Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Theo VCCI, doanh nghiệp đánh giá cao và hoan nghênh việc ban hành Thông tư quy định giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ khó khăn cho hoạt động kinh doanh vận tải do giá nhiên liệu tăng. Quy định này sẽ góp phần giảm chi phí kinh doanh và tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Theo quy định tại Dự thảo thì chỉ một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường sắt, thủy nội địa mà không phải tất cả các loại phí, lệ phí trong các lĩnh vực này.
Đối với hoạt động hàng hải nội địa, Dự thảo chỉ giảm mức phí trọng tải tàu, thuyền đối với hoạt động hàng hải nội địa; phí bảo đảm hàng hải nội địa; lệ phí ra, vào cảng biển đối với hoạt động hàng hải nội địa.
Các loại phí không được giảm là: phí sử dụng vị trí neo đậu tại khu nước, vùng nước; lệ phí ra, vào cảng biển tàu thuyền vào, rời khu vực hàng hải, cảng chuyên dùng, cảng dầu khí ngoài khơi.
Đối với hoạt động hàng không dân dụng: Dự thảo chỉ giảm đối với phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay.
Các loại phí không được giảm là phí kiểm định cấp giấy chứng nhận loại tàu bay, chứng chỉ đủ điều kiện kỹ thuật các phương tiện thiết bị hàng không sản xuất mới đưa vào sử dụng; phí kiểm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay cho tàu bay (tính theo trọng tải cất cánh tối đa của từng loại tàu bay); Phí thẩm định hồ sơ mua, bán, thuê, cho thuê tàu bay; Phí cung cấp thông tin trong sổ đăng bạ tàu bay; phí phân tích dữ liệu bay; Phí sát hạch đủ điều kiện cấp giấy phép nhân viên hàng không; lệ phí đăng ký các quyền đối với tàu bay; …
Đối với hoạt động thủy nội địa: Dự thảo chỉ giảm mức phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa; phí trình báo đường thủy nội địa; không giảm phí trọng tải.
"Việc giảm loại phí, lệ phí này nhưng không giảm loại phí, lệ phí khác trong cùng lĩnh vực hoạt động mà không có giải trình khiến cho chính sách chưa thực sự minh bạch", VCCI nhận định.
Từ đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo giải trình về các loại phí, lệ phí không được giảm và đồng thời cân nhắc mở rộng hơn việc giảm các loại phí, lệ phí trong các lĩnh vực được liệt kê ở trên.
Theo số liệu vừa công bố của Bộ Tài chính, đến hết tháng 8/2022, đã gia hạn các loại thuế ước khoảng 52 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 38,5% kế hoạch.
Theo đó, việc thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ ước khoảng hơn 49 nghìn tỷ đồng, số thuế đã nộp ngân sách Nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 của Chính phủ ước khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng.
Về các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 8/2022, ước tính số tiền thực hiện chính sách này khoảng 34,97 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 56,9% kế hoạch.
Cụ thể, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ, ước khoảng 25.700 tỷ đồng.
Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ, ước khoảng 6.555 tỷ đồng.
Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ước khoảng 737 tỷ đồng.
Đồng thời, điều chỉnh giảm thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng theo Nghị định số 101/2021/ND-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ, ước khoảng 1.100 tỷ đồng.
Giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí (từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2022) nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính ước khoảng 900 tỷ đồng.
Về chính sách giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do COVID-19 năm 2022, dự kiến thực hiện chính sách là 3,5 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện các chính sách này 8 tháng đầu năm khoảng 13 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và Tờ trình Chính phủ về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do COVID-19 năm 2022. Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Quyết định này.
Đối với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 521/NQ-UBTVQH15 ngày 14/6/2022 về việc bổ sung dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021.
Đến nay, Bộ Tài chính đã thông báo bổ sung kinh phí cho 20 địa phương với tổng kinh phí là 4.125 tỷ đồng (tạm cấp bổ sung 70%) để các địa phương thực hiện chính sách này.
Tuệ Minh