Thời điểm cận Tết và sau khi kim đồng hồ điểm sang năm mới, người dân khắp nơi lại kéo đến đền Bà Chúa Kho nườm nượp. Trong không khí tưng bừng ấy, có người đến để cầu tài, cầu lộc, cầu bình an nhưng không khó để nhận thấy đa phần là giới kinh doanh, buôn bán.
Đầu năm, người ta đến để “vay vốn” Bà Chúa Kho với mong muốn có một năm vốn liếng dồi dào, tiền bạc dư dả, làm ăn phát đạt. Cuối năm, họ lại mang trả số “vốn” bằng niềm tin ấy để cảm ơn “thần linh” phù hộ.
Vào những ngày đầu xuân, khách thập phương từ mọi miền đất nước đổ về đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) để vay tiền làm ăn, cầu tài, cầu lộc, trong đó đa phần là giới thương nhân,tiểu thương.
Họ quan niệm “đầu năm đi vay, cuối năm đi trả”, muốn nhờ vía của Bà để ăn nên, làm ra, kinh doanh phát đạt.
Nghi lễ vay vốn Bà Chúa Kho
Mặc dù nghi lễ “vay vốn” Bà Chúa Kho chỉ là một nghi lễ tâm linh nhưng người lễ bái phải thành tâm và giữa đúng lời hứa của mình. Người đến vay cần ghi trong sớ rõ ràng là vay bao nhiêu, vay để làm gì và ghi rõ thời gian sẽ trả (tạ lễ) là 1 năm, 2 năm hay 5 năm.
Thậm chí, có một số người còn hứa vay một trả 3 hay vay một trả 10. Việc vay trả là tùy thuộc quan niệm mỗi người nhưng nhất thiết có “vay” thì phải có “trả” dù cho bạn có làm ăn được hay không.
Tuy nhiên, những nghi lễ này nên được thực hiện một cách khoa học, văn minh, không nên sa đà vào việc sắm lễ quá lớn, vừa tốn kém tiền bạc lại vừa gây mất mỹ quan khi đốt vàng mã quá nhiều.
Nên nhớ, tâm linh là có thể thực hiện nhưng không quá sa đà vào mê tín dị đoan. Không phải cứ xin bao nhiêu, đốt bao nhiêu vàng mã là được bấy nhiêu. Quan trọng vẫn là việc làm ăn chân chính của mỗi người.
Đền Bà Chúa Kho có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076. Vào thời đó, ở làng Cổ Mễ, là nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ kháng chiến.
Bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm gần đó. Bà được miêu tả là người rất đẹp. Sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất ở đây bị hoang hóa, bà xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang. Bà đã mở rộng khai hoang vào tận vùng Nghệ An.
Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh). Bà đã bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077). Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.
Hiện nay, một số nhà nghiên cứu công bố các công trình khảo cứu khẳng định Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh không thờ một người phụ nữ trông kho lương, và chỉ ra các ngôi đền ở Hà Nội, Hà Tĩnh, Nam Định mới thực sự thờ thần Mẫu trông coi kho lương của triều đình (Triều Trần, Triều Nguyễn). Tuy nhiên, các công bố này hầu như không đến với người dân. Hàng năm, vẫn có hàng vạn người từ các nơi trên khắp Việt Nam và nước ngoài hành hương đầu xuân về Bắc Ninh để cầu tài cầu lộc, quan trọng nhất là vay tiền Bà Chúa Kho, mong cho một năm mới công việc xuôi thuận, phát tài.
Phong Linh (tổng hợp)