Tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít những trường hợp cố tình giả điên, bị tâm thần tìm đến bệnh viện nhằm trốn tránh những món nợ tài sản, tiền bạc kếch xù, thậm chí có đại gia nhập viên để "ủ mưu", nhằm thoái bỏ trách nhiệm pháp luật.
Khi "đại gia" tìm tới cửa viện
Có mặt tại khu vực khám chữa bệnh của bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chúng tôi chứng kiến rất nhiều câu chuyện liên quan tới chứng bệnh tâm thần tại đây. Từ những trường hợp ở thể nhẹ như bị rối loạn giấc ngủ, cảm xúc thay đổi bất thường, trạng thái bồn chồn bất an, buồn chán, giảm khả năng tư duy đến các triệu chứng nặng như hoang tưởng, ảo giác, sa sút tâm thần.
Đang mải mê suy nghĩ, tôi bỗng giật mình bởi một bệnh nhân ngây ngây ngô ngô, miệng thì liên tục nói toàn những điều không tưởng khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng giật mình. Chị Nguyễn Thị Hằng, người nhà bệnh nhân Nguyễn Thành T. (trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: "Bệnh nhân T. hàng ngày đến viện điều trị chứng bệnh ảo giác. Cách đây chừng 5 - 6 năm, lúc đó T. chưa đầy 40 tuổi nhưng đã nổi tiếng giàu có nhất, nhì huyện. Ngoài ra, T. cũng là người đứng tên quản lý, sử dụng hàng chục héc ta đất”.
Thế nhưng, ở đời ai biết được chữ ngờ, đang làm ăn phát đạt như vậy, T. hăng hái mua thêm cả một quả đồi trên địa bàn huyện để đầu tư khu du lịch sinh thái nhằm thu hút các đại gia lắm tiền nhiều của du lịch, nghỉ dưỡng. Nghĩ là làm, T. đã bỏ ra cả trăm tỷ đồng đầu tư, biến quả đồi chỉ có đất đá, cây xanh trở thành khu du lịch trù phú.
Để mở rộng kinh doanh, T. tiếp tục vay vốn ngân hàng mở rộng khuôn viên, xây dựng chuỗi nhà hàng khách sạn phục vụ nhu cầu của khách. Đang trong quá trình đầu tư, bỗng nền kinh tế gặp khó khăn, đất cát đảo chiều khiến cho giá trị đầu tư hàng trăm tỷ đồng nay còn lại chỉ bằng 1/3. Quá lo lắng, xót của cải, tiền bạc đầu tư, khiến T. ngày càng mặc cảm, ít nói, có những biểu hiện thất thường. Mới đây, ngân hàng tiếp tục phát thông báo đáo nợ khiến T. phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhưng không "xoay" đủ tiền, T. rơi vào trạng thái hoảng loạn liên miên, ai hỏi cũng không trả lời. Tình trạng này càng nặng nên gia đình hàng ngày cắt cử người thân đưa T. đến bệnh viện điều trị.
Bác sỹ Cao Thanh Tùng, phó giám đốc bệnh viện tâm thần Mai Hương cho biết, hàng ngày bệnh viện điều trị cho hàng trăm lượt bệnh nhân bị các rối loạn về chứng bệnh tâm thần. Đa số những bệnh nhân sau thời gian điều trị đã có những tiến triển tích cực. Không chỉ bệnh nhân T. mà một số bệnh nhân khác có triệu chứng bệnh nặng hơn cũng đang trong quá trình hồi phục. Điều lạ ở chỗ, trong vòng vài ba năm trở lại đây, những trường hợp được coi là đại gia lắm tiền nhiều của bị thua lỗ trong làm ăn tìm đến bệnh viện điều trị ngày càng nhiều.
Bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương
Tương tự trường hợp bệnh nhân T., đó là trường hợp bệnh nhân Cao Đức Tr., trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Theo người nhà ông Tr., ông này trước đây là chủ một doanh nghiệp, có gần 3.000 công nhân chuyên sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác các mỏ đá trải dài từ Bắc vào Nam.
Thị trường xây dựng lao vào tình trạng ảm đạm, cũng là lúc công ty đứng trước bờ vực phá sản. Nợ ngân hàng, nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm... buộc ông chủ doanh nghiệp này phải bán tháo các tài sản với giá rất rẻ nhằm "hạ nhiệt" sức ép của các khoản tài chính.
Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực đó chỉ giúp ông Tr. kéo thêm thời gian vài tháng trước khi tuyên bố phá sản với số nợ lên đến cả trăm tỷ đồng. Ông Tr. bắt đầu có những dấu hiệu bất thường như cáu gắt, quát mắng người nhà, đập phá đồ đạc... Khi sự la hét, đập phá ngày một nhiều hơn, người nhà buộc phải "cưỡng chế" đưa ông vào bệnh viện Tâm thần trung ương điều trị. Cũng theo người nhà bệnh nhân Tr., khi đưa ông Tr. vào viện, các bác sỹ ở viện tỏ ra khá bất ngờ vì trước đây ông Tr. cũng có đưa người bạn đến hỏi thông tin và cách thức chữa bệnh rối loạn tâm thần thể nhẹ. Không ngờ hết bạn, nay lại chính ông Tr. rơi vào hoàn cảnh đáng thương này.
Vào viện để tìm "lá bùa hộ mệnh"?!
Ở viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương (huyện Thường Tín, Hà Nội), ngoài khu vực điều trị tự nguyện còn có khu vực bắt buộc chữa bệnh. Và đây cũng chính là nơi mà rất nhiều đại gia, đại ca có máu mặt (kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng - PV) thích đến nhất. Các đối tượng đến đây khi làm ăn kinh doanh thua lỗ dẫn đến mất khả năng chi trả, chịu nhiều áp lực từ những đối tượng xã hội hay những đối tượng cộm cán, mỗi khi gây án bỗng dưng trở nên bị điên, bị tâm thần nhằm mục đích được đưa đi chữa bệnh bắt buộc đồng thời được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Điển hình nhất là những đối tượng giả mắc bệnh như: Mai Đức Vượng (tức Tộ tích), Đào Duy Tuấn (tức Tuấn tượng) và Đào Văn Thắng đều ở Hải Phòng vào viện điều trị chứng bệnh tâm thần theo dạng bắt buộc.
Điều kỳ lạ ở chỗ, mặc dù bị bệnh tâm thần nhưng những đối tượng này vẫn về địa phương gây ra các vụ trọng án như những người bình thường khác. Qua quá trình điều tra, theo dõi, các lực lượng chức năng phát hiện những đối tượng này không bị mắc các chứng bệnh tâm thần như kết quả giám định pháp y tâm thần. Hiện nay, những đối tượng này đang bị tạm giữ, xác minh điều tra và sẽ phải trả giá về những hành vi vi phạm mà bọn chúng gây ra. Hay như hàng chục, hàng trăm các trường hợp khác sau khi gây án xong bỗng dưng mắc bệnh và đang được lực lượng giám định pháp y tâm thần theo dõi, kết luận.
Vừa đưa tôi đi tham quan khu vực khoa Chữa bệnh bắt buộc của Viện, một nhân viên y tế ở đây cho biết, viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương thường xuyên điều trị, chữa bệnh cho rất nhiều những đối tượng cộm cán. Những đối tượng này đa phần là các "đàn anh đàn chị có máu mặt". Rất nhiều trong số đó, trước hoặc trong thời gian chịu án bỗng dưng phát bệnh tâm thần và được đưa đến đây chữa trị.
Điều nguy hiểm ở chỗ, khi họ đến chữa bệnh, chúng tôi chỉ biết họ là con bệnh, còn những thông tin ngoài lề phần lớn đều bị giấu giếm. Chính vì vậy, nhân viên y tế không thể biết con người thật của những đối tượng, người bệnh đó ra sao. Có nhiều trường hợp không vừa ý họ là y như rằng cán bộ y tế sẽ bị chửi bới, dọa dẫm hoặc khủng bố gây hoang mang tinh thần. Đồng thời, vị cán bộ này cũng cho biết, ở Viện đang theo dõi rất nhiều trường hợp đều là những tên tội phạm khét tiếng từng giết người man rợ như đối tượng Trần Mạnh H., (ở Hoàng Mai, Hà Nội), đối tượng Đỗ Mạnh H., (ở tỉnh Thanh Hóa)…
PGS.TS Phạm Đức Thịnh, nguyên viện trưởng viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương cho biết thêm: Trong quá trình làm nghề, tôi gặp rất nhiều đối tượng mắc các tội đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí gây ra các vụ trọng án nhưng bỗng dưng bị mắc bệnh tâm thần. Khi vào Viện nằm theo dõi bệnh, những đối tượng này rất ngoan cố, ngay cả khi lực lượng công an, viện kiểm sát đến điều tra thông tin thì những đối tượng này vẫn ngây ngây ngô ngô, giả điên giả dại kêu la, chửi bới như không biết gì. Tuy nhiên, qua thời gian theo dõi, những đối tượng nào mắc bệnh thật hay giả vờ đều bị lộ ngay".
Cũng theo PGS. TS Thịnh, cụ thể như một trường hợp ở Thanh Hóa, khi bị bắt đối tượng này bỗng dưng phát điên và tự nhận mình có tiền sử bệnh tâm thần. Trong quá trình giám định, tên này liên tục gào khóc, chửi bới, hò hét, kêu la, phóng uế rồi bốc chất bẩn bôi đầy nhà nhằm đóng kịch, hòng qua mắt hội đồng giám định. Rồi vụ đối tượng Lâm, do tranh chấp quản lý cáp treo chùa Hương năm 2002, sau khi gây ẩu đả, đánh nhau, đến giám định pháp y tâm thần do bị bệnh động kinh nhưng qua theo dõi giám định chỉ là cơn giả động kinh. Tiếp đến đối tượng T. ở Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cả ba bố con đều có hồ sơ bán tâm thần phân liệt, qua theo dõi năm 2004, giám định cho thấy chỉ bị rối loạn nhân cách.
Hàng chục đối tượng phạm tội đang được trưng cầu giám định Trao đổi với PV Người Đưa Tin, bác sỹ chuyên khoa II Dương Văn Lương, Phó Viện trưởng viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương cho biết: "Hiện có 11 đối tượng phạm tội đang được các cơ quan tố tụng trưng cầu giám định tâm thần tại đây. Với mỗi bệnh nhân, viện phải thành lập hội đồng giám định, quá trình theo dõi, giám định trong vòng 3 - 6 tuần và quy trình giám định được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của ngành. Thậm chí, có những trường hợp khó có thể theo dõi với thời gian lâu hơn và sử dụng một số công cụ hỗ trợ khác như camera theo dõi, giám sát xem đối tượng đó có thực sự bị bệnh tâm thần hay không. Nếu có thì ở thể dạng nào, quá trình chữa bệnh ra sao…". |
Quỳnh Chi