Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về hoạt động đại lý thanh toán của các tổ chức tín dụng. Việc luật hóa cụ thể các quy định về hoạt động đại lý ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp các nhà băng mở rộng địa bàn hoạt động và nối dài cánh tay phát triển dịch vụ tài chính.
Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của hoạt động thanh toán tại các địa bàn địa phương đồng thời kiểm soát rủi ro, phòng, chống rửa tiền, Dự thảo Thông tư quy định hạn mức giao dịch tối đa cho mỗi điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 5 tỷ đồng/tháng. Đối với khách hàng cá nhân, giá trị giao dịch qua các đại lý thanh toán không quá 20 triệu đồng/ngày.
Liên quan đến dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này này không thực sự phù hợp với thực tế, có thể dẫn đến tình trạng gián đoạn dịch vụ và giới hạn đáng kể tiềm năng kinh doanh của bên đại lý.
Cụ thể, hạn mức này đã được thực hiện từ năm 2012 khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chương trình thí điểm đại lý. Đến nay, sau 12 năm, hạn mức này cần có sự điều chỉnh, tính đến quy mô phát triển thị trường, nhu cầu thanh toán gia tăng của người dân và mức độ lạm phát của nền kinh tế.
Hạn mức này chưa phù hợp vì cần được điều chỉnh phụ thuộc theo nhu cầu giao dịch tại địa bàn hoạt động của đại lý, quy mô hoạt động và mức độ rủi ro của từng đại lý. Một số đại lý là doanh nghiệp lớn vận hành chuỗi cửa hàng, điểm giao dịch ở các thành thị, quy mô giao dịch thường ở mức cao trong khi mức độ rủi ro của đại lý loại này khá thấp. Ngược lại, đối với các đại lý nhỏ ở khu vực nông thôn, nhu cầu giao dịch thấp hơn, do đó có thể áp dụng hạn mức như quy định.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng chỉ áp dụng hạn mức tại Điều 5.1 Dự thảo với đại lý mới ký hợp đồng; Sau đó, ngân hàng và đại lý có thể thoả thuận điều chỉnh hạn mức giao dịch phù hợp.
Ngoài ra, theo phản ánh của doanh nghiệp, thực tiễn triển khai cho thấy vai trò của các doanh nghiệp trung gian như trung gian thanh toán hay doanh nghiệp công nghệ lớn có mạng lưới rộng, với vai trò là đối tác hợp tác với ngân hàng, mang lại lợi ích cho các bên liên quan, đóng góp quan trọng vào thành công của họat động đại lý thanh toán:
Đối với đại lý: cung cấp các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để thực hiện các giao dịch thuộc nghiệp vụ đại lý (KYC khách hàng, nhận tiền, chuyển tiền, tra soát giao dịch ...) do các đại lý, đặc biệt ở địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, không có điều kiện kết nối với hệ thống hay truy cập vào core banking của ngân hàng;
Đối với ngân hàng: các ngân hàng không có nguồn lực và kinh nghiệm phát triển mạng lưới đại lý, đặc biệt tại các địa bàn không có chi nhánh, phòng giao dịch, do đó cần sự hỗ trợ của các đối tác trong hoạt động này;
Đối với khách hàng: với sự hỗ trợ của các đối tác, đại lý sẽ giúp khách hàng tiếp cận với hệ sinh thái kinh tế số, có thể sử dụng các dịch vụ thiết yếu cho đời sống hàng ngày (thanh toán điện, nước, điện thoại, học phí, thuế và lệ phí…) từ đó thúc đẩy thói quen tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương;
Từ những lợi ích thiết thực trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quyền của bên giao đại lý, bên đại lý được hợp tác với các đối tác để phát triển mạng lưới và hỗ trợ hoạt động của các đại lý thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật (tại Điều 9, 10 Dự thảo). Các đối tác có thể bao gồm doanh nghiệp trung gian thanh toán hoặc doanh nghiệp công nghệ lớn có mạng lưới rộng.
T.M