Tỉnh Cao Bằng và Bộ Giao thông Vận tải (GTTVT) vừa có văn bản gửi Chính phủ về việc đầu tư tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, dài 144 km với thiết kế 4 làn xe và kinh phí đầu tư hơn 47.500 tỷ đồng (khoảng 2,16 tỷ USD).
Một trong những nội dung được quan tâm nhất là vốn vay. Được biết, tại văn bản đề xuất nói trên, tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ sớm tham mưu, bố trí vốn cho dự án trên, trước mắt là khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc.
Liên quan đến việc thu xếp nguồn vốn nói trên, phóng viên Báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Xuân Ánh – Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng.
Thưa ông, tại sao vấn đề xây dựng đường cao tốc Trà Lĩnh – Đồng Đăng lại được tỉnh Cao Bằng đề xuất vào lúc này, khi việc đầu tư công đang được quản lý và siết chặt?
Dự án đường cao tốc Trà Lĩnh – Đồng Đăng là một dự án nằm trong quy hoạch hệ thống đường cao tốc Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư giai đoạn sau năm 2030.
Tuy nhiên, do yêu cầu cấp bách của địa phương trong phát triển giao lưu hàng hóa và kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước cũng như kết nối sang phía Trung Quốc nên tỉnh Cao Bằng đã có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc tháng ngày 09/01/2017 điều chỉnh quy hoạch từ giai đoạn sau 2030, chuyển sang giai đoạn 2016 – 2020.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã nhất trí và đang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiến hành điều chỉnh quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Đồng thời, Thủ tướng cũng cho ý kiến là có khoản vay ưu đãi bên mua của phía chính phủ Trung Quốc có thể xem xét bố trí nguồn vốn này để thực hiện dự án này. Hiện nay Chính phủ cũng đã giao cho các bộ liên quan nghiên cứu và có ý kiến đối với khoản vay đó. Hiện nay các bộ đang có ý kiến và trên cơ sở ý kiến các bộ, Thủ tướng sẽ xem xét và có chủ trương.
Dự án này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Cao Bằng. Cao Bằng là một tỉnh miền núi rất xa các trung tâm kinh tế, chỉ có duy nhất đường bộ. Hiện nay hai hệ thống đường kết nối các trung tâm kinh tế của tỉnh là quốc lộ 3 và quốc lộ 4 thì mới dừng lại ở mức độ là cấp độ 4 miền núi. Hai tuyến đường này rất quanh co đèo dốc và bắt đầu xuống cấp cho nên không đáp ứng được nhu cầu giao lưu hàng hóa đã tăng tương đối lớn hiện nay.
Xuất phát từ yêu cầu đòi hỏi phát triển kinh tế của tỉnh nên Cao Bằng đề nghị được đầu tư đường cao tốc, chắc chắn phải có đường cao tốc thì kinh tế xã hội của tỉnh mới có thể phát triển được, nếu không Cao Bằng mãi mãi là tỉnh nghèo, khó khăn, nó gần như ngõ cụt, vùng lõm.
Bởi thế, Quyết định của Thủ tướng là quyết định đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng của tỉnh cũng như nhu cầu giao lưu hàng hóa, nâng cao sản xuất, nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn Cao Bằng hàng năm vào khoảng 2 tỉ USD. Tôi cho rằng nếu kết nối được các trung tâm kinh tế lớn và thu hút được lượng hàng hóa từ Trung Quốc sang nhiều nữa thì chắc chắn kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sẽ lớn hơn nhiều. Sau khi có cao tốc Trà Lĩnh – Đồng Đăng, hoạt động xuất khẩu, không những xuất khẩu hai bên và riêng xuất khẩu nông sản qua địa bàn Cao Bằng cũng sẽ thuận tiện và tăng trưởng. Nó không những thúc đẩy kinh tế cho tỉnh Cao Bằng mà sẽ còn hỗ trợ rất tốt các tỉnh khác như các tỉnh Nam Bộ có lượng nông sản lớn xuất khẩu qua Cao Bằng.
Hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đã từ chối đứng ra vay lại khoản vay 300 triệu USD này và đề nghị Chính phủ giao cho tỉnh Cao Bằng chủ động xử lý khoản vay. Quan điểm của Cao Bằng về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Theo tôi, bây giờ đó chỉ là ý kiến các bộ thôi còn quyết định sau này như thế nào là do Chính phủ hai bên đàm phán. Cụ thể hiện nay mới có chủ trương cho vay thế thôi, hai bên sẽ phải đàm phán xem khoản vay này thực hiện như thế nào, cơ chế ra sao, lãi suất như thế nào… Bây giờ ta nói chuyện đó có lẽ hơi sớm.
Để đầu tư dự án cao tốc Trà Lĩnh – Đồng Đăng, vì sao Cao Bằng không đề xuất hình thức BT hay BOT như một số dự án đường cao tốc khác mà lại chọn hình thức vay vốn nước ngoài?
Không phải do Cao Bằng chọn, tỉnh Cao Bằng chỉ đề xuất đầu tư còn nguồn vốn nào cũng được. Việc Chính phủ thấy rằng hiện nay Trung Quốc đang có một nguồn vốn đó thì ta đang nghiên cứu thôi chứ không phải do mình đề xuất. Nếu nói Cao bằng đề xuất vay 300 triệu USD của Trung Quốc để đầu tư cao tốc là không chính xác đâu. Chỉ là giữa hai chính phủ đang có thỏa thuận về một nguồn vốn như vậy, nguồn này chưa sử dụng vào đâu cả, đúng lúc đó Cao Bằng đề xuất đầu tư cao tốc thì Thủ tướng thấy rằng có một nguồn vốn như vậy, đề nghị các bộ ngành cho ý kiến, nếu nó hợp lý thì thực hiện.
Trước đây đã từng có một khoản vay trị giá 300 triệu USD từ Trung Quốc từng được đề cập trong phương án vốn làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) hồi giữa năm 2016. Tuy nhiên sau đó Quảng Ninh từ chối vì lo ngại việc vay vốn Trung Quốc thường đi kèm điều kiện và có thể làm chậm tiến độ triển khai dự án. Nếu được chấp thuận khoản vay này, Cao Bằng có lo ngại vấn đề nói trên hay không?
Việc này theo tôi nên từ từ nói đến. Vì dự án này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu nên tôi tạm thời không bình luận về vấn đề vốn vay sẽ lấy từ nguồn nào. Quan trọng là Cao Bằng muốn được ủng hộ việc đề xuất chủ trương đầu tư đường cao tốc, còn nguồn vốn thì trong bối cảnh này có thể sử dụng một trong các nguồn vốn khác nhau: nguồn ngân sách nào đó hay nguồn vay nào đó, hoặc của các nhà đầu tư. Chắc chắn phải lấy từ nhiều nguồn khác nhau, vì nếu chỉ vay 300 triệu USD thì cũng không đủ đầu tư dự án này.
Xin cảm ơn ông!
Minh Minh (thực hiện)