Vì làm công trình chuyên về nội thất nên thường xuyên phải đi xa, hơn nữa dịp Tết cũng đã cận kề, anh Dũng có nhu cầu tìm mua ô tô. Tuy nhiên, để sở hữu ô tô với mức tài chính 400 triệu cả đăng ký thì anh Dũng cần phải vay thêm ngân hàng số tiền 200 triệu đồng. Lần đầu mua xe, anh Dũng đang băn khoăn về số tiền cần phải trả hàng tháng là bao nhiêu, nếu anh vay trong thời hạn 5 năm?
Theo khảo sát của PV, hiện tại, rất nhiều cơ sở bán ô tô cả cũ lẫn mới đều có những chính sách bán trả góp rất linh hoạt. Theo đó, chỉ cần có trên dưới 200 triệu đồng là một gia đình có thể tậu được một chiếc xe khá ưng ý để che nắng che mưa. Trên thị trường, giá một chiếc xe "ngon bổ rẻ" bây giờ có giá dao động từ 200 - 400 triệu đồng/chiếc, tùy dòng xe và đời xe. Nếu mua xe mới, ngoài tiền xe người mua cần trả thêm khoản thuế, phí từ 6 – 12% của giá trị xe.
Để sở hữu một chiếc ô tô mới, đa số người dùng chọn giải pháp vay ngân hàng thêm một phần
Để sở hữu chiếc xe đời cao, an toàn thì đa số người dùng chọn giải pháp vay ngân hàng thêm một phần. Thông thường, khoản vay này sẽ được trả dần cả gốc và lãi theo từng tháng.
Tại các ngân hàng, hiện thủ tục vay mua xe cũng khá đơn giản và dễ dàng, giải ngân nhanh chóng trong vòng 24h.
Theo tính toán, với khoản vay khoảng 200 triệu đồng, giả dụ lãi suất khoảng 9%/năm trong 5 năm, thì số tiền gốc + lãi mà anh Dũng phải trả vào tháng cao nhất là khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng. Số tiền này sẽ giảm dần trên dư nợ hàng tháng.
Ví dụ, anh Dũng vay vốn tại một ngân hàng thương mại (Ngân hàng ACB) số tiền 200 triệu trong vòng 5 năm. Mức lãi suất mà Ngân hàng ACB áp dụng là 9%/năm. Như vậy, áp dụng theo công thức trên, số tiền gốc, lãi khách hàng phải thanh toán như sau:
Tiền gốc: 200.000.000 ÷ 12 tháng ÷ 5 năm = 3.340.000 VNĐ.
Tiền lãi: 9%: 12 × 200.000.000 = 1.500.000 VNĐ.
Tổng gốc + lãi = 1.500.000 + 3.340.000 = 4.840.000 VNĐ.
Theo ví dụ trên (số tiền vay 200 triệu, lãi suất 9%, thời gian vay 5 năm), nếu tính theo dư nợ giảm dần, số tiền gốc và lãi hàng tháng khách hàng sẽ phải trả cho ngân hàng sẽ được tính theo công thức: Số tiền cần phải trả mỗi tháng = số tiền vay/ thời gian vay + số tiền vay x lãi suất cố định mỗi tháng.
Tùy từng ngân hàng, lãi suất vay 200 triệu còn dựa vào hình thức vay vốn mà khách hàng lựa chọn. Theo đó, vay tín chấp thường có lãi suất cao hơn so với vay thế chấp.
Thời điểm hiện tại, mức lãi vay tiêu dùng tại các ngân hàng đang ở mức khá "mềm"
Ví dụ, tại Ngân hàng Techcombank nếu vay tín chấp là 13,78% – 16,00%/năm, trong khi vay thế chấp ở mức 7,49%/năm; Ngân hàng VPBank là 16,0%/năm và 6,9%/năm; Ngân hàng VIB là 17%/năm và 8,3%/năm...
Nhìn chung, mức lãi suất vay thế chấp tại hệ thống ngân hàng Việt Nam đang áp dụng ở mức từ 7% đến 9% đối với hình thức vay thế chấp sổ đỏ (sau đó thả nổi từ 10 – 14%). Còn với hình thức vay tín chấp, lãi suất ban đầu dao động từ 10% đến 12%. Mức lãi suất vay ngân hàng sẽ không cố định, có thể biến động tăng, giảm tùy theo từng thời kỳ.
"Thời điểm này để sở hữu một xe ô tô là việc khá đơn giản đối với nhiều gia đình, kể cả việc phải vay ngân hàng, vì lãi suất vay tiêu dùng tại nhiều ngân hàng liên tục hạ ở mức thấp. Tuy nhiên, do kinh tế vẫn còn độ trễ nên trước khi quyết định mua ô tô trả góp, người tiêu dùng cần suy nghĩ và cân đối kỹ lưỡng, chỉ vay trả góp khi nguồn thu nhập tài chính ổn định, cần tính toán số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp, tuyệt đối không ký hợp đồng khi chưa rõ bất cứ điều khoản nào”, anh Ngô Đức Anh – một nhân viên tư vấn bán hàng tại đại lý ô tô trên đường Giải Phóng chia sẻ thêm.
Tuấn Kiệt