ngồi dậy níu chân lại. Sơn lấy chân đạp thật mạnh khiến tay vợ anh Hùng bị tuột. Hắn ngồi xuống lăm lăm dao trước mặt bảo "nếu hai vợ chồng mày mà còn thế thì đừng trách tao". Chưa hết, để hăm dọa vợ chồng anh Hùng, Sơn giả vờ lấy điện thoại bấm và nói như ra lệnh: "Cu Hoàng đó hả, mày bơi xuồng ra đây cướp gạo, thằng nào chống cự bắn nó cho tao!".
Cứ ngỡ tên cướp có đồng bọn, anh Hùng xuống giọng bảo: "Tôi chỉ là người làm thuê, mất đồ đạc tôi phải bồi thường cho chủ". Sơn quay sang anh Hùng, tay cầm dao gõ gõ vào mũi trẹt và quát: "Ông cầm con gà này theo tôi lên bờ đi về nhà luôn". Thấy tên cướp mặt lạnh lùng và đằng đằng sát khí, nhất là việc hắn gọi điện thoại kêu đồng bọn đến, anh Hùng phải làm theo lời tên cướp là ôm con gà đi theo lên bờ.
Trên đường đi, anh Hùng nói với tên cướp như van xin: "Nhà tôi nghèo lắm, vợ tôi đang bệnh nặng, tôi đi làm thuê kiếm tiền nuôi vợ con, chú cho tôi xin lại tiền để lo thuốc thang cho vợ". Nghe vậy, tên cướp cũng động lòng và trả lại một ít. "200 ngàn đây!". Tên cướp vừa nói vừa thò tay vào túi lấy cọc tiền vừa cướp được ra đưa cho anh Hùng và bảo: "100 ngàn đi xe, 50 ngàn bao đò, còn 50 ngàn uống cà phê, đưa cho ông hết còn đâu tôi chích". Nói rồi, hắn giật lấy con gà và đuổi anh Hùng đi về. Sơn mang con gà về quán Ngọc Giang làm thịt như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Cùng lúc này, vợ chồng anh Hùng đến công an báo. Nhận được thông tin, công an đến bắt khi Sơn đang vặt lông con gà.
Mới đây, TAND tỉnh An Giang đã mở phiên tòa lưu động tại trụ sở UBND xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang xét xử Lê Minh Sơn về tội "Cướp tài sản". Đến dự phiên tòa, có cả trăm người dân đến xem. Đứng trước tòa, Sơn trả lời một cách tỉnh queo về hành động của mình. Hắn bảo chỉ vì nghe tiếng gà gáy, nên thèm thịt gà và định bắt trộm về làm thịt ăn. Tuy nhiên, khi vào đến trẹt, không để ý có người nên mới đạp vào chân anh Hùng. Nghe đến đây, vị chủ tọa liền hỏi: "Vậy tại sao bị cáo lại cướp tài sản". Không cần suy nghĩ, Sơn bình tĩnh bảo: “Chỉ vì lúc đó thấy chiếc điện thoại, nảy lòng tham nên mới làm vậy”. Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận thấy hành động của Sơn nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, nhận thấy thân nhân bất hạnh cùng với sự thành khẩn khai báo, tòa tuyên phạt Sơn 4 năm 6 tháng tù giam về tội cướp tài sản.
"Anh hùng rơm" Vị chủ tọa nghe Sơn khai về những điều mình đã làm một cách dửng dưng mà không kìm được sự tức giận. Sơn vẫn thế từ đầu đến cuối. Chỉ đến khi vị chủ tọa hỏi về nhân thân, nói về tình cảm vô bờ bến của chị Linh dành cho một người không thân thích thì vẻ mặt ương ngạnh của Sơn bỗng nhiên chùng xuống. Một giọt nước mắt rơi trên khóe. Hắn vừa nấc nhẹ vừa nói: "Quả thực, trong những ngày bị bắt, bị cáo đã hối hận rất nhiều. Nhưng lúc ra đến đây, bị cáo cố gắng kìm cảm xúc để khai nhận hành vi của mình. Nhưng bây giờ, chính bị cáo cũng không thể kìm được...". Sơn vừa khóc vừa cho biết, ngay từ nhỏ, mình đã bị cha mẹ bỏ rơi. Cha mẹ nuôi thì cũng đã không còn. Mọi thứ tưởng chừng sụp đổ thì bỗng nhiên lại được lòng tốt của chị Linh cứu giúp. Hắn ân hận về việc mình đã bỏ học. "Nếu ngày đó, bị cáo nghe lời, đi học thì mọi thứ không đến nỗi như bây giờ". Trong phiên tòa hôm ấy, chị Linh không đến nữa nên chỉ có một mình Sơn trong phiên tòa vắng lặng. |
Huy Linh