VCCI đề nghị đánh giá lại quy định lắp camera trên xe kinh doanh vận tải

VCCI đề nghị đánh giá lại quy định lắp camera trên xe kinh doanh vận tải

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Chủ nhật, 08/10/2023 07:00

VCCI cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, yêu cầu lắp camera tác động lớn đến doanh nghiệp mới có hoạt động khởi sự kinh doanh (có thời hạn hoạt động dưới 5 năm).

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 10231/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (Nghị định 65/2016/NĐ-CP, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Nghị định 119/2021/NĐ-CP).

Đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, VCCI cho biết, theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển (trừ các nội dung về trách nhiệm các bên trong hợp đồng) và danh sách kèm theo đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải qua thư điện tử hoặc qua phần mềm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ, việc phân biệt loại hình kinh doanh vận tải taxi, hay xe hợp đồng là không còn hợp lý. Do mỗi ngày có hàng trăm nghìn, hàng triệu giao dịch chuyến xe hợp đồng, trong khi phương thức báo cáo hiện nay là email, tương đối thủ công, chưa được tự động hoá. Điều này tạo ra gánh nặng tuân thủ rất lớn cho doanh nghiệp (phải đầu tư chi phí và nhân lực để gửi báo cáo theo giao dịch chuyến xe), đồng thời tạo áp lực về dung lượng lưu trữ cho hộp thư điện tử của các Sở Giao thông vận tải địa phương.

Trong bối cảnh, Chính phủ đang thúc đẩy cải cách hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, quy định này cần được xem xét bãi bỏ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay vì sửa đổi theo hướng bổ sung thêm nội dung phải cung cấp, gia tăng thêm gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Về đăng ký khai thác tuyến, dự thảo quy định đăng ký khái thác tuyến vận tải hành khách cố định chưa nằm trong danh mục mạng lưới tuyến đã được cơ quan có thẩm quyền công bố, theo đó trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải với bến xe không thống nhất được hành trình, giờ xe xuất bến, “trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của doanh nghiệp, hợp tác xã, Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh có văn bản lấy ý kiến Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia về hành trình, giờ xe xuất bến theo đề xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã; hết thời hạn trên nếu không có văn bản trả lời thì coi như Sở Giao thông vận tải được xin ý kiến đã đồng ý”.

So với hiện hành, quy định tại Dự thảo đã quy định chi tiết hơn quy trình đăng ký khai thác tuyến trong trường hợp đơn vị vận tải và bến xe không thống nhất được hành trình, giờ xe xuất bến.

Tuy nhiên, quy định tại Dự thảo cần xem xét ở một số điểm sau:Không rõ về thời gian giải quyết thủ tục hành chính: Chỉ có quy định về thời gian Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở hỏi ý kiến Sở Giao thông vận tải đầu tuyến, không có thời gian Sở Giao thông vận tải đầu tuyến phải trả lời và thời gian Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính phải trả lời cho doanh nghiệp; Việc quy định doanh nghiệp, hợp tác xã phải gửi đến Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để đăng ký tuyến dường như chưa hợp lý, trong trường hợp, nơi đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh không nằm trên hành trình của tuyến;Không rõ về tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền có ý kiến hoặc đồng ý/từ chối đề xuất đăng ký tuyến của đơn vị kinh doanh vận tải.

Để đảm bảo tính hợp lý và minh bạch, VCCI đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về trình tự thủ tục đăng ký tuyến trong trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe không thống nhất được hành trình, giờ xe xuất bến.

Quy định rõ về tiêu chí, nội dung mà các Sở Giao thông vận tải cho ý kiến, đồng ý/từ chối đề xuất của đơn vị kinh doanh vận tải.

Quy định nơi nhận hồ sơ là Sở Giao thông vận tải đầu tuyến hoặc cuối tuyến của hành trình.

Đối với trường hợp phải nộp lại phù hiệu, dự thảo sửa đổi khoản 9 Điều 20 Nghị định 10/2020/NĐ-CP như sau: “doanh nghiệp, hợp tác xã bị thu hồi đăng ký khai thác tuyến đối với nốt (tài) đang khai thác khi trong một tháng thực hiện dưới 70% tổng số chuyến xe của nốt (tài) đã đăng ký”.

Quy định này là chưa hợp lý, bởi vì tùy theo tình hình của thị trường, doanh nghiệp không thể lúc nào cũng có thể khai thác được trên 70% tổng số chuyến xe của nốt (tài) đã đăng ký.

Việc đặt ra yêu cầu cứng về việc phải thực hiện tối thiểu tổng số chuyến xe trong một tháng, là sự can thiệp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, là sự can thiệp hành chính vào thị trường.

Mục tiêu chính sách của quy định này là nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp đăng kí nốt nhưng không kinh doanh, giữ chỗ. Tuy nhiên, hướng giải quyết cần phải thay đổi về phương thức quản lý tuyến vận tải cố định.

Hiện nay, việc quản lý tuyến vận tải cố định theo hướng mỗi nốt chỉ có một doanh nghiệp được đăng ký. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường và cũng khiến xảy ra hiện tượng, doanh nghiệp đăng ký nốt nhưng không kinh doanh hoặc bán nốt. Nếu để việc đăng ký nốt theo hướng không giới hạn mỗi nốt chỉ có một doanh nghiệp khai thác thì sẽ không có tình trạng này. VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.

Đồng thời VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định sửa đổi bổ sung khoản 10 Điều 20 về thủ tục thu hồi Thông báo các đăng ký khai thác tuyến thành công và thu hồi các cấp cho phương tiện hoạt động trên tuyến đối với trường hợp tuyến thực hiện dưới 70% tổng số chuyến xe đã đăng ký.

Về yêu cầu lắp camera, khoản 5 Điều 34 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera.

Năm 2021, trước thời điểm bắt buộc phải áp dụng quy định này (01/7/2021), VCCI đã thực hiện cuộc khảo sát với hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách từ 09 chỗ trở lên, kinh doanh vận tải hàng hóa – là đối tượng chịu tác động trực tiếp của quy định này, ở ba miền Bắc, Trung, Nam để nhận diện một số tác động của quy định đối với doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cho thấy, yêu cầu lắp camera tạo ra gánh nặng rất lớn về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt tác động lớn đến các doanh nghiệp mới có hoạt động khởi sự kinh doanh (có thời hạn hoạt động dưới 05 năm). Để thực hiện quy định này, một xe ô tô có thể phải gánh các chi phí khoảng 17 triệu đồng (chi trả chi phí lắp camera 5,8 triệu đồng; chi phí truyền dữ liệu: 1,2 triệu đồng, chi phí thải bỏ camera là 5 triệu đồng, chi phí để tháo dỡ camera là 5 triệu đồng (đối với các doanh nghiệp đã lắp camera trước đó nhưng không tương thích với yêu cầu truyền dẫn của quy định)). Nếu trên cả nước có 200.000 xe khách, xe ô tô đầu kéo, container thì chi phí ước tính để tuân thủ riêng phần lắp camera là 1160 tỷ đồng, hàng tháng chi phí truyền dẫn dữ liệu sẽ là 240 tỷ đồng.

Mục tiêu quản lý của cơ quan nhà nước khi ban hành quy định này nhằm giám sát và cảnh báo vi phạm đối với tài xế lái xe, đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng phân tích vào từng mục tiêu thì thấy rằng: camera lắp trên xe có thể giám sát hành vi của lái xe. Là căn cứ xử lý vi phạm, ngăn ngừa vi phạm nhưng việc giám sát này có một số hạn chế nhất định vì dữ liệu truyền về là hình ảnh tĩnh chứ không phải là hình ảnh động (video). Do đó trong một số trường không chưa phản ánh chính xác hành vi của tài xế.

Camera cũng có thể giám sát và là bằng chứng để xử lý các vi phạm của hành khách trên xe. Nhưng chưa có số liệu thống kê đầy đủ nào về các hành vi vi phạm trên xe ô tô là nguy cơ cao để cơ quan nhà nước buộc phải thực hiện giám sát hành vi của các hành khách. Còn các mục tiêu về giám sát tải trọng, hành trình của xe ô tô thì camera không có chức năng này và hiện tại quy định pháp luật đã có các công cụ khác để quản lý.

Nếu xét về tính pháp lý thì quy định này chưa đủ rõ ràng để các doanh nghiệp xác định chính xác số lượng, chủng loại camera phải lắp trên xe. Một vấn đề quan trọng nữa là, yếu tố hình ảnh của hành khách thuộc về quyền hình ảnh riêng tư chưa được bảo vệ một cách hợp lý trong các quy định liên quan. Trong khi đây lại là vấn đề quan trọng mà các quốc gia trên thế giới quan tâm khi quy định về lắp camera trên xe ô tô vận tải hành khách.

Cũng theo nội dung Tờ trình “Hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh camera mới dừng lại ở bước thử nghiệm, hiện các Sở GTVT đang phải theo dõi, chiết xuất dữ liệu trên phần mềm của đơn vị vận tải, nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn”. Như vậy có thể thấy, từ khi phát sinh hiệu lực đến nay, công cụ quản lý bằng camera gặp nhiều khó khăn, ít hiệu quả.

VCCI đề nghị Ban soạn thảo đánh giá lại một cách toàn diện về việc yêu cầu lắp camera giám sát ở trên.

T.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.