"Chết" vì lãi suất thấp
Tìm về xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội thời điểm này, chúng tôi cảm nhận được nỗi buồn, sự ảm đạm, não nề của người dân nơi đây. Đa số người dân của những hộ liên quan tới việc vay tiền từ những năm 2007, 2008 đều trong tâm trạng rối bời. Tất cả các hộ dân không thể hình dung được, chỉ vì sự thiếu hiểu biết pháp luật của mình cùng với tâm lý muốn vay tiền nhanh, không phải trải qua các thủ tục rườm rà từ phía ngân hàng, đã vô tình trở thành con mồi béo bở cho một nhóm đối tượng rắp tâm thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Anh Kiều Văn Trường, trú tại thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm cho biết: Tháng 7/2007, do gia đình cần tiền để mở xưởng sản xuất gỗ, bố anh là ông Kiều Văn Chiểu có nhờ anh Nguyễn Văn Hiệp (người cùng thôn) đứng ra môi giới, vay giúp gia đình 25 triệu đồng của Công ty TNHH Nghiên cứu thị trường Việt Nam (địa chỉ tại đường Láng, Hà Nội), sau đó đổi tên thành Cty TNHH Thương mại dịch vụ tổng hợp điện máy Thanh An (trụ sở ở Cầu Diễn, Hà Nội).
Để vay được tiền, phía công ty yêu cầu ký vào hợp đồng vay tiền trong đó có điều khoản bảo lãnh thế chấp bằng quyền sử dụng mảnh đất hơn 500m2 của gia đình. Sau này, anh Hiệp có chở ông Chiểu ra trụ sở công ty để hoàn tất một số thủ tục còn lại và nhận khoản tiền vay trên với thời hạn 5 năm, lãi suất 1%, một quý trả lãi một lần với số tiền là 2 triệu đồng.
Xưởng gỗ của gia đình anh Kiều Văn Trường trước nguy cơ phát mại thu hồi tài sản
Cũng theo anh Trường cung cấp thì một năm sau khi vay tiền của công ty Thanh An, gia đình nhận được thông báo từ phía ngân hàng rằng sổ đỏ bảo lãnh mà ông Kiều thế chấp ở công ty Thanh An đã bị công ty này mang đến ngân hàng thế chấp để vay với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Lo lắng trước sự nhập nhèm của công ty Thanh An liên quan đến sổ đỏ nhà mình, anh Trường tìm đến trụ sở công ty Thanh An ở Thanh Trì thì phát hiện công ty này đã "bốc hơi". Cũng theo anh Trường, trong đợt vay cùng gia đình anh, còn có 4 hộ khác, hộ vay ít thì 20 triệu đồng, hộ vay nhiều là 50 triệu đồng. Cá biệt, ông Kiều Văn Thống (chú họ của anh Trường) vay 100 triệu đồng.
Sau 2 ngày vay, ông Thống thu xếp đủ tiền, mang trả công ty để lấy sổ đỏ về nhưng phía công ty Thanh An trả lời cứ về nhà, hai ba hôm nữa sẽ có người mang sổ đỏ đến trả. Lời hứa đó đã không thành sự thật, công ty Thanh An không trả sổ đỏ cho ông Thống.
Anh Trường cho biết: "Tôi cũng không hiểu họ làm cách nào mà có thể chuyển sổ đỏ sang tên của công ty Thanh An rồi mang đi thế chấp ngân hàng được. Khi tôi đến phản ánh phía công ty Thanh An còn trả lời thẳng thừng, muốn lấy lại sổ đỏ thì phải trả đủ 1 tỷ đồng".
Anh Phí Văn Tính (cùng địa chỉ trên) phản ánh: "Năm 2007, do gia đình đông con, không có vốn làm ăn nên tôi nhờ anh Hiệp ở cùng thôn vay hộ 20 triệu đồng từ phía công ty Thanh An. Anh Hiệp cũng là người trực tiếp cầm sổ đỏ mảnh đất 360m2 của tôi đi vay và lấy tiền về. Mấy tháng sau, phía công ty Thanh An thông báo nộp lãi suất tiền vay, khi ra đối chiếu tôi mới giật mình bởi số tiền vay không phải là 20 triệu đồng như anh Hiệp đã đưa cho tôi mà thực tế lên tới 30 triệu đồng. Có thắc mắc, phía Thanh An cho biết anh Hiệp vay như vậy, còn tiền môi giới công ty này đã trả cho anh Hiệp rồi?".
Tương tự, anh Chu Văn Tảo cho biết: “Gia đình tôi có nhờ anh Hiệp vay hộ 100 triệu đồng nhưng chỉ vay được 50 triệu đồng. Sau khi trừ 2 triệu tiền môi giới của anh Hiệp, gia đình chỉ nhận vỏn vẹn có 48 triệu đồng. Mặc dù, sổ đỏ mảnh đất 540m2 đứng tên tôi, tôi không tham gia ký tá giấy tờ gì nhưng không hiểu sao phía công ty Thanh An vẫn phù phép để họ đứng tên sổ đỏ của tôi để thế chấp vay vốn ngân hàng được?!”.
Hợp đồng vay vốn được phát cho người dân
Chỉ là vụ việc dân sự?
Tiếp tục tìm hiểu, PV Người đưa tin được biết, lợi dụng nhu cầu cần vốn kinh doanh nhưng thiếu hiểu biết của người dân nên một số đối tượng đã lập công ty ma rồi tận dụng các chân rết để môi giới người dân đến vay tiền. Với mức lãi suất hấp dẫn, thậm chí là thấp hơn mức vay của ngân hàng, các đối tượng môi giới đã "nhắm" đến hộ dân vay những món nhỏ, nhưng có tài sản thế chấp là sổ đỏ để mồi nhử, rồi lừa họ ký vào các hợp đồng bán nhà, hoặc thế chấp nhà để chiếm đoạt tài sản.
Ngay sau khi vụ việc được phát hiện cùng với thông báo phát mại tài sản thể chấp của ngân hàng, mà sổ đỏ đứng tên công ty Thanh An, nhưng người sử dụng vẫn chính là những hộ dân đã khiến cho vùng quê vốn yên bình này không còn yên bình nữa. Họ lo lắng rồi đây không biết hoàn cảnh mình sẽ ra sao, từ món nợ có vài ba chục triệu đồng mà bây giờ hậu quả phải gánh chịu quá lớn.
Đề cập tới vấn đề này, ông Kiều Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm cho biết: "Hiện trên địa bàn có 15 hộ dân với khoảng 23 sổ đỏ được mang ra thế chấp tại các ngân hàng khác nhau. Trong số đó có 15 sổ đỏ đang bị phát mại do công ty Thanh An thế chấp vay tiền của ngân hàng lên đến hàng tỷ đổng, trong khi người dân chỉ vay của công ty Thanh An chỉ vào khoảng 500 triệu đồng. Tất cả vụ việc này xảy ra đều do giao dịch giữa người dân với bên công ty Thanh An, do đó xã cũng không biết, nắm rõ vụ việc".
Được biết, để giải quyết vụ việc, phía thi hành án cũng đã tổ chức họp bàn với dân đồng thời cho biết tổng số tiền vay từ 15 sổ đỏ vào khoảng 1,8 tỷ đồng, muốn lấy được sổ người dân phải gom đủ tiền nộp cho cơ quan này.
Tuy nhiên, trên thực tế với những hộ dân nghèo như vậy cùng với việc họ vay chỉ rơi vào một vài chục triệu đồng mà nay phải gánh chịu khoản tiền chênh lệch lên đến hàng trăm triệu đồng quả là điều quá khó và không thể!.
Chúng tôi tiếp tục thông tin tới bạn đọc vụ việc này.
Lòng tin đặt nhầm chỗ Theo ông Lương, bên công ty Thanh An là bên có vốn, cho trực tiếp người dân vay tiền, chỉ cần người dân không để ý, đọc kĩ nội dung (thực chất là bản giao kèo chuyển giao sổ đỏ) mà sơ ý, kí bừa nên mới dẫn đến việc công ty Thanh An chuyển tên đem thế chấp vay vốn ngân hàng lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, xuất phát từ chỗ do quá tin tưởng vào tình làng nghĩa xóm, chưa bao giờ tiếp xúc với việc vay vốn ngân hàng, lại thiếu hiểu biết pháp luật nên người dân mới bị lợi dụng và bị lừa như vậy. |
Quỳnh Chi