Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) văn bản trả lời Công văn của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Thông tư hướng dẫn một số nội dung dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng kinh doanh – quản lý đường bộ cao tốc (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Phương án tổ chức giao thông
Một số nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông phản ánh với VCCI rằng họ rất quan tâm đến việc tổ chức giao thông của dự án và khu vực xung quanh. Vấn đề này có thể ảnh hưởng đến lưu lượng xe và doanh thu của các dự án đường cao tốc. Nhiều nhà đầu tư muốn có nội dung này trong hợp đồng PPP để giảm rủi ro doanh thu của dự án.
Các vấn đề về tổ chức giao thông mà doanh nghiệp quan tâm thường bao gồm các loại biển báo giao thông, phương tiện được phép/không được phép đi vào dự án cũng như các đường nối, đường dẫn, đường song song với dự án.
Theo Nghị định 32/2014/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 25/2023/NĐ-CP) các vấn đề này hiện thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Tuy nhiên, vấn đề tổ chức giao thông cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của của các chủ phương tiện, người dân và doanh nghiệp tại các địa phương có dự án. Trên thực tế, có trường hợp phản ánh với VCCI tình trạng đặt biển báo cấm xe tải tại đường song song nhằm dồn các phương tiện này đi vào dự án PPP.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào Dự thảo một số nội dung sau:
Thứ nhất, bổ sung vào mẫu hợp đồng các vấn đề về phương án tổ chức giao thông của dự án đường cao tốc cũng như mạng lưới giao thông quanh (đường dẫn, đường nối, đường song song).
Thứ hai, quy định kỹ hơn vấn đề lấy ý kiến cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kinh doanh vận tải, du lịch, công nghiệp trong khu vực về phương án tổ chức giao thông dự kiến.
Quản lý, vận hành đường cao tốc
Việc cho phép tư nhân tham gia quản lý, vận hành đường cao tốc thông qua các hợp đồng O&M không chỉ có tác dụng chuyển nợ công thành nợ tư nhân, chuyển rủi ro doanh thu của con đường, mà còn nên được tận dụng để nâng cao năng lực quản lý, vận hành dự án.
Các doanh nghiệp tư nhân thường năng động và linh hoạt hơn trong việc đưa ra các phương án quản lý dự án để đạt được đầu ra mong muốn.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quản trị dự án theo đầu ra thay vì quản lý quá trình.
Theo phương pháp quản lý quá trình, Nhà nước thường đặt ra các yêu cầu như thời hạn bảo trì, số lượng người trực, số lượng phương tiện thường trực để làm các công tác phân luồng, hạn chế ách tắc, cứu hộ cứu nạn…
Ngược lại, theo phương pháp quản lý đầu ra, Nhà nước có thể đặt ra các chỉ tiêu đầu ra như tốc độ lưu thông trung bình và trong giờ cao điểm, thời gian xếp hàng đợi trả phí, tỷ lệ tai nạn giao thông, thời gian từ khi tai nạn đến khi được cứu hộ cứu nạn, mức thiệt hại… Doanh nghiệp dự án có quyền tự đưa ra biện pháp quản lý về nhân lực, vật lực nhằm đạt được mục tiêu đầu ra.
Tuệ Minh