Hiểm nguy nghề cai nghiện
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Văn Đức, Phó Giám đốc phụ trách Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa cho biết, hiện cơ sở đang tổ chức cai nghiện, đào tạo nghề cho hơn 500 học viên.
Theo ông Đức, cán bộ trung tâm là viên chức (bác sĩ, y tá …), nhưng làm công việc đặc thù, thường xuyên tiếp xúc, điều trị cho đối tượng đặc biệt là người nghiện ma túy nên gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Dẫn chúng tôi đi tham quan, tìm hiểu hoạt động cai nghiện tại cơ sở, ông Đoàn Ngọc Loan, Trưởng phòng dạy nghề Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa cho biết, khoảng 70-80% học viên tại cơ sở là các đối tượng có tiền án, tiền sự nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Loan, các học viên của cơ sở là cai nghiện bắt buộc, khi vào cai nghiện thường đã có nhiều năm sử dụng ma túy. Phần lớn học viên nghiện ma túy tổng hợp, ma túy đá nên khi vào cơ sở thì tinh thần hoảng loạn, ảo giác, sức khỏe suy kiệt.
Tiếp nhận và phân loại học sinh viên xong, cơ sở sẽ tiến hành cắt cơn theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Do người nghiện ma túy lâu năm, nghiện ma túy tổng hợp nên bị ảo giác lớn hơn. Từ đó, việc cắt cơn, điều trị rất khó khăn.
"Việc cắt cơn rất quan trọng, nếu không cắt được cơn thì không thể đào tạo nghề cho học viên. Nhưng phần lớn học viên vào đây đã có tiền án, tiền sự, sử dụng ma túy tổng hợp nên họ ảo giác mạnh, và khá manh động", ông Loan nói.
Khi học viên đã cắt cơn, tùy theo sức khỏe, sở trường, Cơ sở sẽ cho học viên lao động trị liệu, truyền nghề cơ khí, may … Lao động ngoài mục đích trị liệu, còn giúp đào tạo nghề và để học viên thông qua đó tìm lại được giá trị cuộc sống.
Ông Loan cho hay, khoảng 70-80% học viên từng có tiền án tiền sự, 10% học viên bị nhiễm HIV, 15 học viên bị các bệnh lây nhiễm cao như viêm gan B, lao …
"Đối tượng HIV khi vào đây chúng tôi phải làm công tác tư tưởng để làm sao học viên không tiêu cực, buông xuôi. Phải động viên học viên qua lao động để họ thấy được giá trị cuộc sống", ông Loan chia sẻ.
Hơn 20 năm làm nghề cai nghiện, ông Loan đã từng chứng kiến các đồng nghiệp của mình bị lây nhiễm bệnh tật từ hoạt động nghề nghiệp. Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa đã từng có 2 cán bộ bị lây nhiễm bệnh lao, 2 người quá trình quản lý có tiếp xúc với học viên nhiễm HIV phải uống thuốc chống phơi nhiễm.
Không giao quyền, tránh "luật ngầm" bên trong cơ sở cai nghiện
Đây là lần thứ hai, anh Nguyễn Ngọc H., trú tại phường Hải Thượng, Tx.Nghi Sơn phải đi cai nghiện bắt buộc. H. cho biết, từng có sức khỏe, công việc ổn định, một lần được bạn bè rủ rê đã "bập" vào ma túy.
Từ khi nghiện ma túy, H. bị mất việc, sức khỏe suy giảm và đã sa chân vào con đường phạm tội vì trộm cắp tài sản.
"Từ khi vào đây được các thầy giúp đỡ cắt cơn, giáo dục nay sức khỏe và tinh thần em đã ổn định trở lại. Sau khi trở về, em dự định rời xa bạn bè xấu, đi làm ăn xa, thay đổi môi trường sống để quyết tâm bỏ hẳn ma túy", H. tâm sự.
Sinh năm 1993 tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, T. từng có công việc thu nhập ổn định và người yêu như bao bạn bè cùng trang lứa. Từ khi dính vào ma túy, T. bị mất việc, người yêu cũng đi lấy người khác.
Theo anh T., chơi ma túy đá thời gian đầu "ảo giác", thần kinh bị kích thích nên không cần ăn, cần ngủ. Một thời gian sau, sức khỏe bị suy kiệt, tinh thần hoảng loạn vì ảo giác nặng. Để có tiền hút chích, T. phải đi trộm cắp tài sản và đi tù.
"Từ khi vào đây, được các thầy cô giúp cắt được cơn, được lao động và học tập, sức khỏe em đã dần ổn định, không còn ảo giác nữa", T. chia sẻ.
Ông Đoàn Ngọc Loan, Trưởng phòng dạy nghề Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa cho biết, rút kinh nghiệm từ việc học viên gây náo loạn, vượt trại tràn ra đường "tuần hành" tại các tỉnh phía Nam, cơ sở chia học sinh thành các tổ đội, mỗi đội có đội trưởng và thành viên.
Tuy nhiên, tổ trưởng, đội trưởng chỉ là cấp trung gian giữa cán bộ và học viên, cơ sở không giao "quyền hành" quá lớn. Tất cả công việc quản lý, đào tạo nghề đều do cán bộ cơ sở trực tiếp theo dõi, giám sát. Việc này tránh việc tạo "luật ngầm" trong trại giam, từ đó sinh ra tiêu cực, chèn ép lẫn nhau.
Theo ông Loan, để việc cai nghiện, đào tạo nghề đạt hiệu quả, cơ sở cũng thường xuyên nắm bắt tâm tư, mâu thuẫn phát sinh giữa các học viên với nhau để kịp thời giải quyết. Không để các học viên tự xử "luật riêng" tại cơ sở cai nghiện.