VIỆT NAM VÀ NỖI ÁM ẢNH VỀ VAR
Hành trình vòng loại World Cup 2022 tiếp tục bóc trần những điểm thua kém của đội tuyển và bóng đá Việt Nam so với châu lục. Oman hay Trung Quốc chưa phải là những thế lực của bóng đá châu Á nhưng vẫn giành chiến thắng trước thầy trò Park Hang Seo một cách xứng đáng, với những toan tính rõ rệt về mặt đấu pháp và được cụ thể hóa thành ưu thế điểm số.
Trung Quốc là lối đá phòng ngự thâm sâu khiến tuyển Việt Nam chỉ có duy nhất 1 pha dứt điểm trong vòng cấm ở hiệp 1 nhưng vẫn hào hứng dâng cao đội hình tấn công ở đầu hiệp 2. Hậu quả là nhận bàn thua từ một tình huống phản công bóng dài. Oman lại là những tình huống cố định được dàn xếp bài bản.
Ngoài ra, những tình huống chơi bóng tiểu xảo theo kiểu… Võ League cũng dễ dàng bị phát hiện bởi trọng tài và sự hỗ trợ của VAR. Cái dơ tay hơn cao hay gạt tay vào má trông có vẻ vô tình và được các cầu thủ tại V.League sử dụng thường xuyên tới mức hiển nhiên và “tưởng thế là hay” rốt cuộc trở thành hình ảnh xấu xí, phản cảm và khiến đội tuyển chịu thiệt thòi.
Dù vậy, việc tuyển Việt Nam có những pha tiểu xảo thô kệch không phải là lý do để bao biện cho việc VAR gây ức chế và có dấu hiệu chèn ép đội tuyển Việt Nam. Điều này rất dễ thấy trong suốt 90 phút. Các tình huống cảm giác Oman bị phạm lỗi đều được VAR soi mói một cách thái quá. Ngược lại, các tình huống tuyển Việt Nam có cơ hội hưởng lợi đều bị bỏ qua chóng vánh.
Những hình ảnh tiêu biểu cho sự chèn ép này là tình huống dẫn đến bàn thắng của Tiến Linh, tổ VAR hết soi Tấn Tài đã phạm lỗi hay chưa đến đào bởi tình huống Công Phượng việt vị hay chưa diễn ra trước bàn thắng của khá lâu. Ngược lại, pha bóng Quang Hải bị đốn ngã trong vòng cấm ở phút 19 hay tình huống lấy thịt đè người trước khung gỗ dẫn đến bàn thắng từ quả đá phạt góc lại không “được” soi.
Nói về công tác trọng tài trong trận đấu này, Duy Mạnh chia sẻ trong cuộc họp báo sau trận: “Trọng tài đã có một chút gì đó không chính xác nhưng đó là điều chúng ta phải chấp nhận”. Trong khi đó vị chiến lược gia người Hàn Quốc ý nhị nhắc nhở các ông vua áo đen: “Bốn trận đã qua, tôi có nhiều điều nói về trọng tài nhưng hôm nay tôi cũng hạn chế nói. Hôm nay, trọng tài không nhất quán. Nếu đánh giá thì chính bản thân trọng tài nên tự đánh giá mình”.
Trước đó, ở trận đấu đầu tiên của vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam đã dẫn trước Ả-rập Xê-út trong hơn một nửa trận đấu cho tới khi VAR tạo ra bước ngoặt ở đầu hiệp 2. Trọng tài chính sau khi xem lại băng hình đã quyết định thổi phạt đền và rút thẻ vàng thứ hai đuổi Đỗ Duy Mạnh trong tình huống mà ban đầu ông đã bỏ qua. Đội tuyển Việt Nam bị gỡ hòa, mất người và thua 1-3 sau đó.
Đến trận gặp Australia, VAR và trọng tài chính không cho đội tuyển Việt Nam được hưởng phạt đền. Đó là tình huống mà bóng đập tay hậu vệ đội khách từ cú sút của Nguyễn Phong Hồng Duy. Dù trọng tài đã xem lại băng hình rất kỹ, quyết định của ông vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Vị vua áo đen vẫn giữ nguyên quan điểm không thổi phạt. Sau trận đấu này, LĐBĐ Việt Nam đã gửi thư lên FIFA để phàn nàn.
TÂY CŨNG CHẲNG HƠN TA
Chứng kiến sự hành hạ của VAR với đội tuyển Việt Nam, cộng đồng mạng đã ví von một cách tếu táo rằng thầy trò Park Hang Seo như cậu học trò từ quê lên tỉnh học, bị bạn bè, thầy cô khinh khi nghèo hèn nhưng bố mẹ, họ hàng lại kỳ vọng, áp lực thái quá. Tuy nhiên, thực tế ngay cả những đội bóng lớn, những trận cầu ở đẳng cấp cao nhất cũng không tránh khỏi việc vị ảnh hưởng bởi VAR. Ví dụ tiêu biểu và thời sự nhất là chung kết Nations League.
Trận đấu giữa Tây Ban Nha và Pháp đã diễn ra với chất lượng chuyên môn rất cao, chứng minh một điều không đội bóng nào xem trận đấu này chỉ hơn tính chất trận giao hữu một chút. Cái kết của cuộc thư hùng này cũng thật kịch tính và cảm xúc, khi Les Bleus ngược dòng hạ La Roja với tỷ số 2-1 với bàn thắng ấn định tỷ số được thực hiện theo cách đầy tranh cãi. Chỉ đáng tiếc, đúng hơn thực sự rất đáng tiếc, tranh cãi của hạ màn chung kết Nations League lại là một tranh cãi cãi vô cùng phi bóng đá, nếu không muốn nói là phản bóng đá, với quyết định công nhận bàn thắng của Kylian Mbappe.
Pha bóng thoát việt vì kỳ lạ của Mbappe ở chung kết Nations League.
Nhắc lại một chút về tình huống này. Đó là phút 80 của trận đấu, thời điểm hai đội đang hòa nhau 1-1, đội tuyển Pháp lên bóng bên cánh trái. Theo Hernandez thực hiện pha xẻ bóng vào khe giữa vị trí hậu vệ biên và trung vệ của đội tuyển Tây Ban Nha và hướng đến vị trí của Mbappe. Eric Garcia nhoài người cản phá và đã chạm chân vào bóng. Dù vậy, pha truy cản không đủ tác động để cắt đứt đường bóng. Mbappe thoát xuống và xử lý khéo léo đánh bại thủ thành Unai Simon trong tình huống đối mặt. Đội tuyển Tây Ban Nha, thậm chí cả xứ sở bò tót cũng như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, không loại trừ cả xứ lục lăng, đều nhìn thấy tiền đạo của Les Bleus việt vị.
Nhưng trọng tài thì không, Sau khi tham khảo VAR, ông vua áo đen người Anh, Anthony Taylor quyết định công nhận bàn thắng của đội tuyển Pháp. Là người cầm cân nảy mực, nhất là trong một trận đấu hàng triệu người theo dõi, các vị trọng tài dĩ nhiên phải nói có sách mách có chứng chứ không thể đổi trắng thay đen. Lập luận của trọng tài để lý giải quyết định công nhận bàn thắng của Mbappe dựa trên điều 11, mục 2 của Luật bóng đá, do IFAB biên soạn và bổ sung. Theo đó, đại khái Mbappe đang ở tư thế việt vị lại hết việt vị vì Eric Garcia đã chơi bóng một cách có chủ đích, cụ thể là xoạc bóng và chạm bóng.
Nếu trung vệ của tuyển Tây Ban Nha xoạc không trúng bóng và Mbappe thoát xuống ghi bàn, tiền đạo người Pháp việt vị. Nếu Eric Garcia không xoạc bóng, kể cả bóng chạm vào người hậu vệ này và Mbappe thoát xuống ghi bàn thì tiền đạo người Pháp vẫn việt vị. Nôm na, các trọng tài lập luận rằng nỗ lực chơi bóng của trung vệ Tây Ban Nha đã đưa bóng đến chân của Mbappe chứ không phải Theo Hernandez. Như vậy, sự cắc cớ ở đây không nằm ở câu chữ mà nằm ở người làm luật (IFAB) và người thi hành luật, tức trọng tài.
Đầu tiên nói về chuyện luật, cái hấp dẫn của bóng đá là sự tương đối thiên biến vạn hóa giống như cuộc đời. Hầu hết các tình huống diễn ra trên sân đều không thể chằn chặn tuyệt đối đúng sai. Đơn cử, trong một pha tranh chấp, như thế nào là phạm lỗi hoàn toàn dựa trên đánh giá cảm tính của trọng tài. Không có bất cứ quy chuẩn tác động lên người đối phương như thế nào gọi là phạm lỗi và càng không thể đo lường được tác động với lực bao nhiêu…Newton gọi là phạm lỗi.
Trở lại với tình huống của Eric Garcia, trước nhất, cần minh định anh ta là trung vệ, tức cầu thủ phòng ngự. Và đã phòng ngự phải quây, be, che, chắn, chặn, xoạc, nói chung làm mọi cách để ngăn cản pha lên bóng của đối phương. Hơn nữa, cầu thủ của tuyển Tây Ban Nha đứng trong thế quay lưng với Mbappe nên không thể biết chắc tiền đạo người Pháp đã việt vị hay chưa để mà né trái bóng hay dừng không tham gia vào pha bóng. Nôm na, Eric Garcia đã thực hiện đúng thiên chức hay phận sự của một cầu thủ phòng ngự, đó là nỗ lực truy cản đường lên bóng của đối phương. Như vậy, trong tình huống này, Luật đã “việt vị” vì ngăn cản cầu thủ thực hiện trách nhiệm trên sân.
Thứ hai, về người thi hành luật. Đầu tiên, cần minh định, luật được sinh ra để người thi hành luận căn cứ và đưa ra quyết định cho phù hợp. Trong bóng đá, luật càng cởi mở hơn bởi như đã đề cập là sự thiên biến. Đơn cử, cùng một kiểu tình huống, trọng tài có thể thổi phạt hoặc không thổi phạt, rút thẻ hoặc không rút thẻ tùy vào tính chất thời điểm của trận đấu.
Trong tình huống của Eric Garcia, quyết định của trọng tài Anthony Taylor không hề hợp lý. Bởi lẽ, đó là những phút cuối trận và tình huống sẽ quyết định đến kết cục trận đấu. Thực tế, pha làm bàn của Mbappe giúp Pháp có bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1 trước Tây Ban Nha. Mọi lập luận của tổ trọng tài cũng rối rắm, thiếu cơ sở vững vàng và thiếu cả sự hợp tình hợp lý. Mọi chuyện càng gây ức chế hơn nữa khi trọng tài chính tham khảo VAR một cách thụ động và rập khuôn. Ông Taylor gần như bỏ qua tình huống việt vị và nhìn luôn vào màn hình quay chậm động tác của Eric Garcia xem trung vệ người Tây Ban Nha có chủ động hay không theo tư vấn của VAR. Hành động này vừa phản cảm vừa gây mất thời gian và phản ánh sự hạn chế của việc áp dụng công nghệ thái quá trong thế giới bóng đá.
VAR CHƯA TRÒN VAI
Không thể phủ nhận, sự phát triển của công nghệ đã giúp ngành công nghiệp bóng đá phát triển rực rỡ trên nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, mặt trái của việc áp dụng công nghệ thái quá là sự phụ thuộc đôi khi máy móc. Bóng đá đương đại không thiếu những tình huống trọng tài xem đi xem lại video gây mất thời gian và tụt hứng, điều quan trọng nhất với bóng đá. Không những thế, sau khi tham khảo VAR xong cũng chưa chắc đưa ra được quyết định chính xác và hợp lý.
Bóng đá rất lạ ở chỗ không thể nào đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối nên đối với các trọng tài, năng lực được đánh giá qua uy quyền thể hiện trên sân cũng như tính hợp lý và trôi chảy mỗi khi điều hành trận đấu. Những điều này, không một công nghệ nào có thể mang đến. Vì vậy, tóm lại, để trả lời câu hỏi ai đã việt vị trong tình huống ghi bàn của Mbappe? Câu trả lời không phải là Mbappe, vì rõ ràng anh không bị thổi việt vị, cũng không phải là Eric Garcia, vì anh đã làm tròn bổn phận của một hậu vệ. Câu trả lời là chính trọng tài và luật bóng đá đang việt vị. Kể cả VAR cũng thế!
Cần nói thêm, VAR vốn được xem là công cụ hỗ trợ để giúp trọng tài xử lý công tâm và có những quyết định chính xác hơn khi điều khiến trận đấu. Tuy nhiên, thực tế những gì đã xảy ra trong trận Oman vs Việt Nam khiến nhiều người không thể không nghĩ đến thuyết âm mưu về việc chèn ép đội bóng chân ướt chân ráo lần đầu lọt vào vòng loại thứ ba như chúng ta. Trong các tình huống, VAR không chỉ gây ức chế bởi cái kiểu bới bèo ra bọ mà còn gây tụt cảm xúc của các tuyển thủ, đặc biệt là sự hứng khởi sau tình huống ghi bàn thắng mở tỷ số.
Thế nên, có lẽ chưa bao giờ người hâm mộ bóng đá Việt Nam cảm nhận được hết sự hạn chế của việc áp dụng VAR trong bóng đá như bây giờ. VAR chẳng nhưng không giúp trọng tài đưa ra những quyết định chính xác hơn mà còn triệt tiêu cảm xúc, điều quan trọng nhất các trận bóng đá mang đến. Nghiêm trọng hơn, có cơ sở để hoài nghi sự thiên vị từ VAR, bởi cần lưu ý VAR cũng là con người. Mà đã con người là có thể bị tác động và cảm tính.
Một trận bóng hay là một trận bóng không chỉ cảm xúc, kịch tính hay chất lượng chuyên môn cao mà còn đòi hỏi có cả sự trôi chảy, liền mạch. Trọng tài là người đảm bảo sự thông suốt này trong cả 90 phút và một trọng tài giỏi là người điều khiển trận đấu sao cho liền lạc nhất chứ không thể đòi hỏi các ông vua áo đen xử lý chính xác 100% mọi tình huống. VAR vô hình trung không phải công cụ mà trở thành chướng ngại vật không cho các trọng tài đảm bảo sự thông suốt này. Thế nên, VAR chưa thể xem đã tròn vai Người phán xử của trận đấu bóng đá hay Ông cố vấn của trọng tài.