Vay mượn trang thiết bị phòng chống dịch: "Con nợ, chủ nợ bất đắc dĩ vẫn đợi và mong"

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 3, 26/11/2024 19:30

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông cho biết trước đây ông và một số ĐBQH đã có kiến nghị về việc thanh toán vay mượn vật tư, trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch Covid-19, nhưng đến nay "con nợ, chủ nợ bất đắc dĩ vẫn đợi và mong".

Sớm giải quyết thấu đáo kiến nghị của cử tri

Ngày 26/11, thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều ĐBQH quan tâm đến việc thanh toán vay mượn vật tư, trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế, bệnh viện trong phòng, chống dịch Covid-19, tình trạng thiếu thuốc... 

Tham gia nêu ý kiến, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) bày tỏ đánh giá rất cao về tinh thần, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. 

Tuy nhiên, đại biểu cho biết vẫn còn một số ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như đại biểu gửi đến Bộ trưởng, trưởng ngành nhưng vẫn chưa được xem xét và quyết một cách thấu đáo. 

Vay mượn trang thiết bị phòng chống dịch: "Con nợ, chủ nợ bất đắc dĩ vẫn đợi và mong"- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, trước đây tôi và một số vị đại biểu Quốc hội đã có kiến nghị về việc thanh toán vay mượn vật tư, trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế, bệnh viện trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Việc này được Bộ trưởng Bộ Y tế đã thấy vấn đề tiếp thu, ghi nhận và tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh hiện nay Bộ Y tế đang tổng hợp và xây dựng Tờ trình của Chính phủ về phương án xử lý, trong tháng 5, tháng 6/2024 sẽ xem xét giải quyết.

"Sau khi Bộ trưởng có thông tin những nội dung như trên, cử tri và doanh nghiệp hết sức vui mừng, nhất là những "con nợ, chủ nợ bất đắc dĩ" mong muốn những ý kiến này được xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, chưa thấy phương án giải quyết như thế nào, "con nợ, chủ nợ vẫn đợi và mong"", ông Thông cho hay. 

Ông Thông cho biết ông rất chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế trong việc tham mưu, giải quyết vấn đề trên, vì đây là vấn đề khó, chưa có tiền lệ, chưa được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, ông cho rằng, quy định là do chúng ta đặt ra để giải quyết những vấn đề thực tiễn, đòi hỏi của cuộc sống và ngay trong kỳ họp lần này Quốc hội đã có những quyết sách rất khó để giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống đã đề ra. 

"Do vậy, tôi thiết nghĩ nếu sau này có một đại dịch khác xảy ra thì doanh nghiệp có đồng hành cùng với chúng ta trong vấn đề phòng, chống dịch hay không? và các cơ sở y tế, bệnh viện có còn mạnh dạn dám nghĩ, dám làm trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân nữa hay không?. Việc này tôi rất mong Bộ Y tế, Chính phủ và Quốc hội quan tâm quyết sớm việc này", ông Thông đề xuất. 

Cùng tham gia ý kiến về báo cáo giám sát, giải quyết ý kiến của các cử tri, kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết trong phiên thảo luận sáng nay, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho biết, qua rà soát các kiến nghị của cử tri Bình Dương, đại biểu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào phương hướng như sau: 

Vay mượn trang thiết bị phòng chống dịch: "Con nợ, chủ nợ bất đắc dĩ vẫn đợi và mong"- Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo đại biểu, việc ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán các nguồn lực phòng, chống Covid-19 đối với phần vay mượn tạm ứng... đã được cử tri Bình Dương phản ánh rất nhiều lần đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. 

Đoàn ĐBQH Bình Dương đã kiến nghị vấn đề này từ kỳ họp thứ 4 đến kỳ họp thứ 7, tinh thần này cũng đã được nêu rất rõ tại Nghị quyết 30 năm 2021 của Quốc hội, Nghị quyết 80, Nghị quyết 99 năm 2023 của Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, theo đại biểu đến nay một số nội dung chưa có cơ chế để tháo gỡ khó khăn này cho địa phương.

Nữ đại biểu chia sẻ, dịch Covid-19 đã qua đi, mỗi người Việt Nam chúng ta vẫn nhớ như in tinh thần chống dịch như chống giặc, thần tốc và quyết liệt. 

Nhưng, gần 3 năm trôi qua vẫn còn một số khó khăn liên quan đến thanh quyết toán kinh phí Covid-19 chưa được giải quyết, gây rất nhiều khó khăn, áp lực cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. 

"Vì vậy, trong kỳ họp này, cử tri mong muốn nghe được phương hướng, lộ trình giải quyết. Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết vấn đề này thật thấu tình, đạt lý để có căn cứ triển khai thực hiện và giải quyết triệt để vấn đề này", đại biểu Ngọc Xuân nêu. 

Lo ngại thiếu thuốc, thiếu vắc-xin

Tham gia ý kiến, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) cho biết, trong số những vấn đề cần tiếp tục giải quyết, có 2 vấn đề cử tri nhiều tỉnh, trong đó có cử tri An Giang băn khoăn và đặt ra từ kỳ họp thứ 7, kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm.

Đó là tình trạng thiếu vắc-xin, theo đại biểu, thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực tham mưu cho Chính phủ và bước đầu đã tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế. Đồng thời, tăng cường công tác dự báo, giám sát và phát hiện sớm để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, theo Báo cáo 3012 của Ủy ban Xã hội cho thấy có 2 nội dung rất đáng quan tâm.

Một là, tình trạng thiếu thuốc vẫn tiếp tục diễn ra tại một số bệnh viện công lập, chủ yếu là do hạn chế trong công tác tổ chức đấu thầu, đặc biệt việc thiếu vắc-xin đã diễn ra từ cuối năm 2022 nhưng đến tháng 9/2024 vẫn chưa được khắc phục triệt để. 

Vay mượn trang thiết bị phòng chống dịch: "Con nợ, chủ nợ bất đắc dĩ vẫn đợi và mong"- Ảnh 3.

ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (Ảnh: Media Quốc hội).

Từ đó, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi và có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Một số bệnh trước đây đã được kiểm soát như sởi, bạch hầu thì nay có nguy cơ bùng phát tại một số địa phương.

Hai là, tỉ lệ tiêm chủng mở rộng tiếp tục không đạt mục tiêu trên 90%. Theo thống kê trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉ lệ tiêm chủng hầu hết các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều chưa đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra, tỉ lệ tiêm vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván đạt cao nhất cũng chỉ được 40,6% còn lại 8 loại vắc-xin chưa đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra, trong đó thấp nhất là tỉ lệ tiêm và uống vắc-xin bại liệt chỉ triển khai được dưới 30%.

Đại biểu cho rằng, trẻ em cần được tiêm chủng để phòng bệnh. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội. 

"Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vắc-xin do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai giải quyết nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu thuốc. Đặc biệt là thiếu vắc-xin, góp phần đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, đảm bảo chất lượng cuộc sống của thế hệ hôm nay và cả mai sau", nữ đại biểu chia sẻ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.